Nhiều quan điểm khác nhau về triết lý GD
Giới thiệu về dự thảo Luật, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Đức Cường đồng thời chia sẻ các vấn đề nổi bật cần xin ý kiến các chuyên gia tại Hội thảo, cũng như xin ý kiến nhân dân, gồm: Quy định về triết lý GD; hướng nghiệp và phân luồng; chính sách cử tuyển; đầu tư GD, trách nhiệm của Nhà nước; học phí; xã hội hóa GD; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; chính sách học phí sư phạm; phân công công tác cho SV sư phạm sau khi tốt nghiệp; vấn đề bình đẳng giới; trường chuyên, trường chất lượng cao và trường nội trú, bán trú; luật hóa các quy định tại Nghị quyết 88 của Quốc hội về chương trình, SGK phổ thông; thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH; vấn đề tự chủ của cơ sở GD; quản lý Nhà nước; quy hoạch mạng lưới cơ sở GD và kiểm định chất lượng GD; kĩ thuật lập pháp.
Riêng về triết lý GD, ông Nguyễn Đức Cường cho biết: Luật GD hiện hành không có điều luật nào có tên là “triết lý GD”, việc này có thể dẫn đến cách hiểu nhầm rằng Việt Nam chưa có triết lý GD. Hiện nay, quy định về triết lý GD được thể hiện chủ yếu tại 2 điều luật của Luật GD (Điều 2: Mục tiêu của GD; Điều 3: Tính chất, nguyên lý GD).
Triết lý GD có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược đổi mới, phát triển GD-ĐT ở nước ta. Nhưng cũng như các nước khác trên thế giới, ở Việt Nam cũng có nhiều quan điểm khác nhau về triết lý GD, dễ dẫn đến những tranh luận về triết lý GD.
- GS Đặng Bá Lãm - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam - phát biểu tại Hội thảo
Điều 2 (mục tiêu của GD) và Điều 3 (tính chất, nguyên lý GD) của Luật GD 2005 chưa thể hiện đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng trong Nghị quyết số 29-TW/NQ (cũng thể hiện tư tưởng triết lý GD Việt Nam) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT ở Việt Nam và tinh thần của Điều 61 của Hiến pháp 2013 về GD-ĐT “Phát triển GD là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Từ đó, hướng chỉnh sửa, bổ sung được đưa ra xin ý kiến góp ý như sau: Sửa đổi, bổ sung Điều 2 (mục tiêu GD) và Điều 3 (tính chất, nguyên lý GD) của Luật GD 2005 theo hướng thể hiện quan điểm, đường lối đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT của Đảng tại Nghị quyết số 29-TW/NQ và Điều 61 Hiến pháp 2013 để làm rõ hơn triết lý GD.
Cân nhắc giữa việc sửa đổi, bổ sung Điều 2 và Điều 3 nhưng vẫn giữ tên gọi như hiện nay hoặc hợp nhất Điều 2 và Điều 3 thành 1 điều luật có tên là “Triết lý GD”.
2 phương án được đưa ra xin ý kiến gồm: Phương án 1: Vẫn thể hiện triết lý GD tại 2 điều luật có tên gọi như hiện nay, nhưng có sửa đổi bổ sung. Phương án 2: Hợp nhất Điều 2 và Điều 3 thành 1 điều luật mới là “Triết lý GD”.
Không nên có điều luật riêng về triết lý GD
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia nêu quan điểm cá nhân về triết lý GD, trong đó hầu hết cho rằng nên cân nhắc khi đưa nội dung này vào Luật.
Theo GS Đặng Bá Lãm (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam), triết lý GD có ý nghĩa bao quát, vừa nằm trong GD, vừa nằm ngoài GD. Riêng đối với GD thì triết lý GD không chỉ nằm trong mục tiêu của GD (Điều 2); tính chất, nguyên lý GD (Điều 3). Vì vậy, nếu chưa có sự thống nhất về cách hiểu, cách xác định triết lý GD thì cần thảo luận thêm, chưa nên quyết định đưa vào Luật lúc này. Hơn nữa, việc quyết định về triết lý GD nằm ngoài trách nhiệm của Ban soạn thảo và Ban biên tập Luật GD (sửa đổi).
|
GS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý – GD Việt Nam cũng cho rằng, không nên có riêng một điều về triết lý GD mà nên chỉnh sửa lại Điều 2 (về mục tiêu GD) và Điều 3 (về tính chất, nguyên lý GD) như sau:
Điều 2 (mục tiêu GD): Mục tiêu GD nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thành thạo nghề nghiệp được đào tạo, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vừa biết tiếp thu tinh hoa của các giá trị nhân loại nhưng lại phải biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, có phẩm chất nhân cách và năng lực của người công dân toàn cầu, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Điều 3 (tính chất, nguyên lý GD), GS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng, cần có nội dung: “Nền GD Việt Nam là nền GD có tính nhân văn, dân tộc, dân chủ, khoa học, hiện đại, là nền GD mở, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người trong một xã hội học tập với nhiều hình thức học tập đa dạng, phong phú, liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học, đảm bảo sự công bằng trong GD”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Vi Khải - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng - cho rằng: Việc đưa vào Luật một điều riêng về triết lý GD là không quan trọng và cần thiết; bởi triết lý GD sẽ được thể hiện ở các điều nói về mục tiêu, tính chất, nguyên lý, nội dung và phương pháp GD. Ông Nguyễn Vi Khải đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề phương pháp và cho rằng phương pháp và cách thức tạo ra sản phẩm là điều quan trọng khi thời đại thay đổi.
“Tôi nhất trí với ý kiến của Ban soạn thảo cho rằng, triết lý GD có vai trò quan trọng đặc biệt. Hướng chỉnh sửa, bổ sung lấy tinh thần quan điểm của Nghị quyết 29/NQ-TW và Điều 61 Hiến pháp 2013 là hợp lý. Về cơ bản, tôi đồng ý nội dung được thể hiện ở Điều 2 và Điều 3. Tuy nhiên, như trên đã nói, trong GD các nước tiên tiến và ở cả nước ta trước đây người ta rất coi trọng vấn đề tự học và phương pháp truyền dạy và học - bởi kiến thức nhân loại ngày càng trở thành khối lượng siêu lớn… thì tự học và phương pháp chính là “chìa khóa” có tính nguyên lý quan trọng trong GD” - ông Nguyễn Vi Khải nêu quan điểm.