Hạn chế "chảy máu" chất xám ngành Giáo dục

GD&TĐ - Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận những chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục, đồng thời đề xuất một số giải pháp hạn chế chảy máu chất xám của ngành.

Sinh viên Trường ĐH Vinh - thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC.
Sinh viên Trường ĐH Vinh - thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC.

Đầu tư cho sự phát triển

Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, việc áp dụng phương thức dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như một điểm sáng cho sự thích nghi nhanh chóng của ngành Giáo dục với tiến bộ khoa học công nghệ.

Qua đó cho thấy, những chuyển biến tích cực về năng lực sử dụng công nghệ thông tin của các thầy cô giáo nói riêng và ngành Giáo dục nói chung. Đây là mặt tích cực mà chúng ta cần phát huy trong thời gian tới.

Một trong những chương trình được đại biểu đoàn Hà Tĩnh hoan nghênh, ghi nhận là chương trình “Máy tính cho em” do Bộ GD&ĐT phát động. Chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đồng thời tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Nhờ chương trình này, nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã có phương tiện, thiết bị để học trực tuyến, giúp việc học tập của các em không bị gián đoạn; quan trọng là không em nào bị bỏ lại phía sau.

Nhấn mạnh, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ khẳng định: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn xác định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Vì thế, Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực cho sự nghiệp “trồng người”; trong đó có nhiều cơ chế chính sách để phát triển giáo dục, đào tạo, đặc biệt là giáo dục vùng khó.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ

Tuy nhiên, điều mà đại biểu trăn trở hiện nay là chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giáo dục, đào tạo là ngành đặc thù và được coi là “máy cái” để đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, mà ở đó đội ngũ giáo viên là lực lượng nòng cốt.

“Song, các chế độ chính sách còn chưa tương xứng so với những gì thầy, cô giáo cống hiến” – đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ trao đổi, đồng thời đề nghị: Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ nhà giáo.

Cần có cơ chế, chính sách mang tính đặc thù để thu hút và giữ chân người giỏi ở lại cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đây cũng là bài toán về thu hút nhân tài và chống chảy máu chất xám trong nội ngành Giáo dục.

Đại biểu đoàn Hà Tĩnh đặt vấn đề, những năm gần đây, ngành công an, quân đội luôn thu hút được những thí sinh giỏi theo học. Một trong những lý do là học xong, các em sẽ không phải lo “đầu ra” và có chế độ tiền lương đặc thù. Thậm chí, chỉ cần trúng tuyển vào hệ chính quy, đã được coi là người Nhà nước. Với cơ chế, chính sách như vậy, nên ngành này đã thu hút được những người giỏi.

Thu hút người giỏi vào ngành Giáo dục

Theo đại biểu, mới đây Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số: 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Theo Nghị định, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí và được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

“Đây là động thái tích cực nhằm tăng sức hút cho ngành Sư phạm, trong đó có việc thu hút những thí sinh giỏi” - đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nhấn mạnh, đồng thời viện dẫn: Đơn cử như mùa tuyển sinh năm nay, điểm chuẩn ngành Sư phạm đã tăng vọt. Đây là tín hiệu khả quan, hy vọng sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) trong ngày hội STEM. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) trong ngày hội STEM. Ảnh: TG

Cũng theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, hiện nay vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương. Hy vọng với chính sách đào tạo giáo viên theo cơ chế “đặt hàng”,  giao nhiệm vụ sẽ là giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm tình trạng này; qua đó góp phần thực hiện thành công Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Đề cập đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đại biểu đoàn Hà Tĩnh cho rằng: Hiện vẫn còn tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Do đó, cần làm tốt công tác phân luồng học sinh từ bậc THCS. Đồng thời, quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo đối với các trường đại học địa phương hoặc có cơ chế sáp nhập, liên kết trong đào tạo…

Đặt vấn đề, giáo dục và đào tạo là một trong những nhóm vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV; đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – chia sẻ: “Đến thời điểm này, tôi chưa có ý định chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Tôi thấy, thời gian qua, ngành Giáo dục đã cơ bản làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình; đặc biệt là hoàn thành tốt mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Dù có một số việc chưa được như mong muốn, nhưng cũng là yếu tố khách quan mang lại"".

Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục, đào tạo từ phổ thông đến đại học đã chủ động và thích ứng nhanh chóng với diễn biến dịch bệnh. Theo đó, đã áp dụng sinh động và hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy và đào tạo; đặc biệt đã chủ động xây dựng các kịch bản để mở cửa trường học, đón học sinh, sinh viên trở lại học tập, thi và tuyển sinh đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống TOS-1A hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Vệ sĩ đặc biệt của pháo nhiệt áp TOS

GD&TĐ - Theo RIA, những hệ thống pháo nhiệt áp TOS Solntsepyok của Nga sẽ miễn nhiễm với các cuộc tấn công của UAV do được bảo vệ bởi hệ thống EW đặc biệt.