Hãng phim truyện Việt Nam: Nghệ sĩ bức xúc vì bị cắt lương, bảo hiểm

GD&TĐ - Sáng 17/1, tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam, các nghệ sĩ, cán bộ và nhân viên của Hãng phim truyện Việt Nam đã căng biểu ngữ, băng rôn phản đối những quyết sách của Vivaso (Tổng Công ty Vận tải thủy) vì cho rằng nhà đầu tư này vi phạm pháp luật, đi ngược với chỉ thị của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ và Bộ VH-TT&DL.

Các nghệ sĩ mệt mỏi chia sẻ với báo chí
Các nghệ sĩ mệt mỏi chia sẻ với báo chí

Giọt nước tràn ly

Từ 8 giờ sáng 17/1, tại Hãng phim truyện Việt Nam (số 4, Thụy Khuê, Hà Nội), nhiều nghệ sĩ, cán bộ của hãng đã tập trung, căng băng rôn, biểu ngữ: “Vivaso hãy thoái vốn khỏi hãng phim”, “Hãy chia sẻ cùng VFS: “Tại sao cắt lương, bảo hiểm của chúng tôi”. Tiếp xúc với báo chí, các nghệ sĩ bày tỏ sự bức xúc cao độ về việc bị Tổng Công ty Vận tải thủy Vivaso - đơn vị chủ quản - cắt lương, bảo hiểm.

Trong danh sách 30 người không còn được hưởng lương và bảo hiểm có nhiều nghệ sĩ tên tuổi, gắn bó tâm huyết và có nhiều đóng góp như đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn, NSND - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, NSƯT Nguyễn Đức Việt, Trần Chí Thành, nhiều quay phim như Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Thanh Bình, Phạm Thanh Tùng, các nhân viên kỹ thuật hình như Cồ Huy Sáng, Cồ Huy Minh, Nguyễn Hoàng Linh... cùng các họa sĩ thiết kế, chuyên gia ánh sáng.

Bày tỏ sự lo lắng, bức xúc, đạo diễn – NSƯT Nguyễn Đức Việt cho biết: Anh chị em nghệ sĩ, cán bộ của VFS đã đi đến tận cùng của sự chịu đựng. Vivaso vẫn nối tiếp hết vi phạm này đến vi phạm khác, Ban lãnh đạo không tổ chức một cuộc họp chính thức nào với anh chị em nghệ sĩ, người lao động cả. Chiều ngày 15/1 chúng tôi đọc được thông báo dán trên bảng tin phía ngoài cổng hãng bị cắt lương và tất cả các loại bảo hiểm từ tháng 10. Hiện chỉ còn một số người làm ở bộ phận tài vụ, hành chính là vẫn tạm yên ổn. Hầu hết anh chị em làm chuyên môn đều trong danh sách “bị cắt” đang nháo nhào, vô cùng bất an. Không ai trong chúng tôi chấp nhận được cách làm việc nhập nhèm, mù mờ như vậy. Văn bản giấy tờ chẳng tuân thủ thể thức, cơ sở pháp lý, chẳng rõ ngày tháng nào?

Mong mỏi của các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam
  • Mong mỏi của các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam

Thiếu minh bạch, thừa lùm xùm

Theo đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân,việc cắt lương của một số nghệ sĩ được thực hiện từ tháng 7/2018. Sau đó, đồng loạt nghệ sĩ, cán bộ bị cắt lương và các loại bảo hiểm bị cắt từ tháng 10/2018 nhưng mãi đến 15/1, họ mới biết qua thông báo dán trên bảng tin. Các nghệ sĩ không thể liên hệ được với đại diện Vivaso để đối thoại nên đã phải làm văn bản kiến nghị lên công đoàn. Tuy nhiên, cũng giống như mọi lần khác, Chủ tịch Vivaso không có phản hồi.

“Một đối tác yếu kém về năng lực, Thanh tra Chính phủ đã kết luận và yêu cầu phải thoái vốn mà còn đưa ra những quyết định sai phạm, vô lý như thế? Đang thoái vốn mà

Vivaso còn tiếp tục lộng quyền như vậy, chà đạp lên quyền lợi của những người tâm huyết, gắn bó bao năm với VFS. Ai sẽ bảo vệ chúng tôi? Câu trả lời mà chúng tôi chờ đợi vẫn là “đang giải quyết”, “sẽ giải quyết”, “các bạn hãy kiên nhẫn”, “tất cả phải theo quy trình” mà không có văn bản nào chính thức, không có thời hạn cụ thể nào. Anh em cán bộ, nhân viên hoàn toàn không biết gì về lộ trình thoái vốn, sáp nhập vào đơn vị khác ra sao. Cái kết quả mong đợi Vivaso thoái vốn xong trước Tết Nguyên đán mà chúng tôi được hứa hẹn hóa ra là bị cắt lương và bảo hiểm”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân phẫn nộ.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, nguồn thu của VFS hiện giờ tuy không nhiều nhưng vẫn có và khi nhận chuyển giao, Vivaso đã nhận 2,5 tỷ đồng từ Ban lãnh đạo cũ. Vấn đề là Vivaso lấy lý do tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và không có nguồn thu để “diệt” anh em nghệ sĩ và người lao động.

Từ nhiều năm nay, VFS đã rơi vào tình trạng thua lỗ, thiếu công ăn việc làm, phải sống nhờ vào nguồn vốn từ các dự án phim Nhà nước đặt hàng và sự năng động, bươn trải của từng cá nhân, nghệ sĩ. Hàng chục năm nay cán bộ công nhân viên, nghệ sĩ dù không hề nhận đồng lương nào từ ngân sách nhưng họ vẫn thiết tha, tâm huyết cống hiến cho nghề.

Cùng với các nghệ sĩ tên tuổi, các thế hệ của VFS khát khao được đóng góp giữ gìn và phát triển thương hiệu của nền điện ảnh cách mạng. Họ đều ủng hộ cổ phần hóa vì hy vọng có được luồng sinh khí mới, vực nghiệp làm phim và ý thức được cho dù đã có lịch sử 60 năm với hơn 400 bộ phim nhưng nếu không cổ phần, VFS sẽ đi vào ngõ cụt. Nhưng sau khi Vivaso nắm giữ 65% cổ phần của VFS, những bất cập trong quản lý, điều hành hoạt động dẫn đến nguy cơ lụi tàn thương hiệu uy tín, khiến các nghệ sĩ phải kêu cứu. Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc chuyển giao không đúng quy trình, nhiều sai phạm sử dụng đất và kiến nghị Bộ VH-TT&DL để Vivaso rút vốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ