Công văn trái kết luận thanh tra?
Gần 2 tháng sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận về công tác cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam, nhiều cán bộ, nghệ sĩ mong ngóng việc thực hiện kết luận sớm được triển khai.
Nhưng mọi việc lại “nóng” lên khi Bộ VH-TT&DL ra Công văn số 4974/BVHTTDL-KHTC đề ngày 29/10/2018 yêu cầu nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Ban giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam qua các thời kỳ và người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam thực hiện 5 vấn đề lớn liên quan công tác cổ phần hóa chỉ trong vòng… 3 ngày.
Có thể tóm tắt chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL gồm: Kiểm tra, đối chiếu, xác nhận các khoản công nợ, phải thu phải trả chưa được đối chiếu tại thời điểm cổ phần hóa…; Xử lý dứt điểm các vướng mắc về đất đai…; Thực hiện nội dung theo kết luận thanh tra…; Kiện toàn bộ máy lãnh đạo, yêu cầu nhà đầu tư chiến lược bổ sung nội dung về mục tiêu, kế hoạch…; Rà soát các vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội…
Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ VH-TT&DL. Lịch sử gần 65 năm phát triển của hãng phim gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với những phim gây tiếng vang như: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”... Năm 2016, VFS tiến hành cổ phần hóa. Sau nhiều “lùm xùm”, Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO) đã mua lại VFS vào tháng 6/2016. Hiện tại, hãng phim mang tên Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam. Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa VFS và chỉ rõ một số tồn tại, khuyết điểm. Đồng thời, đề nghị Bộ VH-TT&DL chủ trì làm việc với nhà đầu tư, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục để nhà đầu tư chiến thoái vốn trước thời hạn.
Nguyên Phó Giám đốc VFS giai đoạn trước khi cổ phần hóa, NSND Nguyễn Thanh Vân cho rằng, công văn trên có một số điểm vô lý, đi ngược với kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc cổ phần hóa VFS.
Ông dẫn chứng, điểm 4.2 trong văn bản yêu cầu “nhà đầu tư chiến lược bổ sung thêm về nội dung mục tiêu, kế hoạch, giải pháp về đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, cũng như kế hoạch kinh doanh” thời gian tới..., trái với kết luận thanh tra là thoái vốn, tìm nhà đầu tư mới.
Ngoài ra, quá trình xác định đất đai vốn kéo dài nhiều năm, có ban kiểm toán, tư vấn, dưới sự chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL… đã làm không đúng. Bây giờ, việc này lại giao cho 2 người đại diện cho số vốn Nhà nước tại hãng phim, không có con dấu, không có vai trò chính danh.
Xung quanh những “lùm xùm” của việc ban hành văn bản trên, người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL Nguyễn Thái Bình cho biết, cơ quan này sẽ thực hiện nghiêm túc kết luận của Thanh tra Chính phủ và không có việc cố tình tìm cách cho Tổng Công ty Vận tải Thủy (VIVASO) ở lại.
Tuy nhiên, việc thoái vốn cũng phải thực hiện từng bước theo quy định. Mục tiêu cuối cùng là làm sao có được hiệu quả hoạt động tốt nhất trong điều kiện có thể cho VFS. Do sự cố về liên lạc, nên Bộ VH-TT&DL cũng đã có văn bản chính thức gửi tới VFS gia hạn thời gian trả lời các vấn đề của công văn đến ngày 15/12/2018.
Còn những băn khoăn
Theo Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, việc VIVASO phải tiến hành rút vốn sớm khỏi VFS với các nghệ sĩ là đã đạt mục tiêu. Đây là sự minh bạch, bảo vệ thương hiệu và danh dự, nhân phẩm của nghệ sĩ. Với VFS, sắp tới chắc chắn sẽ là bước ngoặt lớn.
Các nghệ sĩ, người lao động trong hãng đều hiểu đó sẽ là thay đổi đòi hỏi sự chuyển động và bứt phá của chính họ. Nếu không đoàn kết, nỗ lực, chính họ và VFS sẽ không thể tồn tại. “Tôi tin, các nghệ sĩ sẽ sẵn sàng đón nhận sự thay đổi để phát triển nhưng trên nguyên tắc bảo vệ, phát triển thương hiệu, tôn trọng nghệ sĩ và truyền thống một cách chân thành, đúng mức”, bà Trịnh Thanh Nhã nói.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ vừa cho biết, đơn vị này sẵn sàng tiếp nhận Hãng phim Truyện Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, đề xuất này đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đồng ý. Đồng thời, một số nghệ sĩ của VFS cũng đề nghị được về Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Được biết, giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Bộ VH-TT&DL cũng đã có những cuộc tiếp xúc, bàn thảo thuận lợi về vấn đề này. Ông Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, Đài Tiếng nói Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận và tạo mọi điều kiện để ổn định tổ chức, tư tưởng của các nghệ sĩ, diễn viên, giúp VFS phát triển.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, nguyên Giám đốc VFS Nguyễn Thị Hồng Ngát lo lắng: Tôi mừng vì kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm và nhà đầu tư chiến lược phải rút vốn trước thời hạn. Nhưng bây giờ VFS sẽ tồn tại như thế nào trong khoảng thời gian VIVASO rút vốn và chờ xây dựng đề án mới? Ai là người quản lý VFS trong khoảng thời gian này? Và ai sẽ trả lương cho cán bộ, nghệ sĩ?
Về vấn đề này, NSND Nguyễn Thanh Vân bày tỏ quan điểm, câu chuyện về quá trình cổ phần hóa VFS rất dài nhưng mục tiêu quan trọng nhất đã đạt được. “Chúng tôi kỳ vọng các cấp có thẩm quyền sẽ sớm có giải pháp để vực dậy ngành phim truyện” - nghệ sĩ chia sẻ.
Như vậy, sau khi VIVASO thoái vốn, cổ phần còn lại thuộc về Nhà nước và một số cán bộ, nghệ sĩ đã mua cổ phần. Tuy nhiên, vì việc xác định giá trị doanh nghiệp sẽ phải tính lại nên chưa thể khẳng định số lượng nắm giữ cổ phần giữa Nhà nước và các cán bộ nghệ sĩ là bao nhiêu?
Có ý kiến cho rằng, cần trả lại tiền mua cổ phần cho các cá nhân để Nhà nước nắm 100% cổ phần. Khi đo, mô hình sẽ trở lại như trước khi cổ phần hóa. Lúc ấy, Bộ VH-TT&DL sẽ bổ nhiệm lãnh đạo mới và chính những lãnh đạo mới này sẽ bắt tay vào việc thực hiện lại quy trình cổ phần hóa đúng quy định pháp luật.