Giá xăng tăng từ 14 giờ ngày 18/12. |
Chưa kịp mừng với việc tỷ giá ổn định những tháng cuối năm, người dân và doanh nghiệp lại đang “sốt vó” trước những tác động xấu có thể xảy ra do giá xăng, dầu tăng dịp gần Tết.
Sợ mất Tết vì xăng tăng giá
Sau khi được cơ quan quản lý cho phép tăng giá bán, chiều 18/12, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cùng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã thông báo tăng giá xăng, diezel và dầu hỏa. Theo đó, xăng A95 và A92 tăng 580 đồng, lên lần lượt 24.710 đồng và 24.210 đồng/lít.
Giá diesel 0,05S tăng 650 đồng, lên 22.960 đồng/lít, trong khi dầu hỏa tăng thêm 380 đồng ở mức 22.400 đồng/lít. Cùng với việc tăng giá xăng dầu, Petrolimex cũng cho biết, đã thực hiện ngừng dùng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu kể từ 14 giờ trong ngày.
Trước việc xăng dầu tăng giá ngay trước kỳ cao điểm Tết Nguyên đán, Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cho biết: 2013 là năm đặc biệt khó khăn, công ty năm nay đã 2 lần phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh cho sát với diễn biến của thị trường. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định không điều chỉnh tỷ giá trong những tháng cuối năm khiến doanh nghiệp đỡ một phần gánh nặng. Chưa kịp mừng thì việc tăng giá xăng như gáo nước lạnh.
“Nói xăng tăng giá thời điểm này không ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp là không đúng. Với 2 nhà máy của chúng tôi cách Hà Nội gần 60 km, chỉ cần xăng tăng giá 500 đồng/lít, mỗi tháng cũng ngốn thêm của công ty khoảng 80 triệu tiền vận chuyển. Giá bán không tăng được, sức mua quá yếu, chỉ cần bất cứ nguyên liệu đầu vào nào tăng giá vài trăm đồng cũng khiến doanh nghiệp thêm khó khăn” - Vị này cho biết.
Trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp thép tại Hải Phòng cho biết: “Vốn bỏ ra lớn, hàng không bán được, doanh nghiệp có tí lãi nào phải dồn hết cho việc trả nợ ngân hàng. Xăng dầu tăng giá càng khiến ngành có hàng tồn kho lớn như thép, rơi vào cảnh khó khăn hơn. Giá vận chuyển tăng vài phần trăm cũng đủ khiến chúng tôi… mất Tết”, ông nói.
Chị Nguyễn Thị Sáu - Tiểu thương kinh doanh hàng nông sản và gạo tại chợ Trần Quý Cáp (Hà Nội) - sau khi biết tin xăng tăng, nói: “Thực tế kinh doanh cho thấy, mỗi lần tăng giá xăng dầu, chi phí vận chuyển thường tăng từ 1,2 đến 1,5 lần/tháng. Trong khi đó mức tăng giá bán của nông sản không bao giờ tỷ lệ thuận với mức tăng chi phí, thường thấp hơn nhiều. Kinh doanh đã khó lại càng mệt mỏi hơn với những việc tăng giá bất ngờ này. Xăng tăng giá, chúng tôi chỉ còn cách khấu trừ bằng cách tính vào giá bán cho người tiêu dùng”, chị Sáu nói.
Sau khi giá xăng tăng, tại khu vực chợ trước khu công nghiệp Linh Xuân (Thủ Đức, TPHCM), mỗi bó rau bỗng nhiên tăng lên ít nhất 1.000 đồng. Bà chủ sạp rau trước cửa khu công nghiệp, nói: “Xăng tăng chi phí vận chuyển cũng tăng theo. Mỗi lần vận chuyển từ các vườn rau tới đây, quãng đường dài nên phải tăng giá thôi”.
Chị Nguyễn Thị Hằng, một công nhân, cho biết: “Mình suốt ngày đi làm có biết thông tin gì đâu. Lương công nhân thấp, bình thường phải chắt chiu lắm mới đủ sống. Giờ cái gì cũng tăng theo xăng, biết sống ra sao”. Còn anh thợ hồ Nguyễn Văn Dũng sống gần khu công nghiệp Linh Xuân, than thở: “Lương mỗi ngày được hơn trăm ngàn, đổ xăng, ăn uống, tiền điện nước... Xăng tăng, mọi thứ sẽ tăng theo”.
Tăng giá là bất khả kháng?
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc tăng giá xăng dầu trong nước do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh và các doanh nghiệp bị thua lỗ. Tính bình quân trong 30 ngày gần đây, giá xăng A92 là 114,52 USD/thùng, dầu diezel 0,05S là 125,82 USD/thùng, dầu hỏa 125,61 USD/thùng, dầu madút 609 USD/tấn.
Với mức giá thế giới như vậy, sau khi tính cả các khoản thuế và phí, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ 914 đồng/lít xăng A92; lỗ 982 đồng/lít với dầu diezel. Riêng mặt hàng dầu hỏa, doanh nghiệp bị lỗ nặng nhất 1.414 đồng/lít, trong khi dầu madút bị lỗ 109 đồng/kg.
Theo giải thích của đại diện Bộ Tài chính, việc tăng giá gần như là bất khả kháng do các cơ quan quản lý đã cân nhắc và sử dụng hết các biện pháp cần thiết. Ngay cả các mức thuế đã xuống dưới quy định (cụ thể, thuế với mặt hàng xăng là 18%, dầu hỏa 16%, madút 15% và dầu diezel 14%).
Cùng đó, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không còn nhiều. Số dư quỹ ước đến hết ngày 10/12 chỉ còn khoảng 72 tỷ đồng, trong đó có 7 doanh nghiệp đã bị âm quỹ. Riêng Petrolimex, đơn vị chiếm hơn 50% thị phần, còn dương 239 tỷ đồng trong quỹ.
Bị âm quỹ lớn nhất là Tổng Cty Dầu Việt Nam với mức âm quỹ 194 tỷ đồng. Tổng Cty Kỹ thuật và đầu tư Petec âm 145 tỷ đồng, Cty CP Lọc hóa dầu Nam Việt âm 37 tỷ đồng, Cty dầu khí Đồng Tháp âm 31 tỷ đồng, Cty Xăng dầu hàng không Việt Nam âm 20 tỷ đồng...
Cục phó Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết đã yêu cầu doanh nghiệp đầu mối cắt giảm, không tính lợi nhuận định mức trong giá cơ sở đối với 3 mặt hàng xăng, diezel và dầu hỏa (ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá).
Riêng mặt hàng dầu hỏa, do sản lượng bán trong nước không nhiều, hơn nữa mức chênh lệch giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành theo quy định của Nghị định 84 nên tiếp tục cho doanh nghiệp được sử dụng Quỹ Bình ổn giá ở mức 700 đồng/lít.
“Hiệu ứng tăng giá do xăng dầu được đánh giá là không lớn. Việc tính toán tác động tăng giá xăng dầu với giá cả trong dịp tết cũng chỉ là tương đối và không có độ chính xác”, bà Nga nói.
Theo Tiền phong