Cha mẹ cũng cần… xin lỗi trẻ

GD&TĐ - Cha mẹ thường gặp khó khăn khi thừa nhận lỗi lầm của mình với con. Hầu hết phụ huynh sợ rằng, việc xin lỗi con có thể khiến họ trở nên yếu đuối.

Xin lỗi con không chỉ là cách hiệu quả để thể hiện trách nhiệm và sự phát triển cảm xúc, mà còn mang lại vô số lợi ích cho cả cha mẹ và trẻ. Ảnh: INT.
Xin lỗi con không chỉ là cách hiệu quả để thể hiện trách nhiệm và sự phát triển cảm xúc, mà còn mang lại vô số lợi ích cho cả cha mẹ và trẻ. Ảnh: INT.

“Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, nếu thừa nhận bất kỳ lỗi lầm nào, thì họ sẽ mất kiểm soát và đứa trẻ sẽ nhảy vào, giẫm đạp lên họ”, Tovah P. Klein - Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Phát triển trẻ em của Cao đẳng Barnard (Mỹ), tác giả của cuốn “How Toddlers Thrive” cho biết.

Theo chuyên gia này, đó là một quan niệm sai lầm phổ biến. Bởi, thực tế không phải vậy. Theo các chuyên gia cho rằng, để trẻ có trách nhiệm với lỗi lầm của mình, phụ huynh cũng cần làm gương. Các nhà tâm lý học đã liệt kê những lý do chính mà cha mẹ cần nói lời xin lỗi trẻ trong trường hợp phụ huynh sai:

Nhận ra cảm giác bị tổn thương của trẻ

“Trẻ em sẽ rất sợ khi cha mẹ tức giận với chúng. Nếu phụ huynh cho trẻ thấy, cha mẹ thực sự nhận ra rằng mình đã làm tổn thương con, điều đó chứng tỏ rằng, cả hai sẽ hiểu nhau và mối quan hệ có thể được hàn gắn”, Tiến sĩ Klein cho biết.

Để xin lỗi, cha mẹ có thể nói: “Cha/mẹ xin lỗi vì đã phản ứng thái quá và quát mắng con về những vết bẩn ở bức tranh. Cha/mẹ biết điều đó khiến con cảm thấy tệ. Lần sau, cha/mẹ sẽ cố gắng chỉ cho con biết ý cha/mẹ là gì trước, để con không phải lo lắng”.

Tiến sĩ Klein nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xin lỗi vì phản ứng thái quá của cha mẹ, chứ không phải do mong đợi con mình sẽ có cách làm đúng. Việc thiết lập thói quen và yêu cầu sự giúp đỡ phù hợp với lứa tuổi, chẳng hạn như che phủ ghế trước khi sử dụng đồ tô màu, là về việc dạy các giới hạn và trách nhiệm, không phải về việc tránh mắc lỗi.

Chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm sai

Trong cuốn sách “The Forgiveness Tour: How to Find the Perfect Apology”, Giáo sư Susan Shapiro - tác giả bán chạy nhất của tờ New York Times, đã phỏng vấn nhiều người trưởng thành cảm thấy bị cha mẹ đối xử bất công khi còn nhỏ.

Nhìn chung, những người này đều có cùng một mong muốn: Cảm thấy được lắng nghe, thấu hiểu và yêu thương. Bà Shapiro nói rằng, “việc thừa nhận lỗi lầm, sự xúc phạm hoặc sự vô cảm là bước đầu tiên để xin lỗi đúng cách”.

Giải thích lý do tại sao điều đó xảy ra

“Mọi người không phải lúc nào cũng tự nhận thức được. Họ bị mắc kẹt trong các vai trò và việc thay đổi động lực là rất khó”, chuyên gia Shapiro nhận định.

Việc cha mẹ nói với trẻ về lý do của hành vi không phù hợp có thể giúp phụ huynh trở nên dễ được thấu hiểu hơn. Giáo sư Shapiro gợi ý về một lời xin lỗi mà cha mẹ có thể dành cho đứa con tuổi teen: “Cha/mẹ xin lỗi vì đã quá căng thẳng... Cha/mẹ rất thất vọng vì không thể hoàn thành công việc của mình đến nỗi đã đẩy con ra xa mà không lắng nghe”.

cha-me-cung-can-xin-loi-tre4.jpg
Để trẻ có trách nhiệm với lỗi lầm của mình, phụ huynh cũng cần làm gương. Ảnh: INT.

Cho thấy điều đó sẽ không xảy ra nữa

“Lời xin lỗi là về việc nhận ra hành vi của chính mình. Điều đó không có nghĩa là phụ huynh phải chạy vòng quanh con mình để chuộc lại lỗi lầm. Một lời xin lỗi chân thành thể hiện sự đồng cảm và kết nối, giúp ích cho các mối quan hệ của trẻ sau này trong cuộc sống”, Tiến sĩ Klein cho biết.

Để cho trẻ thấy rằng, cha mẹ đã định cố gắng hơn vào lần tới, phụ huynh có thể nói thêm: “Lần tới, mẹ sẽ cố gắng hít thở thật sâu thay vì hét vào mặt con”.

Hãy rõ ràng và súc tích

Một lời xin lỗi súc tích và chân thành từ cha mẹ sẽ cho trẻ thấy rằng, ai cũng mắc lỗi. Giáo sư Shapiro cho biết: “Phụ huynh muốn trẻ hiểu rằng, nếu con vô tình mắc lỗi trong cuộc sống, thì cũng không sao cả”.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Klein, khi trẻ lớn lên, một lời xin lỗi được truyền đạt tốt chứng tỏ rằng, điều đó nghĩa là: “Có cơ hội để sửa chữa và kết nối lại, đặc biệt là nếu trẻ đã làm tổn thương ai đó”.

Khi cha mẹ làm mẫu cho lời xin lỗi rõ ràng và chân thành, họ dạy con cách chịu trách nhiệm. Đồng thời, thiết lập cho trẻ những mối quan hệ lành mạnh và có ý nghĩa hơn.

Đề nghị bù đắp

Trong nghiên cứu của mình, Giáo sư Shapiro đã học được từ Molly Howes, Tiến sĩ, tác giả của cuốn “A Good Apology: Four Steps to Make Things Right” rằng, việc đặt những câu hỏi bình tĩnh, trung lập có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc có giá trị. Những cụm từ như “Con cảm thấy thế nào?” có thể tiết lộ những chi tiết hoặc cảm xúc của trẻ mà cha mẹ từng không nhận thấy.

Tiếp theo, phụ huynh có thể hỏi: “Cha/mẹ có thể đền bù cho con như thế nào?”. Điều đó mở ra cánh cửa cho những cách cụ thể để hàn gắn mối quan hệ dựa trên cách người kia trải qua tình huống đó.

Ví dụ, Giáo sư Shapiro gợi ý, sau khi nghe con gái tuổi teen của mình thích chương trình bác sĩ, cha mẹ có thể nói thêm điều này vào lời xin lỗi: “Con có muốn trò chuyện tối nay với socola nóng và cùng xem chương trình bác sĩ Grey không?”.

Việc đưa ra loại hình đền bù này sẽ xác nhận cảm xúc của con. Đồng thời, cho trẻ thấy mình được lắng nghe. Điều đó cũng củng cố tầm quan trọng của mối quan hệ giữa cha mẹ - con bằng cách trao cho trẻ thứ mà con coi trọng - thời gian chất lượng bên nhau.

cha-me-cung-can-xin-loi-tre3.jpg
Nếu cha mẹ nhận ra mình đang la hét, hãy dừng lại và xin lỗi con. Ảnh: INT.

Luôn nói lời xin lỗi

Đôi khi, thay vì nói lời “Cha/mẹ xin lỗi”, phụ huynh cố gắng chuộc lỗi bằng những hành động tử tế hoặc quà tặng. Tuy nhiên, theo chuyên gia Shapiro, tất cả những người con trưởng thành mà bà phỏng vấn đều nói cùng một điều: “Những thứ khác có thể thay thế cho lời xin lỗi, nhưng trong mọi trường hợp, người đó vẫn muốn nghe lời xin lỗi. Sự đền bù thay thế giống như bù đắp mà không có sự thừa nhận chân thành về hành vi sai”. Vì vậy, khi đưa ra lời xin lỗi, phụ huynh hãy đảm bảo nói các từ thiết yếu sau: “Cha/mẹ xin lỗi”.

Lợi ích của việc xin lỗi con

Xin lỗi con không chỉ là cách hiệu quả để thể hiện trách nhiệm và sự phát triển cảm xúc, mà còn mang lại vô số lợi ích cho cả cha mẹ và trẻ. Một số nghiên cứu cho thấy, khi cha mẹ xin lỗi, điều đó có thể củng cố mối quan hệ giữa phụ huynh và con. Đồng thời, nuôi dưỡng lòng tin và dạy cho trẻ những kỹ năng sống quan trọng.

Ví dụ, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, thanh thiếu niên có nhiều khả năng chia sẻ thông tin riêng tư cho cha mẹ khi phụ huynh thường xuyên xin lỗi.

Mặt khác, những cha mẹ tránh xin lỗi hoặc thừa nhận lỗi lầm của mình có thể vô tình tạo tiền đề cho những vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như nói dối. Trẻ em không thấy cha mẹ thừa nhận khi làm sai có nhiều khả năng phát triển thói quen không trung thực, đặc biệt là trong thời kỳ thanh thiếu niên.

Cũng theo các chuyên gia, có một số lợi ích khác khi cha mẹ nhận lỗi nếu làm sai với trẻ. Trong đó, cha mẹ có thể gián tiếp dạy con về trách nhiệm, tăng cường trí tuệ cảm xúc, xây dựng lòng tin. Đồng thời, lời xin lỗi còn giúp nuôi dưỡng mối quan hệ cha mẹ - con lành mạnh, cũng như khuyến khích sự phát triển và tự phản ánh ở trẻ.

Nên làm gì với cơn giận thay vì la hét

Trong trường hợp cha mẹ giận dữ với trẻ, bước đầu tiên để kiểm soát mà không cần la hét là thừa nhận cảm xúc. Phụ huynh thậm chí có thể nói to nếu muốn. Mặc dù nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng việc nhận ra và gọi tên cơn giận là một bước mạnh mẽ thực sự thay đổi bộ não của các phụ huynh ngay tại thời điểm đó.

“Ngay khi nhận ra cơn giận của mình, các phụ huynh sẽ kích hoạt vỏ não trước trán và ngắt quãng những cảm xúc đang cuộn trào. Đó là việc chuyển não từ chế độ cảm xúc sang chế độ suy nghĩ”, Tiến sĩ Joseph Shrand - Giám đốc Y khoa của Riverside Community Care tại Massachusetts cho biết.

Trong khi đó, Tiến sĩ Laura Markham, nhà tâm lý học lâm sàng giải thích rằng, khi đã bình tĩnh lại, cha mẹ sẽ sẵn sàng xoa dịu tình hình thay vì làm trầm trọng thêm. Bà gợi ý rằng, hãy nói điều gì đó như “Chúng ta hãy thử làm lại” để định hình lại tương tác theo cách tích cực hơn.

Việc cố gắng không la hét có thể khá khó khăn. Đối với nhiều phụ huynh, điều đó đòi hỏi thời gian và sự luyện tập. Nếu cha mẹ nhận ra mình đang la hét, hãy dừng lại và xin lỗi con. Thừa nhận lỗi lầm của mình và thử lại. Càng luyện tập ngắt quãng chu kỳ la hét, cha mẹ sẽ càng thấy dễ dàng hơn. Tiến sĩ Markham giải thích rằng, sẽ dễ dàng hơn nhiều để không la hét khi phụ huynh có mối liên hệ chặt chẽ với con mình.

Theo các chuyên gia, không có gì sai khi cha mẹ có lúc cảm thấy tức giận. Tuy nhiên, điều quan trọng là phụ huynh có hành động gì trước cơn tức giận đó. Tức giận là một cảm xúc phổ biến mà chúng ta cảm thấy khi mọi thứ không diễn ra theo cách mình muốn. Tuy nhiên, một số phương pháp thay đổi hành vi hiệu quả hơn những cách khác. Cha mẹ có thể nhận ra rằng, la hét là cách làm phản tác dụng. Khi đó, họ có nhiều khả năng tìm kiếm một phương án hiệu quả hơn.

Theo Parents

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ