Hàn Quốc: Trình độ học vấn có phải nguyên nhân gây phân biệt đối xử?

GD&TĐ - Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết, trình độ học vấn dựa trên nỗ lực cá nhân, không phải yếu tố bẩm sinh để gây phân biệt đối xử. Nhưng nhiều người dân, thành viên Đảng Công lý không đồng tình với quan điểm này.

Học sinh Hàn Quốc hồi hộp trước kỳ thi tuyển sinh đại học.
Học sinh Hàn Quốc hồi hộp trước kỳ thi tuyển sinh đại học.

Tuần vừa qua, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã trình xin ý kiến Quốc hội và Bộ Tư pháp nước này về việc ban hành dự luật chống phân biệt đối xử. Trong đó, dư luận tranh cãi gay gắt về việc trình độ học vấn có được coi như yếu tố phân biệt đối xử hay không.

Nhiều năm gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy thảo luận, soạn thảo luật ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử dựa trên giới tính, tuổi tác, ngôn ngữ, quốc gia, khuynh hướng tình dục, tình trạng thể chất… Bộ Giáo dục nêu quan điểm nền tảng học vấn không phải nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử.

Tuy nhiên, ông Jang Hye-young, Hạ nghị sĩ của Đảng Công lý đánh giá Bộ Giáo dục không coi nền tảng học vấn là một trong các yếu tố dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử. Bởi vì không giống như giới tính, quốc tịch hay thể trạng sức khỏe mang tính bẩm sinh, trình độ học vấn là kết quả của nỗ lực, lựa chọn cá nhân.

“Khi nhắc đến nền tảng học vấn của một người, nỗ lực cá nhân không phải yếu tố duy nhất. Bên cạnh đó, hoàn cảnh gia đình, môi trường sống, khả năng tài chính… cũng có tác động không nhỏ.

Điều gây ra tranh cãi là Bộ Giáo dục coi học vấn có được nhờ cố gắng mà quên mất những yếu tố cấu thành khác”, ông Jang nói và cho hay phản đối cách làm của Bộ Giáo dục.

Trong quá trình thúc đẩy tiến trình ban hành luật chống phân biệt đối xử, các thành viên của Đảng Công lý bày tỏ ủng hộ ý kiến của nghị sĩ Jang. Nhiều người cho rằng, khoảng cách về cơ hội học tập xuất hiện từ rất sớm.

Trẻ em sinh ra trong các gia đình giàu có được tham gia khóa học, chương trình học hay môi trường học chất lượng hơn so với bạn bè đồng trang lứa đến từ các gia đình khó khăn.

Ông Kang Min-ji, người đứng đầu Chương trình Thanh niên, Đảng Công lý, cho biết: “Một số trẻ học tại các trường mẫu giáo quốc tế, làm quen với mô hình giáo dục tư nhân và được đi du học. Từ đó, các em có thể lĩnh hội kiến thức đa lĩnh vực, mở mang đầu óc, làm giàu quan điểm sống. Giáo dục vẫn tạo nhiều cơ hội thay đổi cho những người giàu có”.

Hệ thống giáo dục bình đẳng, công bằng là vấn đề được đem ra thảo luận trên bàn chính trị Hàn Quốc trong nhiều năm gần đây. Người trẻ xứ sở kim chi từng lên tiếng chỉ trích các chính trị gia dính vào bê bối lợi dụng sức ảnh hưởng giúp con cái được nhận vào các cơ sở giáo dục hàng đầu.

Ông Kang chia sẻ: “Nhiều bạn trẻ có thể tập trung học hành mà không cần đi làm thêm nhưng số khác không được như thế. Mọi người cho rằng, nền tảng học tập dựa trên kết quả nỗ lực nhưng thực tế chúng ta đang sống thì không như vậy”.

Trên mạng xã hội Hàn Quốc, vấn đề này cũng trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết. Một số người sử dụng mạng e ngại nếu cấm phân biệt đối xử dựa trên học vấn, những học sinh, sinh viên chăm chỉ có thể phải chịu hình thức tẩy chay khác.

Số khác nhất trí nếu thanh thiếu niên tiếp tục được đầu tư học tập theo khả năng khác nhau, tình trạng phân biệt đối xử sẽ tiếp diễn.

Hàn Quốc không phải quốc gia đầu tiên tranh luận về bất bình đẳng trong trình độ học vấn. Mới đây, thanh thiếu niên Trung Quốc cũng phản ánh về khoảng cách giàu – nghèo giữa các trường THPT dành cho gia đình khá giả và gia đình thu nhập thấp.

Theo Korea Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ