Hai nam sinh chế tạo găng tay cho người khiếm thính

GD&TĐ - Với trăn trở làm sao để có thể giao tiếp hai chiều với các bạn trẻ câm điếc mà không gặp khó khăn, hai học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM đã mày mò chế tạo ra chiếc “Găng tay chuyển ngữ” có khả năng chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành tiếng Việt. 

Hai nam sinh chế tạo găng tay cho người khiếm thính

Sáng chế giàu tính nhân văn này đã giúp Phạm Thiên Tân và Chử Hoàng Minh Đức giành giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia (ViSEF) cho học sinh trung học vừa qua.

Ý tưởng khởi phát từ thực tiễn cuộc sống

Nói về chiếc găng tay kỳ diệu mà mình vừa sáng chế ra, Phạm Thiên Tân (học sinh lớp 12) cho biết ý tưởng đến với em một cách hết sức tình cờ. Khi giao tiếp với các bạn trẻ câm điếc hàng ngày, Tân nhận thấy mình mới là người khiếm thính vì không hiểu thứ ngôn ngữ ký hiệu mà các bạn dùng, trong khi, đa số họ đều hiểu mình muốn nói gì qua khẩu hình miệng.

“Hai đứa em đều học chuyên Lý nên rất thích điều khiển các vi mạch. Câu lạc bộ khoa học của trường là nơi em và Đức thỏa mãn đam mê sáng chế. Có lần, em nghiên cứu trên mạng thấy thế giới tạo ra một chiếc găng tay có thể điều khiển robot. Em tự hỏi: Tại sao không áp dụng nguyên lý đọc cử chỉ bàn tay của chiếc găng tay này vào việc dịch ngôn ngữ ký hiệu. Ý tưởng lóe lên từ đó” - Tân nói

Chính vì thế, lấy ý tưởng từ những chiếc găng tay điều khiển robot, các em đã áp dụng nguyên lý đó để nghiên cứu một chiếc găng tay có thể chuyển thủ ngữ thành tiếng Việt. Bắt tay vào sáng tạo “Găng tay chuyển ngữ” từ tháng 8/2016, đến trước kỳ thi một hôm (3/2017), Tân và Đức mới hoàn thiện xong sản phẩm. Sáng chế của hai học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong dựa trên nguyên tắc thu thập cử động của bàn tay qua việc đeo găng tay vải rồi truyền các cử động ấy qua một chiếc điện thoại thông minh.

Tân cho biết “Găng tay chuyển ngữ” cũng giống như dịch vụ Google Translate. Nó hỗ trợ người dùng trong việc “dịch” ngôn ngữ ký hiệu sang lời nói, bằng tiếng Việt nhưng không thể giúp người câm điếc truyền tải thông điệp chuẩn xác 100%. Hiện sau khi đoạt giải, hai học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong dự định sẽ viết thêm thuật toán để sắp xếp các từ trong câu theo đúng ngữ pháp của ngôn ngữ ký hiệu, kết nối cả hai găng tay và phát thành một câu hoàn chỉnh trên smartphone trong thời gian tới.

Hiện tại, “Găng tay chuyển ngữ” của hai em đã chuyển ngữ được 31 kí tự tay tĩnh thành âm thanh hình ảnh và lời nói trên điện thoại. Ngoài bảng chữ cái và người câm điếc có thể dùng găng tay này để phát ra các cụm từ như “tôi yêu bạn”, “tôi”, “bạn”, “Việt Nam”, “Bác Hồ”, “xin chào”, “cha mẹ”, “yêu”…

Sản phẩm được đánh giá cao

Tự đánh giá về bộ câu nói trong “Găng tay chuyển ngữ” vẫn còn quá ít và còn nhiều hạn chế, hai bạn trẻ mong muốn từ ý tưởng khởi phát của mình sẽ được các nhà khoa học thực thụ, doanh nhân hỗ trợ để thiết bị hỗ trợ người câm điếc giao tiếp thật sự có hiệu quả.

“Khó khăn phát sinh trong quá trình dựng ý tưởng, nghiên cứu, tìm vật liệu sáng chế cho sản phẩm găng tay “thần kỳ” là rất nhiều. Nhất là về vấn đề kỹ thuật, làm đến đâu tụi em thấy thiếu đến đó, linh kiện phục vụ nghiên cứu hư hỏng rất nhiều - Minh Đức chia sẻ.

Nói thêm về ý tưởng xây dựng dự án, Minh Đức cho biết, ngay khi có ý tưởng, tìm tòi và nghiên cứu sản phẩm “Găng tay chuyển ngữ”, hai em đã phát hiện ý tưởng của mình bị “đụng hàng” với sáng tạo của một bạn trẻ người Mỹ. Tuy nhiên, sau nửa đường mày mò nghiên cứu dự án, em nhận thấy sáng chế của mình vẫn có những ưu điểm riêng và hoàn thiện hơn nên quyết tâm theo đuổi.

Điểm khác biệt của đề tài hai em nghiên cứu chính là việc “Găng tay chuyển ngữ” phiên bản Việt có thể tương tác trực tiếp với điện thoại thông minh (một dụng cụ liên lạc phổ biến, ai cũng có thể sở hữu), thay vì kết nối với máy tính trung tâm qua bluetooth (một thiết bị khá đắt đỏ và không phải ai cũng biết cách sử dụng như ý tưởng của bạn kia). Ngoài tính thực tiễn, sản phẩm sáng chế của 2 học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong còn được đánh giá cao vì dành riêng cho người khuyết tật Việt với bộ nhận diện ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ.

Trước “Găng tay chuyển ngữ”, Tân và Đức đã cùng nhau tạo ra những sản phẩm khoa học vui như xe điều khiển, kính thiên văn, máy đo nồng độ cồn theo thời tiết... Chính vì thế, khi nói về ước mơ của mình cả hai cùng cho biết mong ước được đặt chân đến những trung tâm đào tạo khoa học - kỹ thuật hàng đầu tại Singapore, Mỹ để “cháy” hết mình với đam mê nghiên cứu khoa học.

Theo Tân, nguyên tắc hoạt động của găng tay là khá đơn giản. Găng tay được gắn các cảm biến Flex Sensor và MPU6050. Các cảm biến này sẽ đọc các giá trị chuyển động của bàn tay. Dữ liệu thu được sẽ gửi về smartphone qua một ứng dụng được lập trình trên nền tảng Android. Màn hình điện thoại xuất hiện những kí tự, văn bản cùng âm thanh tương ứng với từng cử chỉ tay của người dùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

GD&TĐ - Không biết từ bao giờ, con người trở nên hung hăng, luôn giải quyết mâu thuẫn bằng những hành vi phi nhân tính.

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

GD&TĐ - Hyun Bin đã chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc sống hôn nhân và đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn về những thay đổi mà anh trải qua kể từ khi kết hôn.