Để hạn chế mức thấp nhất tình trạng này thì việc thành lập các câu lạc bộ tư vấn học đường sẽ giúp ích cho HS kỹ năng phòng tránh và tự bảo vệ mình.
Không thể xem nhẹ bạo lực
Theo thống kê về bạo lực giới trong trường học của Viện Nghiên cứu y - xã hội học phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam với 3.000 HS của 30 trường THCS, THPT ở Hà Nội, khoảng 80% HS được hỏi cho biết từ trước đến nay đã từng bị bạo lực giới (kỳ thị giới tính) trong trường học ít nhất một lần, 71% bị bạo lực trong vòng 6 tháng gần nhất.
Trong đó, bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục...) chiếm tỷ lệ cao nhất 73%, bạo lực thể chất (tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập...) 41% và bạo lực tình dục (tin nhắn với nội dung tình dục, sờ, hôn, hiếp dâm, lan truyền tin đồn tình dục...) là 19%.
Ngay trong tháng 4 vừa qua, trên mạng xã hội đã lại xuất hiện clip về bạo lực. Một thiếu nữ (khoảng 14, 15 tuổi) cầm cây gậy dài ép một nữ sinh phải quỳ xuống xin lỗi mình ngay giữa đường đồng thời yêu cầu nữ sinh này phải bốc cát ăn. Nhiều dân cư mạng đã rất bất bình về hành động bạo lực này. Mặc dù sự việc xảy ra ngay trên đường đi, xung quanh có nhiều HS đứng xem nhưng các HS không hề can ngăn mà còn tỏ thái độ thích thú.
Thực tế cho thấy, phần đông những HS rơi vào tình huống bị bạo lực thường hoảng loạn và rất khó khăn thoát ra khỏi trạng thái lo sợ, bấn loạn về tâm lý.
Phát huy vai trò của các Câu lạc bộ tư vấn
Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Kim Phượng, người có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) bày tỏ: Cần phải xây dựng văn minh học đường để hạn chế tối thiểu các hành vi bạo lực. Văn minh học đường không chỉ là cách ứng xử giữa giáo viên - HS, mà còn là cách ứng xử giữa HS với nhau.
Vì vậy các em cần được giáo dục và định hướng. Nhà trường cần có chương trình giáo dục kỹ năng sống cho các em để giúp các em có cách cư xử hợp lý. Song song với đó, thầy cô và gia đình phải luôn gần gũi kịp thời nắm bắt tư tưởng và định hướng cho các em, để các em có cách xử lý, hành động đúng.
Để giúp các em nhận diện các hành vi bạo lực và có kỹ năng phòng tránh các tình huống bạo lực, thì việc thành lập các câu lạc bộ học đường trong các nhà trường hết sức cần thiết. Trước thực trạng bạo lực học đường gia tăng, từ năm 2014, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp Tổ chức Plan International Việt Nam triển khai dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”.
Sau gần hai năm triển khai, dự án có 10 trường THCS và 10 THPT tham gia. Tính đến nay, có 34 giảng viên cốt cán và 702 giáo viên chủ nhiệm được tập huấn nâng cao về kiến thức và kỹ năng về giảng dạy bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới trong trường học.
Cùng với đó, có 16.138 HS nữ và 14.716 HS nam tại 702 lớp học ở 20 trường THCS và THPT được tham gia vào 8 - 12 tiết học về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới trong trường học. Đáng chú ý, có 25.426 cha mẹ HS được nâng cao nhận thức về bạo lực trên cơ sở giới trong trường học và kỹ năng hỗ trợ con phòng tránh bạo lực.
Chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng phòng chống bạo lực tại Trường THCS Khương Thượng (Thanh Xuân – Hà Nội) trong dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”, bà Ngô Mỹ Lệ, Hiệu trưởng Nhà trường - cho biết: Từ khi tham gia dự án đến nay, Trường THCS Khương Thượng đã triển khai nhiều hoạt động về chủ đề giới và ngăn chặn bạo lực học đường.
Câu lạc bộ lãnh đạo trẻ đã được thành lập, gồm 20 thành viên, được coi là những đại sứ mang tiếng nói, nguyện vọng của các bạn nhỏ đến với thầy cô, người lớn. Tập san truyền thống với những hình ảnh, bài viết do chính các em HS sưu tầm, biên soạn đã được xuất bản thường kỳ, thông điệp được truyền đi là: “Hãy biết yêu thương, hãy giải quyết mâu thuẫn bằng lời nói chứ đừng bạo lực. Bạn và chúng tôi, hãy cùng hành động vì một tương lai không bạo lực học đường”.