Hàn Quốc kẹt trong “bẫy” GD đại học?

GD&TĐ - Hàn Quốc đạt được thành tựu lớn về kinh tế - xã hội từ những năm 1960 đến nay nhờ vào chính sách đầu tư phát triển giáo dục đào tạo. Nhà nhà học đại học, người người học đại học dẫn tới Hàn Quốc có đội ngũ nhân lực học thức cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cuộc đua giáo dục đang để lại những “hiệu ứng phụ” trong xã hội…

Hàn Quốc kẹt trong “bẫy” GD đại học?

Đổ tiền cho học thêm

Giáo dục tại Hàn Quốc trong nhiều thập kỉ qua được coi trọng đặc biệt và “cuộc đua giáo dục” giữa phụ huynh được coi là không có hồi kết. Hơn một nửa gia đình thuộc nhóm thu nhập trung bình dồn tiền của cho việc học thêm của con cái từ bé xíu đến khi thi đại học, thậm chí nhiều nhà còn mắc nợ.

Mặc dù Hàn Quốc hiện đang đối mặt với khó khăn tài chính ở cả cấp độ quốc gia lẫn hộ gia đình, nước này vẫn tạo ra một trong những lực lượng lao động “có học” nhất trên thế giới nhờ đầu tư “khủng” cho giáo dục.

Năm 2015, tỉ lệ những người trong độ tuổi 25 đến 34 có bằng đại học, cao đẳng cao nhất trong 36 quốc gia thuộc OECD.

Xã hội Hàn Quốc có thể coi là ví dụ điển hình “sức mạnh bằng cấp”. Cử nhân có tấm bằng 3 trường hàng đầu là Đại học Quốc gia Seoul, ĐH Korea và ĐH Yonsei đủ bảo đảm cho một công việc trong chính phủ hoặc tuyển dụng vào 1 trong 63 tập đoàn “cá mập” - gọi là chaebol.

Tuy nhiên để có một suất trong những trường danh tiếng này phải vượt qua kì thi tuyển sinh đại học nổi tiếng khốc liệt, được gọi là kì thi Suneung. Hệ quả là người Hàn Quốc phải chi ra một phần lớn thu nhập cho con đến các trung tâm dạy thêm tư nhân – được gọi là hagwon: 83,6% trẻ 5 tuổi và 35,5% trẻ 2 tuổi đã “nếm mùi” hagwon (số liệu năm 2016). Tổng chi cho giáo dục tư nhân năm 2015 là khoảng 15 tỉ USD.

Hệ lụy lớn

Việc chi tiêu tốn kém này đang trở thành khoản đầu tư kém hiệu quả bởi các chaebol tuyển ít nhân viên đi, mức lương đã giảm xuống và tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao chưa từng thấy.

Quá trình phát triển kinh tế thần tốc cũng gây ra những hệ lụy xã hội nghiêm trọng, ví dụ như tỉ lệ tự sát cao nhất trong khối OECD, tỉ lệ li hôn tăng vọt…

Tự sát là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong thanh thiếu niên và giới trẻ Hàn Quốc. Mà nguyên nhân tự sát được cho phần nhiều do áp lực giáo dục và thi cử.

Viện Sức khỏe và Các vấn đề xã hội Hàn Quốc cũng chỉ ra gánh nặng tài chính cho giáo dục của con cái tại Hàn Quốc đã trở thành một trong những nhân tố gây giảm nhanh tỉ lệ sinh của quốc gia này – khi nhiều người lựa chọn chỉ sinh một con hoặc thậm chí không sinh con. Tỉ lệ sinh con bình quân của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở Hàn Quốc thuộc loại thấp nhất trong các quốc gia thuộc tổ chức OECD, khoảng 1,2 trong những năm gần đây.

Hiện tại, học sinh Hàn Quốc vẫn phải học tới tối muộn nhưng chính phủ đã nỗ lực kìm cương ngành kinh doanh giáo dục có doanh số tới 20 tỉ USD.

Chính quyền Seoul và nhiều thành phố khác đặt ra “giờ giới nghiêm” 10 giờ tối và phạt những trung tâm dạy thêm nào mở quá thời gian này. Đòn roi cũng bị cấm tại tất cả các trường học trên cả nước và quan điểm “thương cho roi cho vọt” của phụ huynh cũng thay đổi dần.

Những thay đổi cấu trúc trong nền kinh tế có tác động nghiêm trọng bởi khi nợ nần tăng cao, lương thấp, ít công việc lương cao và thâm hụt tài chính – các gia đình thu nhập trung bình hạn chế quy mô gia đình ở mức chỉ có 1 con, nhằm cân đối chi tiêu. Tuy nhiên điều này dẫn tới tỉ lệ sinh thấp và đe dọa tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ