Giáo dục Hàn Quốc xóa dần hình ảnh ác mộng

GD&TĐ - Giáo dục Hàn Quốc một thập kỉ trước bỏng rẫy áp lực, những trường dạy thêm mở cửa tới đêm, phổ biến giáo viên dùng đòn roi phạt học sinh… Hiện nay chính phủ đã có những nỗ lực xóa đi hình ảnh ác mộng đó.

Giáo dục Hàn Quốc xóa dần hình ảnh ác mộng

Ký ức buồn

Susan, cựu nữ sinh nhớ lại những ngày tháng ác mộng:

Tôi còn nhớ như in cảm giác run rẩy và sợ hãi khi thò tay vào hộp bút lần tìm mảnh “phao” trong bài kiểm tra chính tả tiếng Trung Quốc hàng tuần. Biết gian lận là sai nhưng nỗi sợ mỗi từ viết sai ăn một vụt vào lòng bàn tay – còn lớn hơn. Khi đó tôi 13 tuổi và học ở một trường THCS tại quận nhà giàu Gangnam ở Seoul.

Tôi theo gia đình sang sống tại Sydney 8 năm và khi trở về Hàn Quốc, học tiếng mẹ đẻ với tôi đã là sự vật lộn. Học tiếng Trung với tôi là nhiệm vụ bất khả thi. Mặc dù tiếng Hàn rất hạn chế nhưng tôi buộc phải vào học một trường THCS địa phương (trường quốc tế chỉ dành cho người quốc tịch nước ngoài).

Mỗi ngày trôi qua với tôi giống như cuộc sống của một robot. Tôi dạy từ 6 giờ 30 sáng để chuẩn bị đến trường lúc 8 giờ. Đọc thầm hoặc tự học khoảng 1 tiếng, và giờ học bắt đầu vào 9 giờ sáng. Khi đồng hồ điểm 4 giờ chiều, tôi chỉ đủ thời gian tạt qua nhà ăn tối và sau đó đến trung tâm dạy thêm tư nhân. Ở đó tôi học tiếng Hàn, Khoa học, Toán và Nghệ thuật 3 tới 4 ngày/tuần – cũng may là tôi không phải học thêm tiếng Anh như các bạn khác. Khi giờ học kết thúc vào 9 giờ hoặc 10 giờ tối, học sinh có thể chọn ở lại học thêm tới 11 giờ hoặc về nhà. Tôi đi ngủ lúc nửa đêm và 6 giờ 30 ngày hôm sau lại bắt đầu một hành trình tương tự.

Chúng tôi phải làm bài tập về nhà hàng ngày và nếu không hoàn thành sẽ bị phạt theo các cách khác nhau tuỳ thuộc vào giáo viên. Ví dụ giáo viên Toán phạt bằng hình thức bắt quét dọn hành lang và lớp học vào lúc 7 giờ sáng. Giáo viên Khoa học bắt các bạn nam nằm sấp, đặt chân lên bệ cao và chống đẩy tay; với nữ thì tay cầm tay và đứng lên ngồi xuống 40 lần. Cách phạt phổ biến nhất là dùng thước vụt vào mông…

Giảm áp lực

Tự sát là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong thanh thiếu niên và giới trẻ Hàn Quốc. Mà nguyên nhân tự sát được cho phần nhiều do áp lực giáo dục và thi cử.

Viện Sức khỏe và Các vấn đề xã hội Hàn Quốc cũng chỉ ra gánh nặng tài chính cho giáo dục của con cái tại Hàn Quốc đã trở thành một trong những nhân tố gây giảm nhanh tỉ lệ sinh của quốc gia này – khi nhiều người lựa chọn chỉ sinh một con hoặc thậm chí không sinh con. Tỉ lệ sinh con bình quân của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở Hàn Quốc thuộc loại thấp nhất trong các quốc gia thuộc tổ chức OECD, khoảng 1,2 trong những năm gần đây.

Trở lại với hành trình học tập của Susan, cô quay lại Sydney học nốt THCS chỉ sau 2 năm học tại Hàn Quốc. Đó có thể là quãng thời gian ngắn nhưng những đêm không ngủ ở “tuổi ăn tuổi ngủ” là sự ám ảnh kinh khủng.

Hiện tại học sinh Hàn Quốc vẫn phải học tới tối muộn nhưng chính phủ đã nỗ lực kìm cương ngành kinh doanh giáo dục có doanh số tới 20 tỉ USD.

Chính quyền Seoul và nhiều thành phố khác đặt ra “giờ giới nghiêm” 10 giờ tối và phạt những trung tâm dạy thêm nào mở quá thời gian này. Đòn roi cũng bị cấm tại tất cả các trường học trên cả nước và quan điểm “thương cho roi cho vọt” của phụ huynh cũng thay đổi dần.

“Tôi nhớ rõ bố mẹ đã trăn trở thế nào về việc có cho con học thêm ở trung tâm hay không. Nhưng mẹ tôi, cựu giáo viên THPT, biết rằng nếu muốn theo kịp các bạn thì con mình phải học thêm” – nữ sinh tên Susan kể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.