Hàn Quốc: Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong đào tạo y khoa

GD&TĐ - Trường Đại học Y khoa thuộc Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc, đang triển khai công nghệ thực tế ảo (VR) để tạo điều kiện cho sinh viên học thực hành an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Sinh viên (trái) Trường Đại học Y khoa, Đại học Kyung Hee làm quen với kính thực tế ảo.
Sinh viên (trái) Trường Đại học Y khoa, Đại học Kyung Hee làm quen với kính thực tế ảo.

Trong phòng thực hành giải phẫu tại Trường Đại học Y khoa, Đại học Kyung Hee, thay vì cầm dao mổ, sinh viên đeo kính thực tế ảo và lần lượt thực hành giải phẫu dưới sự hướng dẫn của giáo sư nhà trường.

Kyung Hee là trường đại học đầu tiên tại Hàn Quốc giới thiệu và triển khai mô hình “lớp học giải phẫu kết hợp”. Các chuyên gia giáo dục đánh giá mô hình này cho thấy, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự thay đổi đáng kinh ngạc trong đào tạo y khoa tại Hàn Quốc suốt 2 năm qua.

Giáo sư Giải phẫu và Sinh học thần kinh, Kim Do-kyung cho biết Đại học Kyung Hee đã thành lập ủy ban về giáo dục công nghệ và giáo dục đa phương tiện để đưa công nghệ VR, thực tế tăng cường (AR) và metaverse (vũ trụ ảo) vào đào tạo y khoa. Nhà trường triển khai chương trình thực hành cho sinh viên khoa y thông qua công nghệ VR từ năm 2021 với mô hình “lớp học kết hợp” giữa giải phẫu tử thi và giải phẫu VR.

100 sinh viên năm nhất được chia thành 12 nhóm. Ở học kỳ đầu tiên, các em được hướng dẫn giải phẫu tử thi truyền thống. Sau đó, các nhóm sẽ nghiên cứu sâu về cơ thể người như xương, cơ, mạch máu… thông qua mô hình 3D sử dụng kính VR Oculus Quest 2. Mỗi nhóm sẽ được trang bị một thiết bị VR.

Giáo sư Do-kyung giải thích tài liệu trong các lớp học giải phẫu truyền thống gồm sách giáo khoa, mô hình cơ thể người, video hướng dẫn phẫu thuật tử thi. Những tài liệu này khiến nhiều sinh viên không thể nắm rõ các chi tiết giải phẫu được liên kết với nhau như thế nào trong không gian 3 chiều, phải học đi học lại. Phương pháp truyền thống trao quyền chủ động cho giảng viên nhưng khiến sinh viên trở nên thụ động.

Tuy nhiên, việc lồng ghép công nghệ VR vào đào tạo giải phẫu đã thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống. Sau khi xem video hướng dẫn giải phẫu và thực hành trên công nghệ VR, sinh viên sẽ trở lại học lý thuyết trực tuyến. Lúc này, các em đã nắm được thực hành nên việc học lý thuyết trở nên sinh động, dễ dàng hơn.

“Dạy thực hành dựa trên VR có thể tối đa hóa chất lượng trải nghiệm do công nghệ này giúp người học sử dụng triệt để 5 giác quan. Ngoài ra, nó có thể khắc phục những hạn chế về thời gian, không gian, đặc biệt trong bối cảnh dịch”, Giáo sư Do-kyung chia sẻ.

Thời gian tới, Đại học Kyung Hee sẽ mở rộng việc ứng dụng VR và metaverse trong giảng dạy, đặc biệt hướng đến chương trình cao học.

“Nhiều công nghệ giáo dục đã được triển khai trong giai đoạn Covid-19. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới nên chúng tôi phải không ngừng cố gắng để đáp ứng mong muốn học tập của thế hệ sinh viên tương lai, những người đã quen ứng dụng công nghệ vào giáo dục”, Giáo sư Do-kyung bày tỏ.

Theo Koreamed

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.