Hàn Mặc Tử - một đời nặng chữ yêu: Cõi mơ lồng lộng

Hàn Mặc Tử - một đời nặng chữ yêu: Cõi mơ lồng lộng

(GD&TĐ) - Hàn Mạc Tử đã viết “Đây thôn Vỹ Dạ” như một tình cảm u hoài, trao gửi cho những trái tim rung động vì yêu.

->> Hàn Mạc Tử - một đời nặng chữ yêu

Nằm ngoài sự thực

c
Hàn Mạc Tử - nhà thơ trẻ nổi tiếng rất sớm

Mối tình Hàn Mạc Tử chỉ có Hoàng Tùng Ngâm biết, ông Ngâm là bạn thân của Hàn Mạc Tử. Từ trước đến nay, trong các biên khảo về Hàn Mạc Tử, đều gặp nhau ở một điểm: Mối tình với Hoàng Cúc là tình đầu của Hàn. Năm 1939, lúc cô Kim Cúc làm giám thị ở Trường Trung học Đồng Khánh - Huế, Hoàng Tùng Ngâm mới cho cô biết Hàn Mạc Tử mắc bệnh phong.

Theo lời khuyên của Hoàng Tùng Ngâm, Kim Cúc gửi tặng nhà thơ một tấm ảnh nhỏ, không có hình thiếu nữ Huế nào hết, không có lời mời “ra chơi Vỹ Dạ”, tấm ảnh của Kim Cúc gửi vào Qui Nhơn cho Hàn Mạc Tử chỉ là một tấm hình phong cảnh, có một chiếc đò, với một bờ tre và một bóng người in xuống nước. Phía sau tấm ảnh là một câu thăm hỏi, chúc mau bình phục, không đề ngày và không ký tên. Tấm ảnh ấy, Kim Cúc gửi qua Hoàng Tùng Ngâm, trao lại cho nhà thơ (1939). Sau đó ít lâu, cô nhận được bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ” do Hoàng Tùng Ngâm chuyển lại:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

Trong thư đề ngày 15/4/1971 cô Kim Cúc kể với Quách Tấn: “Hồi ấy tuy nhà Tử ở gần nhà tôi, song Tử và tôi cách xa nhau như hai ngọn núi, Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng...”.

Trong thư ngày 16/10/1987 gửi cho Nguyễn Bá Tín - em ruột Hàn, cô viết: “Tử có tới gặp tôi 2 lần. Lần đầu chỉ nói bâng quơ vài câu rồi chào về. Lần thứ hai, Tử rụt rè, lắp bắp mấy lời tỏ tình, rồi đưa tặng tôi tập thơ Bâng khuâng với mảnh giấy nhỏ có mấy hàng chữ. Tôi bàng hoàng rồi cũng rụt rè từ chối, không nhận sách, không nhận thư... Qua trích đoạn thư của cô Kim Cúc, đủ để kết luận, mối tình đầu Hàn Mạc Tử dành cho Hoàng Cúc chỉ là: “Anh nằm ngoài sự thực/Em ngồi trong chiêm bao” - thơ Hàn Mạc Tử. 

Cõi mơ của thi nhân

c
Chân dung cô Hoàng Cúc

Sức tưởng tượng của thi nhân thật phi thường! Bức ảnh phong cảnh Huế trở thành có địa chỉ Vỹ Dạ, trong đó có cô gái “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”, và áo trắng tha thướt “Áo em trắng quá nhìn không ra…”. Nguyên tác bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ” do Hàn viết tay trên giấy mỏng, một mặt chép bài thơ, mặt kia ghi mấy dòng, ký Hàn Mạc Tử rồi đề 11-1939 (không phải 8-1939). Một bài thơ khác Hàn dành tặng Hoàng Cúc là “Sao, vàng sao” sau này đổi thành “Đừng cho lòng bay xa”:

Thượng thanh khí tiết ra nguồn sinh khí 

Xa xôi trăng mọc nước Huyền Vi, 

Đây Miên Trường, đây Vĩnh Cửu, tề phi! 

Cao cao vượt với hai hàng bóng vía. 

Trời nhật nguyệt cầu vồng bắt tứ phía, 

Ôi Hoàng Hoa, hồn phách đến nơi đây. 

Hương ân tình cho kết lại thành dây, 

Mong manh như lời nhớ thương hàng triệu..

Phân tích nội dung và nghệ thuật bài “Đây thôn Vỹ Dạ” đã có vài trường hợp phỏng đoán, thiếu thực tế. Nhà cũ của cô Hoàng Cúc không có hàng cau nào, thế mà có người bình cho rằng Hàn nhìn thấy “hàng cau nắng mới lên” ở đây! Và thú thật, bản thân tôi sinh trưởng và đang sống ở Huế đến nay, không hề thấy một cổng nhà nào đắp nổi chữ điền.

Chỉ cô Hoàng Cúc là người có khuôn mặt chữ điền, và thật lạ thường, rất nhiều cô gái đẹp thôn Vỹ cũng có khuôn mặt chữ điền. Thật tai hại, có người nhầm cô gái trong “Đây thôn Vỹ Dạ” là kỹ nữ! Người viết bài này khẳng định, trước năm 1975 trên dòng sông Hương, đoạn chảy qua công viên Thương Bạc và đoạn Hàng Bè (Huỳnh Thúc Kháng) đã có những con đò kinh doanh trò “ngủ đò mại dâm”, ban đêm họ đứng đường mời chào khách công khai, nhưng đoạn sông Hương chảy qua thôn Vỹ Dạ thì hoàn toàn không có.

Lúc yêu Hoàng Cúc, Hàn Mạc Tử là một nhà thơ trẻ đi theo chủ nghĩa siêu thực lãng mạn. Không phải ai khác, Hoàng Cúc là một người đàn bà thử thách Hàn tìm đến với những khái niệm nghệ thuật độc đáo của chính ông: 

Trời hỡi! nhờ ai cho khỏi đói!

Gió trăng có sẵn làm sao ăn?

Làm sao giết được người trong mộng

Để trả thù duyên kiếp phụ phàng?

(Lang thang)

Hoàng Cúc chỉ là một trong những “người trong mộng” của Hàn Mạc Tử, trong giai đoạn ốm đau vì bệnh phong. Sự hỗn loạn nội tâm nhà thơ được thể hiện trong tác phẩm mang tính biểu tượng: "Lang thang", tác phẩm tiêu biểu cho nỗi đau đớn của người tình si trong cuộc tình đơn phương “mờ mờ nhân ảnh” và kết thúc trong bi kịch: Tình tuyệt vọng! 

Họ đã xa rồi khôn níu lại,

Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa.

Người đi, một nửa hồn tôi mất,

Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ

(Những giọt lệ)

Đau khổ đến “rơi lệ”, nhưng Hàn Mạc Tử là một mẫu người si tình, đến chết vẫn luôn khát khao thứ cảm xúc thăng hoa:

Anh nằm ngoài sự thực

Em ngồi trong chiêm bao

Cách xa nhau biết mấy

Nhớ thương quá thì sao? 

 (Anh điên)

Dấu ấn nghệ thuật trong hàng loạt bài thơ tình của Hàn là hình tượng người phụ nữ, một mô-típ để ông thỏa sức thể nghiệm sáng tạo cho đời nhiều tuyệt tác. Đồng thời, Hàn cũng mang lại hạnh phúc tuyệt vời trong sáng cho những người phụ nữ ông yêu. Trong cõi mơ “nằm ngoài sự thực” của riêng ông, không nhất thiết phải là một tình yêu lâu dài, mà là yêu như thế nào... 

VŨ HÀO 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.