Cước vận tải “nóng ruột”
Sau kỳ điều chỉnh tăng hôm 6/10, giá xăng RON 92 lên mức 20.906 đồng/l, tăng 2.717 đồng/l; xăng RON 95 ở mức 22.347 đồng/l, tăng 2.138 đồng/l. Ngoài ra, dầu hỏa có giá 18.611 đồng/l, dầu mazut 17.086 đồng/l, cao hơn 3.582 đồng/l… Chưa kể tháng 9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng lên kịch khung - từ mức 3.000 đồng lên 4.000 đồng/l, các mặt hàng dầu tăng từ 1.500 đồng/l lên 2.000 đồng/l.
Xăng dầu tăng giá khiến không ít người tiêu dùng lo lắng vì sẽ kéo theo chi phí sản xuất, vận chuyển và đẩy giá cả hàng hóa tăng theo. Nhiều hãng vận tải, hãng taxi đang rất “nóng ruột” xin tăng giá để có thể bù lỗ phần nào.
Tăng giá xăng dầu liên tục là tăng thêm khó khăn, thách thức đối với DN kinh doanh vận tải. Mỗi khi tăng giá xăng dầu Nhà nước cần cân nhắc kỹ, bởi đây không chỉ là gánh nặng đối với DN mà sẽ gánh nặng lên toàn nền kinh tế. Chính vì vậy, để khuyến khích DN phát triển, đóng góp nhiều cho nền kinh tế thì Chính phủ cần phải cố gắng giảm càng nhiều các loại phí càng tốt….
Theo ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc giá xăng tăng liên tiếp trong vài tháng gần đây không chỉ ảnh hưởng đến ngành vận tải mà còn tới toàn bộ giá cả hàng hóa.
Riêng với ngành vận tải, xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới đầu vào, chi phí cũng tăng theo. “Chưa thể khẳng định giá vận tải sẽ tăng lên bao nhiêu. Nhưng với lần điều chỉnh ngày 6/10 chắc chắn giá cước sẽ phải tăng. Dự báo sẽ có biến động lớn về giá vận tải trong thời gian tới” - ông Liên cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Việt Anh - Chủ nhiệm hợp tác xã vận tải Bắc Nam than thở, từ tháng 5 đến nay, xăng dầu tăng 3 lần khiến giá dịch vụ vận tải khó có thể đứng yên, bởi giá nhiên liệu chiếm từ 30 - 40% cơ cấu chi phí. Tuy nhiên, việc tăng giá sẽ có độ trễ nhất định để doanh nghiệp (DN) có thời gian, nhân lực và kinh phí điều chỉnh.
Bởi mỗi lần điều chỉnh giá cước, DN tốn vài trăm nghìn đồng/xe, chưa kể còn vô số những thủ tục rườm rà khác… “Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá xăng dầu trong khoảng thời gian nhất định để DN còn ổn định hoạt động, chứ cứ tăng liên tục kiểu này không ít DN phải đóng cửa hoặc bán bớt xe vì làm ăn thua lỗ” - ông Việt Anh cho hay.
Hàng hóa lập mặt bằng giá mới
Có thể thấy, xăng dầu tăng đã tác động không nhỏ đến doanh thu, lợi nhuận của các DN vận tải. Tuy nhiên, trong lúc cước vận tải chưa tăng, nhưng giá cả một số mặt hàng nhu yếu phẩm đã tăng lên.
Tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội (ngày 10/10) như: Giảng Võ, Cống Vị (Ba Đình) Láng, Hào Nam, Thái Hà (Đống Đa), Xuân La (Tây Hồ)… giá rau xanh, thịt lợn, gà, trâu, bò… tăng từ 10 - 15% so với cuối tháng 9. Cụ thể, giá thịt lợn ba chỉ 120.000 đồng/kg, lợn thăn 125.000 - 130.000 đồng/kg; gà 120.000 - 130.000 đồng/kg; thăn bò 280.000 - 290.000 đồng/kg, mông bò 260.000 - 270.000 đồng/kg. Các loại hải sản như: Cá chép 70.000 - 80.000 đồng/kg, rô phi 45.000 – 55.000 đồng/kg; Tôm sú tươi 450.000 - 500.000 đồng/kg; mực tươi 270.000 đồng/kg - 300.000 đồng/kg... Các loại rau xanh: Bắp cải, su hào, cần, cà chua, bí xanh, cải xanh… tăng từ 12 - 15% so với cuối tháng 9.
Anh Nguyễn Văn Tân - tiểu thương bán tạp hóa tại chợ Thành Công cho rằng, do giá xăng liên tục tăng, cước vận chuyển cũng được các nhà xe thông báo tăng trong vài ngày tới, theo đó giá một số mặt hàng cũng sẽ đẩy lên. Đặc biệt là giá các loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày như: Thịt lợn, thịt bò, gà và các loại rau, củ, quả… đã được tiểu thương đẩy lên ngay khi xăng dầu tăng giá.