Dự và chỉ đạo chuyên đề có ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cùng lãnh đạo, chuyên viên phòng Giáo dục Trung học Sở GD&ĐT TP.
Theo đó, ngày 15/8, Sở GD&ĐT Hải Phòng có công văn số 2156/SGDĐT-TrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục trung học năm học 2023 - 2024, nhằm tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là tháo gỡ phần nào những khó khăn, vướng mắc của đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Khoa (KHTN) học tự nhiên cấp THCS. Thực hiện chỉ đạo của Sở, Phòng GD&ĐT huyện Tiên Lãng thực hiện Hội thảo chuyên đề giảng dạy môn Khoa học tự nhiên năm học 2023 - 2024.
Trong Chương trình GDPT 2018, môn KHTN là một trong những môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc. Đây là một môn học tích hợp của môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học Trái đất.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tặng hoa 2 giáo viên thực hiện tiết dạy. |
Mục tiêu cụ thể của Môn Khoa học tự nhiên ở cấp THCS là hình thành, phát triển ở học sinh năng lực khoa học tự nhiên, bao gồm các thành phần: nhận thức khoa học tự nhiên, tìm hiểu tự nhiên, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học; đồng thời cùng với các môn học và hoạt động giáo dục khác góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là tình yêu thiên nhiên, thế giới quan khoa học, sự tự tin, trung thực, khách quan, thái độ ứng xử với thế giới tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.
Học sinh tham dự Hội thảo tiết dạy. |
Theo lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Tiên Lãng để đạt được mục tiêu ấy, đòi hỏi mỗi nhà trường nói chung và mỗi giáo viên nói riêng khi giảng dạy môn KHTN cần phải đổi mới về phương pháp giảng dạy, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động dạy - học.
Trong những năm qua, Phòng GD&ĐT Tiên Lãng đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện được rất nhiều các chuyên đề chuyên môn cấp huyện về phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá ở các bộ môn học/hoạt động giáo dục, trong đó có môn KHTN.
Học sinh lớp 8B3 học Bài 32: Dinh dưỡng và tiêu hóa ở người. |
Tuy nhiên, là những người trực tiếp đứng lớp, rất nhiều giáo viên còn có những băn khoăn, vướng mắc, những khó khăn cần phải được tiếp tục tháo gỡ giúp họ giảng dạy tốt hơn, đạt được mục tiêu đề ra ở bộ môn này.
Tại Hội thảo, cô Tạ Thị Cảnh, trường THCS Thị Trấn và các em học sinh lớp 8B3 lên lớp Bài 32: Dinh dưỡng và tiêu hóa ở người (tiết thứ 4); cô giáo Lê Thị Hạnh, trường THCS Quang Phục và các em học sinh lớp 8A thực hiện Bài 2: Phản ứng hóa học (tiết thứ 3).
Học sinh tự tin thuyết trình phần bài làm của nhóm. |
Qua 2 tiết dạy, cán bộ, giáo viên bộ môn của các trường THCS trên toàn thành phố có cái nhìn sâu sắc, đa chiều và sáng tạo hơn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong năm học. Nhiều băn khoăn, trăn trở cũng như khó khăn, vướng mắc khi giảng dạy bộ môn KHTN được đưa ra thảo luận.
Ông Đỗ Văn Lợi- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo của 2 giáo viên lên lớp chuyên đề. Lãnh đạo Sở cho rằng những năm đầu triển khai chương trình mới còn nhiều khó khăn, vướng mắc về phương pháp dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá. Tiết lên lớp chuyên đề là dịp để thầy cô cùng nhìn nhận, trao đổi về việc thực hiện nội dung cũng như đổi mới phương pháp một cách hiệu quả, tạo đà cho năm học mới.