Thông tư có hiệu lực thi hành từ 12/12/2020.
Thêm chức danh trợ giảng
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết: Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư này so với quy định trước đây là có thêm chức danh trợ giảng. Cụ thể, chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục ĐH công lập quy định tại Thông tư bao gồm: Giảng viên cao cấp (hạng I); giảng viên chính (hạng II); giảng viên (hạng III); trợ giảng (hạng III).
Giáo viên trợ giảng có nhiệm vụ hỗ trợ giảng viên (hạng III), giảng viên chính (hạng II), giảng viên cao cấp (hạng I) trong các hoạt động giảng dạy. Trong đó có chuẩn bị bài giảng, phụ đạo, hướng dẫn bài tập, thảo luận, thí nghiệm, thực hành, thực tập và chấm bài; học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy. Trợ giảng cũng có nhiệm vụ tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; tham gia công tác quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH công lập và quy định khác của pháp luật có liên quan. Yêu cầu về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, giảng viên trợ giảng phải có bằng ĐH trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy.
Trình độ tối thiểu của giảng viên là thạc sĩ
Một điểm mới khác, theo ông Hoàng Đức Minh, là quy định tăng chuẩn trình độ đào tạo của giảng viên tối thiểu là thạc sĩ. Cụ thể, giảng viên (hạng III), giảng viên chính (hạng II) phải có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy; giảng viên cao cấp (hạng I) có bằng tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy.
Ngoài ra, mỗi chức danh giảng viên cần có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên tương ứng. Yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
“Liên quan đến yêu cầu về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, cả 4 chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục ĐH công lập đều không yêu cầu trình độ ngoại ngữ và tin học như quy định hiện hành. Yêu cầu ngoại ngữ, tin học với các chức danh trong Thông tư 40 được đưa ra ở quy định về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Theo đó, trợ giảng, giảng viên phải có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ trong thực hiện các nhiệm vụ. Quy định như vậy sẽ không bỏ yêu cầu về trình độ tin học, ngoại ngữ và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.” – ông Hoàng Đức Minh cho biết thêm.
Thông tư 40 đồng thời thể hiện rõ yêu cầu về nghiên cứu khoa học đối với chức danh trợ giảng và từng chức danh giảng viên trong quy định về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; từ đó bảo đảm sự hài hòa giữa nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của các chức danh giảng viên, trợ giảng.
Cũng theo Thông tư 40, chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 - 8,00. Chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ 4,40 - 6,78. Chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), trợ giảng (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ 2,34 - 4,98.