Nỗi lo thả nổi điện, xăng

Nỗi lo thả nổi điện, xăng

(GD&TĐ) - Năng lượng (trong đó chủ đạo là xăng dầu và điện) luôn được coi là mạch máu của mọi nền kinh tế, sự lên xuống của giá cả mặt hàng đặc biệt này luôn có sự tác động mạnh mẽ tới mọi góc cạnh của bất cứ nền kinh tế nào. Điều đó, không cần phải là một chuyên gia kinh tế mới hiểu được.

Phương án “thả nổi” 

Khi mà giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã liên tiếp điều chỉnh, giá điện cũng liên tục “dọa” tăng trong khi nền kinh tế vẫn chưa thực sự qua khỏi giai đoạn khó khăn, người dân không khỏi giật mình khi Bộ Công Thương lại vừa đề xuất lên Chính phủ phương án “thả nổi” giá xăng dầu và điện.

Trong văn bản gửi Thủ tướng  cách đây ít lâu nhằm đề xuất chỉnh sửa một số nội dung của dự thảo Luật Giá, Bộ Công Thương đã nêu kiến nghị đã đến lúc Nhà nước không nên định giá điện, xăng dầu mà nên nhường quyền tự quyết cho doanh nghiệp tự chèo lái. Với xăng dầu, có lẽ do tác động ghê gớm của nó đối với nền kinh tế trong đợt điều chỉnh tăng giá kỷ lục ngày 28/3 (dù sau đó Liên bộ Công Thương – Tài chính do tác động ngược chiều của giá giao dịch thế giới, đã có 2 lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu bán lẻ, tương ứng mỗi lần  điều chỉnh khoảng hơn 400 ngàn VNĐ/lít xăng)  gây “nổi sóng” dư luận, nên Bộ Công Thương chỉ đề cập đến việc cần đẩy mạnh hơn nữa hiệu lực của Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường vào cuộc sống, chứ không đưa ra các đề xuất cụ thể nào mới. Quan điểm trong đề xuất của Bộ chủ quản khá rõ ràng: Nên để việc điều hành giá cho doanh nghiệp tự chèo lái.

Trong bối cảnh độc quyền của EVN trên thị trường điện, thả nổi giá điện chẳng khác gì thả nổi nền kinh tế
Trong bối cảnh độc quyền của EVN trên thị trường điện, thả nổi giá điện chẳng khác gì thả nổi nền kinh tế

Cụ thể, theo Bộ Công Thương, mặt hàng điện đã có chủ trương rõ ràng, theo cơ chế thị trường. Bằng chứng rõ nhất là thị trường phát điện cạnh tranh đang được triển khai thí điểm hơn 2 năm qua, theo lộ trình đề án do Bộ Công Thương đề xuất và được Chính phủ thông qua. Theo đó, thị trường điện cạnh tranh Việt Nam phải đi qua 3 cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh (giai đoạn 2005-2014), thị trường bán buôn điện cạnh tranh (giai đoạn 2015-2022) và cuối cùng là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (giai đoạn sau 2022). Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực cũng đã đưa ra đề xuất Nhà nước chỉ nên kiểm soát khung giá phát điện, bán buôn, truyền tải, phân phối, phí dịch vụ điều độ hệ thống điện... Tuy nhiên, cho đến nay đã bước vào quý II của năm 2013, giá điện theo cơ chế thị trường vẫn chưa được triển khai trên thực tế là điều ai cũng thấy rõ. Thậm chí, cả xã hội đều biết rằng EVN vừa đề xuất từ tháng 5 này trở đi sẽ có hướng điều chỉnh giá điện do khả năng thiếu nguồn cung bởi ảnh hưởng của thời tiết (khiến nguồn điện không về được tại một số công trình thuỷ điện nổi cộm). Điều đó đặt ra vấn đề nếu để thủy điện tiếp tục ổn định, người dân cũng như cộng đồng doanh  nghiệp tiếp tục chịu nguồn thu cao hơn để ngành điện có khả năng cải thiện nguồn cung của mình.

Những đề xuất có vẻ là hợp lý nếu Việt Nam thực sự đã có cạnh tranh bình đẳng về cung ứng và phân phối điện giữa các doanh nghiệp. Thực tế thì thế nào? Ai cũng hiểu thị trường điện là độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hoặc là công ty con của Tập đoàn này, hoặc chịu sự điều tiết (về sản lượng, về giá cả) của Tập đoàn, và muốn bán ra thị trường như thế nào đều phải thông qua Tập đoàn. 

“Bao bọc” đến bao giờ?

Khi thị trường bán lẻ cạnh tranh chưa hề có lộ trình cụ thể (chỉ là mục tiêu đặt ra cho các giai đoạn như ở trên chúng tôi vừa đề cập), Bộ chủ quản đã sốt sắng đề nghị việc thả nổi giá. Một khi đã không có thị trường, thử hỏi “ông” EVN phải cạnh tranh với ai? Không phải cạnh tranh nhưng lại được quyền quyết định về giá - nếu điều phi lý này trở thành hiện thực, người dân chuẩn bị sắm đèn dầu đi làm; còn nền kinh tế, có lẽ không nên đặt hy vọng vào việc giảm đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng để qua đó giảm được lạm phát.

Phi lý khi không phải cạnh tranh nhưng lại muốn có quyền quyết định về giá
Phi lý khi không phải cạnh tranh nhưng lại muốn có quyền quyết định về giá

Nuông chiều “đứa con”, cho thấy đề xuất của Bộ Công Thương (may thay Bộ này không có quyền quyết định nên mới chỉ là đề xuất) rõ ràng không quan tâm nhiều đến lợi ích chung của nền kinh tế cũng như đời sống người dân. Ai cũng biết từ lâu EVN đã mong muốn đến thế nào việc tự quyết về giá điện; gần như mỗi lần đề xuất tăng giá là một lần đính kèm đề nghị được tự quyết. 

Mà riêng gì EVN. Thị trường bán lẻ xăng dầu trong nước, dẫu không đến mức một mình một chợ như thị trường điện với duy nhất ông EVN, nhưng Petrolimex (chiếm khoảng 60% thị phần) và một vài đầu mối lớn khác cũng liên tục đòi được quyền tự quyết về giá, nói theo thuật ngữ kinh tế là điều hành giá theo cơ chế thị trường. Ai cũng biết các doanh nghiệp này chi phối thị trường như thế nào và ngay các cơ quan chủ quản cũng không nắm được thực hư lỗ lãi ra sao, nếu giao quyền tự quyết thì còn thế nào nữa?

Dẫu sao, giá xăng vẫn còn có lúc hạ (dù là hạ cho có) và còn có thị trường dầu thô quốc tế, thị trường phân phối bán lẻ khu vực (với tham chiếu là thị trường bán lẻ xăng dầu Singapore, đầu mối nhập khẩu xăng dầu bán lẻ của Việt Nam). Còn giá điện, lấy gì để tham chiếu? Chuyện mù mờ lỗ lãi của các nhà kinh doanh xăng dầu vẫn có thể tính toán ra được ở chừng mực nào đó. Chuyện lỗ lãi của EVN, luôn là bí mật lớn trừ khi có thanh tra hay kiểm toán. Để một “nhà độc quyền” về mọi mặt như vậy tự quyết về giá, Bộ Công Thương đã “nghĩ” kỹ cho nền kinh tế chưa hay mới chỉ “nghĩ” riêng cho “đứa con cầu tự” của mình?

Chưa vào hè, người dân đã lo “đối phó” với… xăng, điện

Giá xăng dầu tăng, giá điện cũng rục rịch doạ tăng, kéo theo hàng loạt giá cả các mặt hàng khác cũng tăng khiến người dân bắt đầu ý thức với khái niệm tiết kiệm khi đổ xô đi mua quạt máy để thay thế điều hòa. Bên cạnh đó, trước nguy cơ cắt điện luân phiên. Cũng đủ để máy phát, quạt tích điện, đèn tích điện hoặc bộ kích điện... lên... “cơn sốt”.

Từ hơn một tháng trước, trên các trang web bán hàng trực tuyến đã bắt đầu sôi động về những mặt hàng nêu trên, thay vì hướng vào “xa xỉ phẩm” điều hoà như mọi năm. Còn những ngày chớm nóng vừa qua, các phố kinh doanh máy phát điện ở Hà Nội như Trường Chinh, Hàng Cháo, Minh Khai, Trương Đinh... đã thấy bày bán la liệt các loại máy phát điện công suất lớn nhỏ, lúc nào cũng tấp nập khách vào ra, mặc dù theo một số người kinh doanh thì 2/3 trong số đó là vào... kham khảo. 

Theo quan sát của chúng tôi, thị trường máy phát điện năm nay ở Hà Nội vẫn tập trung ở các dòng máy do Nhật Bản sản xuất như Tiger, Kama xuất xứ Trung Quốc; Honda, Yamaha, Elemax, Kipor...; lác đác có thể một vài mác sản phẩm đến từ Hàn Quốc như Daishin và Hyundai. Đó là các mặt hàng có tên tuổi với giá thấp nhất cũng xấp xỉ 5 – 6 triệu đến vài chục triệu đồng/chiếc, tùy công suất. Chủ một cửa hàng ở Trương Định cho biết năm nay không nhập nhiều máy Trung Quốc nữa bởi người dân đã biết lựa chọn hơn, không đầu tư cho hàng Trung Quốc giá rẻ nhưng nhanh hỏng, công suất yếu. 

Quan sát trên thị trường, các loại máy phát điện mini công suất từ 0,55 KVA đến 0,8 hoặc 1 KVA được bày bán nhiều nhất. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi loại máy này phù hợp với nhu cầu sử dụng của hộ gia đình, giá cả lại hợp lý. Các loại máy phát điện này tùy thuộc vào chủng loại, công suất mà có giá từ 4 - 5 triệu đồng đến vài chục triệu đồng chiếc. 

Bên cạnh máy phát điện là loại hàng quen thuộc thì gần đây trên thị trường cũng xuất hiện khá nhiều bộ kích điện. Trước đây, mặt hàng này chủ yếu có xuất xứ tại Trung Quốc như năm nay đã có hàng được lắp ráp tại Việt Nam, có kiểu dáng khá gọn nhẹ, thẩm mỹ và nhất là an toàn hơn đối với người sử dụng. Chủ cửa hàng đồ điện đầu đường Trường Chinh cho biết mặt hàng này bán chạy hơn máy phát điện do giá thành rẻ (dao động từ 1,8 đến 2,7 triệu đồng/ chiếc, tuỳ công suất máy). Loại sản phẩm này có thể biến dòng điện một chiều 12V từ bình ắc quy thành dòng điện xoay chiều 220V. Công suất của bộ kích điện cũng khá phong phú: 400VA, 600VA, 1000VA. Đi kèm thường là những bình ắc quy với công suất do khách hàng tự lựa chọn 50Ah, 100Ah, 150Ah, 180Ah), giá dao động từ 700.000 - 2,7 triệu đồng/chiếc tuỳ công suất.

Bắc Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ