Khuyến khích, thu hút đầu tư
Huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang là địa phương tiếp giáp với hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, Trung Quốc. Huyện nằm trong vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, gồm 18 xã, thị trấn với 199 thôn bản, tổ dân phố, với 17 dân tộc chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 78%, đời sống kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua Mèo Vạc đã tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư đặc biệt các lĩnh vực có tiềm năng như thủy điện và thủ công nghiệp. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được kịp thời rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Kết cấu hạ tầng tiếp tục quan tâm đầu tư, giai đoạn 2017 – 2021 huyện đã nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, xây mới 126 đầu điểm công trình với tổng vốn từ ngân sách nhà nước. Hạ tầng giao thông được duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo giao thông thông suốt từ huyện đến xã, thôn; chú trọng đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới các công trình trường học, trạm y tế và các công trình thiết yếu.
Huy động các nguồn lực trong công tác giảm nghèo. |
Đặc biệt, huyện còn chú trọng thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, thông qua nghị quyết và chương trình trọng tâm về bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch. Kết cấu hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp, tôn tạo, hoàn thành xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi; triển khai xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM thôn Khâu Vai; xây dựng tuyến đường du lịch đi bộ qua vách đá thần Mã Pì Lèng…
Tại các điểm thăm quan, dịch vụ ăn uống, giải trí phát triển mạnh, khai thác tốt tiềm năng du lịch gắn với phát huy giá trị vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá và văn hóa truyền thống dân tộc.
Đặc biệt, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, đảm bảo công tác an sinh xã hội. Lĩnh vực giáo dục, y tế có nhiều đổi mới; công tác giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm triển khai đồng bộ, hiệu quả với nhiều cách làm hay.
Giai đoạn 2017 – 2021, có trên 22,3 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh. Xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa
Để cải thiện và nâng cao đời sống vật chất của người dân, Mèo Vạc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa. Giai đoạn năm 2017 – 2021, giá trị sản xuất của huyện đạt trên 755 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng cây hàng năm đạt 46,17 triệu đồng.
Giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 302 tỷ đồng, chiếm 39,96% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp; bình quân lương thực đầu người đạt 429 kg. Công tác trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng tiếp tục được quan tâm; toàn huyện trồng mới 366 ha rừng tập trung, nâng độ che phủ rừng toàn huyện lên 35,3%.
Đẩy mạnh sản xuất trồng trọt chăn nuôi theo hướng hàng hóa. |
Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp”, đến nay, cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp chuyển dịch tích cực, phát triển các cây, con hàng hóa thế mạnh, nổi bật là phát triển đàn bò Vàng, lợn đen Lũng Pù, sản phẩm mật ong Bạc hà, gạo chất lượng cao. Triển khai hiệu quả Chương trình phát triển “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030 toàn huyện đã có 6 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 5 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, Mèo Vạc còn triển khai thực hiện đa dạng các nội dung phù hợp với thực tiễn nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn. Giai đoạn 2016 – 2020, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình NTM đạt trên 109 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng 56 tuyến đường giao thông và 2 công trình nhà lớp học.
Bên cạnh đó, huyện đã thi công được 64 công trình đường giao thông nông thôn với chiều dài gần 125 km. Toàn huyện đạt được 195 tiêu chí; trong đó, có 1 thôn đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt 19 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người đạt 20,56 triệu đồng. Đồng thời, lãnh đạo triển khai hiệu quả Đề án quy tụ dân cư gắn với xây dựng NTM; Đề án cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện...