Giáo dục bình đẳng với người khuyết tật

GD&TĐ - Quy hoạch mục tiêu đến năm 2030 khoảng 3.300 giáo viên và 7.400 viên chức làm việc trong các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật...

Thầy Vũ Văn Chức hướng dẫn trẻ tự kỷ di chuyển bằng bóng. Ảnh: TG
Thầy Vũ Văn Chức hướng dẫn trẻ tự kỷ di chuyển bằng bóng. Ảnh: TG

Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch). Đây là chủ trương lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng đối với người khuyết tật.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Không may có 2 cháu bị tự kỷ, gia đình bà Nguyễn Thị Đặng, 74 tuổi ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) phải gửi trẻ đến Trung tâm Hoa Xuyến Chi (Bắc Giang). Biết đến Quy hoạch, bà Đặng mong muốn các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất để những trẻ không may mắn có điều kiện được hòa nhập với cộng đồng.

Tại Trung tâm Hoa Xuyến Chi, thầy Vũ Văn Chức (phụ trách trung tâm) cho biết, mỗi trẻ một hoàn cảnh và có những biểu hiện tự kỷ khác nhau nên gần như trẻ sẽ có giáo án riêng. Hiện, nhu cầu gửi trẻ khuyết tật dạng tự kỷ của các gia đình ngày một tăng. Song, thầy không thể nhận tất cả trẻ vì điều kiện cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng. Mong muốn của thầy là được quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất khang trang, tạo điều kiện cho các em phát triển.

“Hy vọng, 7 nhóm giải pháp mà Quy hoạch đề ra sẽ phát huy hiệu quả trong thực tiễn, trong đó, tôi đặc biệt quan tâm đến nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách”, thầy Chức bày tỏ.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, những năm qua, giáo dục hòa nhập tại Việt Nam đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi trẻ em, đặc biệt trẻ khuyết tật vẫn là nhiệm vụ đầy thách thức. Giáo dục hòa nhập là hành trình chúng ta cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng.

Bên cạnh nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền cho rằng, cần tập trung vào xây dựng tài liệu, chương trình tập huấn giáo viên. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập mà còn hướng tới mục tiêu bền vững “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong hành trình học tập.

giao-duc-binh-dang-voi-nguoi-khuyet-tat-1.jpg
Một lớp học của Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Facebook nhà trường

Cơ sở để xây dựng chính sách

Cùng các giải pháp tổng thể thì đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật là cần thiết. Ông Nguyễn Nhật Linh - chuyên gia giáo dục của UNICEF Việt Nam cho hay, nhiều năm qua, UNICEF Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để thúc đẩy giáo dục hòa nhập, nhằm đảm bảo quyền được giáo dục cho tất cả trẻ em; trong đó phải kể đến việc ban hành Thông tư số 20/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

Thông tư đã thúc đẩy vai trò của các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, cũng như sáng kiến đổi mới sáng tạo như ứng dụng âm nhạc và công nghệ thực tế ảo tăng cường trong trị liệu cho trẻ khuyết tật. “Giáo dục là quyền cơ bản và nền tảng của sự phát triển cá nhân và xã hội. Tuy vậy, còn nhiều trẻ em khuyết tật chưa có cơ hội được hưởng giáo dục chất lượng do những rào cản liên quan tới nguồn lực và thể chế”, ông Nguyễn Nhật Linh nhìn nhận.

Chuyên gia giáo dục của UNICEF Việt Nam nêu quan điểm, giáo dục hòa nhập cần nhìn nhận như điều thiết yếu đối với mọi nền giáo dục chứ không đơn thuần là một lựa chọn trong chính sách. Giáo dục hòa nhập công nhận và coi trọng sự đa dạng, thúc đẩy môi trường học tập mà ở đó mọi trẻ em được học tập và phát triển cùng bạn đồng trang lứa.

Đồng quan điểm, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trong hệ thống giáo dục quốc dân, bảo đảm về cơ cấu, số lượng và chất lượng, theo hướng mở, linh hoạt.

Qua đó, đáp ứng nhu cầu được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng của người khuyết tật ở tất cả địa phương trong phạm vi cả nước, đặc biệt quan tâm đến vùng khó khăn. Ngoài ra, cần phát triển một số cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật làm nòng cốt cho các vùng để bảo đảm nhu cầu giáo dục đối với người khuyết tật mà trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập chưa đủ điều kiện đáp ứng.

Việt Nam đã ký Công ước Quyền của người khuyết tật ngày 22/10/2007. Ông Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, đây là cơ sở để Việt Nam tiến hành xây dựng hành lang pháp lý, bảo đảm người khuyết tật được tham gia các hoạt động giáo dục. Việt Nam cũng không ngừng đổi mới, nỗ lực nhằm thúc đẩy giáo dục dành cho trẻ em khuyết tật.

Trao đổi về Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Tạ Ngọc Trí chia sẻ, nhóm biên soạn đã tính đến nguồn nhân lực để đảm bảo Quy hoạch được thực hiện thành công.

Đội ngũ nhân lực dành cho hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được cấu thành bởi 2 lực lượng: Giáo viên tốt nghiệp khoa giáo dục đặc biệt; giáo viên dạy văn hóa được bồi dưỡng thêm và có chứng chỉ về giáo dục hòa nhập.

Quy hoạch là tín hiệu tốt để các nhà trường mở rộng phạm vi. Đây cũng là cơ sở để Bộ GD&ĐT xây dựng chính sách phát triển ngành này. Từ đó, tiếp tục cung cấp cho xã hội đội ngũ giáo viên giáo dục đặc biệt, bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện thành công Quy hoạch này trong thời gian tới.

Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật: Đủ về số lượng, đạt trình độ chuẩn được đào tạo và đáp ứng quy định về giáo dục đối với người khuyết tật, 100% cán bộ quản lý, giáo viên và viên chức trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đạt chuẩn trình độ đào tạo về chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm.

Quy hoạch mục tiêu đến năm 2030: Khoảng 3.300 giáo viên và 7.400 viên chức làm việc trong các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật, trong đó được bổ sung mới 900 giáo viên và 5.500 viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. Đến năm 2050: Khoảng 4.900 giáo viên và 10.900 viên chức làm việc trong các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật, trong đó được bổ sung mới 1.600 giáo viên và 4.400 viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ