Sự gia tăng hàm lượng các chất dinh dưỡng cùng với các điều kiện tự nhiên thuận lợi đã làm bùng nổ phát triển tảo, trong đó có tảo gây hại tại một số thủy vực ở Việt Nam.
Ngăn chặn sự phát triển của tảo độc
Chất lượng môi trường nước đã và đang chịu nhiều tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Gia tăng hàm lượng các chất dinh dưỡng cùng với các điều kiện tự nhiên thuận lợi đã làm bùng nổ phát triển tảo, trong đó có tảo gây hại tại một số thủy vực ở Việt Nam.
Sự phát triển của vi khuẩn lam độc, điển hình là loài Microcystis aeruginosa, đã và đang gây suy giảm chất lượng nước, ảnh hưởng tiêu cực đến động vật và hệ sinh thái nước và sức khỏe con người.
Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu do PGS.TS Lê Thị Phương Quỳnh làm chủ nhiệm đã triển khai đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm có tác dụng ức chế tảo độc Microcystis aeruginosa từ hoa cúc Chrysanthemum indicum”. Đề tài do Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp thực hiện.
Nhóm đã nghiên cứu tạo được chế phẩm với tên gọi là HCV từ hoa cúc C. indicum có hiệu quả ức chế sinh trưởng tảo độc M. aeruginosa. Nhóm hoạt chất furan và flavonoid trong mẫu hoa cúc vàng Chrysanthemum indicum được xác định là thành phần có tác dụng ức chế sinh trưởng của vi khuẩn lam độc Microcystis aeruginosa.
Ở Việt Nam, cúc hoa vàng được trồng từ lâu đời. Cây có nhiều ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh khác ở phía Bắc. Cây ưa sáng và ưa ẩm, thường được trồng ở vườn, công viên hoặc trên cánh đồng với mục đích sản xuất dược liệu.
Cây ra hoa nhiều hàng năm, hiếm có hạt. Mùa Đông có hiện tượng rụng lá hoặc hơi tàn lụi. Chính lúc này người ta thường cắt bỏ phần thân cành, giữ lại gốc để tái sinh hoặc làm giống trồng vào mùa Xuân năm sau.
Cúc hoa vàng có tác dụng tốt trên động vật thí nghiệm tăng huyết áp cũng như có tác dụng tốt trên bệnh nhân tăng huyết áp. Hoạt tính của cúc hoa vàng làm hạ huyết áp có thể là hiệu quả của tác dụng ức chế phản xạ vận mạch có nguồn gốc trung tâm và tác dụng ức chế adrenalin. Lưu lượng tim và sự dẫn truyền thần kinh ở hạch không bị ảnh hưởng.
Cúc hoa vàng có tác dụng chống viêm thực nghiệm trên chuột cống trắng. Cao lỏng của hoa cúc vàng gây hạ huyết áp thỏ, nhưng tác dụng không bền vững. Đồng thời, cao này có tác dụng làm tăng độ bền mao mạch ruột thỏ cô lập, và kháng khuẩn đối với Bacillus mycoides và Escherichia coli.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình công nghệ chiết xuất quy mô 2kg nguyên liệu khô/mẻ từ hoa cúc vàng để tạo chế phẩm HCV chứa nhóm chất phenolic ≥ 60% có tác dụng diệt tảo độc với tính đặc hiệu cao.
Hoạt chất hoa cúc ức chế hiệu quả tảo độc
Theo nhóm nghiên cứu, tảo lam (Cyanophyta) là một loại tảo độc thường có màu xanh ngọc hoặc màu xanh lam đậm, có mùi hôi. Tảo lam có thể tự sản xuất thức ăn để nuôi chính mình. Chúng có khả năng tiết ra chất độc và gây ra hiện tượng nở hoa trong nước. Tảo lam phát triển mạnh vào những tháng hè.
Tảo lam xuất hiện thường là do trong quá trình nuôi tôm lâu ngày, lượng thức ăn tích tụ nhiều sản sinh ra khí nitơ và photpho tạo điều kiện cho tảo lam phát triển. Đặc biệt là vào mùa nắng khi nhiệt độ lớn hơn 25 độ C là nhiệt độ thích hợp để tảo lam phát triển cực đại.
Tảo nở hoa sinh ra độc tố Cyanobacterial sử dụng hết lượng oxy có trong môi trường nước; ngăn chặn ánh sáng khiến tôm không có oxy để hô hấp. Tảo lam là nguyên nhân gây ra bệnh phân trắng, bệnh gan tụy ở tôm, làm cho tôm nuôi có mùi lạ. Một số loại tảo lam thường gây nhờn nước và kéo ván, gây ô nhiễm nguồn nước.
PGS.TS Lê Thị Phương Quỳnh cho biết, chế phẩm HCV từ hoa cúc vàng Chrysanthemum indicum đã chứng minh được hiệu quả ức chế tảo độc, đóng góp vào việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước. Kết quả của nhiệm vụ cung cấp cơ sở khoa học góp phần định hướng nghiên cứu các hợp chất thiên nhiên có tác dụng diệt tảo độc trong các thủy vực bằng phương pháp xử lý thân thiện môi trường.
Nhóm nghiên cứu cũng đã sở hữu bằng độc quyền sáng chế: Hợp chất khung Furan và phương pháp phân lập hợp chất này từ hoa cây cúc vàng Chrysanthemum indicum.
Tảo là thành phần quan trọng có tác dụng đầu tiên là tạo màu nước cho ao nuôi, cân bằng hệ sinh thái nước ao. Người nuôi tôm cần nắm vững đặc điểm và điều kiện phát triển của mỗi loài tảo để có hướng điều chỉnh lượng tảo thích hợp, kích thích tảo có lợi, hạn chế tảo gây hại phát triển.