Hai mặt của ChatGPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù mới xuất hiện từ cuối năm 2022, siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT đang dần thay đổi giới học thuật toàn cầu.

 Ảnh minh họa cho ứng dụng chatbot.
Ảnh minh họa cho ứng dụng chatbot.

Bên cạnh những cảnh báo gian lận, các cơ sở giáo dục phải tìm cách “sống chung” với công nghệ mới.

Nỗi lo toàn cầu

Vào tháng 1/2023, GS Antony Aumann, giảng viên môn Triết học tại Đại học Bắc Michigan, Mỹ, yêu cầu sinh viên viết bài luận về lệnh cấm burqa, trang phục trùm kín mặt và toàn thân của người Hồi giáo.

Khi chấm bài, ông phát hiện một tác phẩm có nội dung trau chuốt và mạch lạc đến đáng ngờ từ một sinh viên không phải thuộc hàng xuất sắc trong lớp.

“Tôi ngạc nhiên bởi đó là bài luận hay nhất lớp. Nội dung bài có ý tứ mạch lạc, lập luận chặt chẽ và các ví dụ vừa vặn”, GS Antony Aumann nhận xét.

Tác giả của bài luận này thừa nhận đã “nhờ” siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT viết thay mình. GS Antony Aumann đã yêu cầu sinh viên viết lại bài luận, bằng năng lực của bản thân, nếu không muốn bị phạt nặng hơn.

GS Antony Aumann không phải người duy nhất phát hiện sinh viên gian lận bằng ChatGPT. Câu chuyện này đã trở nên phổ biến tại các trường đại học tổ chức kiểm tra, đánh giá bằng bài kuajan.

Khả năng tiếp cận rộng rãi của ChatGPT đang khiến nhiều cơ sở giáo dục đại học buộc phải thay đổi phương pháp chấm điểm và xây dựng lại chương trình học.

Cuối năm 2022, công ty OpenAI ra mắt hệ thống siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT có khả năng hỗ trợ người dùng viết bài luận, trả lời câu hỏi, sáng tác thơ nhạc, lập trình... Sau khoảng 40 ngày, ChatGPT đã vượt mốc 10 triệu người dùng và thường xuyên quá tải do lượng truy cập lớn.

ChatGPT là siêu trí tuệ nhân tạo (AI) hoạt động dưới dạng tự động trò chuyện thông qua tin nhắn với người dùng (gọi là chatbot). Người dùng sẽ đặt câu hỏi và ChatGPT trả lời dưới dạng tin nhắn, tạo cảm giác tự nhiên như những người bạn đang trò chuyện với nhau. Thời gian phản hồi trung bình là 2 - 5 giây, tuỳ theo độ khó của từng vấn đề mà người dùng đặt ra.

Nếu ChatGPT đưa ra câu trả lời không đầy đủ, không đúng hoặc chưa phù hợp với bối cảnh trò chuyện, người dùng có thể phản hồi lại để hệ thống bổ sung, chỉnh sửa thông tin hoặc giải thích dữ liệu. Thậm chí, ChatGPT sẽ xin lỗi nếu nó đưa ra đáp án sai.

ChatGPT được xây dựng dựa trên kho dữ liệu trí tuệ nhân tạo khổng lồ trên toàn thế giới có từ trước năm 2021 nên hệ thống không thể cung cấp thông tin mới nhất.

TS Mark Cenite, giảng dạy môn Luật truyền thông tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore, đã yêu cầu ChatGPT viết bài luận ủng hộ quan điểm chống lại hình phạt tử hình. Kết quả từ hệ thống khiến ông không khỏi ấn tượng.

“Khi tôi đưa ra đề bài, hệ thống lập tức trả lại một bài luận với các lập luận chặt chẽ, câu văn mạch lạc, rõ ràng. Bài luận có đủ ba phần giới thiệu, chuyển tiếp và kết luận. Từ nhiều thập kỷ nay, sinh viên dễ dàng tìm kiếm thông tin thô trên Internet nhưng giờ đây, ChatGPT có thể cô đọng thông tin cho họ”, TS Mark Cenite cho biết.

Cách truyền tải thông tin là một trong những điểm khác biệt chính giữa Google và ChatGPT. Khi người dùng tìm kiếm thông tin, công cụ tìm kiếm của Google sẽ liệt kệ nhiều thông tin cho người dùng tự sàng lọc và đưa ra lựa chọn của mình.

Còn ChatGPT tự tổng hợp câu trả lời hoàn chỉnh, từ đó, người dùng có thể rút ngắn thời gian khi cần ngay thông tin trong nhiều lĩnh vực. Điều này cũng khiến việc học sinh, sinh viên ỷ lại vào ChatGPT và nhờ làm bài tập hộ trở nên phổ biến hơn.

Cuộc nổi dậy chống lại AI

Siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT có thể thay con người viết bài luận ở mọi lĩnh vực.

Siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT có thể thay con người viết bài luận ở mọi lĩnh vực.

Theo khảo sát của tờ The Straits Times, ChatGPT có thể giải các bài toán lấy từ đề kiểm tra hay trả lời câu hỏi tự luận mức A – mức độ khó phân loại theo trình độ học vấn của sinh viên Singapore ở mọi lĩnh vực. Hệ thống này có thể phát hiện lỗi sai trong các bài luận đã được viết sẵn, thậm chí là các dòng ngôn ngữ lập trình.

Gian lận bằng ChatGPT là nỗi sợ thường trực và thực tế bởi công dụng giáo dục được biết đến nhiều nhất hiện nay của hệ thống này là giúp học sinh, sinh viên đạo văn. Không chỉ về mức độ và phạm vi gian lận mở rộng, việc sử dụng ChatGPT có tác động lớn đến cách mọi người đọc, viết và suy nghĩ.

Ông Naomi S. Baron, Giáo sư danh dự về Ngôn ngữ học, Đại học Hoa Kỳ, phân tích, các công cụ như ChatGPT khiến mọi người mất khả năng viết chính tả, đánh vần, thậm chí là đặt dấu câu. Nhiều người mất động lực tự sáng tác, viết lách.

Trong giáo dục, các công cụ có sẵn như ChatGPT, Grammarly (ứng dụng kiểm tra chính tả, ngữ pháp tiếng Anh)... khiến học sinh, sinh viên đánh mất khả năng tư duy logic, tư duy phản biện hay phân tích vấn đề. Các em dễ dàng sử dụng công nghệ để hoàn thành bài tập nên vô tình tự đánh mất cơ hội được suy nghĩ và học hỏi.

“Đàn áp” là phản ứng của một số cơ sở giáo dục trước siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT. Đơn cử, các trường công lập ở thành phố New York, Mỹ, mới đây thông báo sẽ chặn quyền truy cập ChatGPT trên máy tính và hệ thống Internet của trường với lý do “lo ngại về tác động tiêu cực đến học sinh và tính an toàn, chính xác của nội dung”.

Một số địa phương khác tại Mỹ như thành phố Seattle, bang Washington, cũng hạn chế truy cập. Ông Tim Robinson, phát ngôn viên của hệ thống trường công lập thành phố Seattle, chia sẻ với The Straits Times rằng ChatGPT đã bị chặn trên các thiết bị của trường từ tháng 12 cùng với 5 công cụ gian lận khác.

Có thể thấy đối với không ít chuyên gia giáo dục, ChatGPT chính là một công cụ gian lận. Tuy nhiên, số khác cho rằng việc loại ChatGPT khỏi lớp học là động thái sai lầm.

Ông Kevin Roose, tác giả sách “Futureproof: 9 Rules for Humans in the age of automation” (Tạm dịch: “Minh chứng từ tương lai: 9 quy tắc dành cho con người trong thời đại tự động hóa”), lập luận: Các trường có thể chặn ChatGPT trong khuôn viên trường nhưng học sinh, sinh viên có điện thoại, máy tính hay bất kỳ phương tiện nào khác để truy cập hệ thống ngoài lớp học.

Sử dụng phần mềm kiểm tra gian lận, đơn cử như công cụ GPTZero do sinh viên Đại học Princeton xây dựng, cũng không đảm bảo chính xác 100%. Người học chỉ cần thay đổi vài từ hoặc câu trong nội dung của ChatGPT là có thể “qua mắt” các phần mềm truy quét.

Chưa kể, ChatGPT chỉ là một công cụ AI mới. Trong tương lai, sẽ có những ứng dụng tương tự khác được phát triển để sinh viên thoải mái lựa chọn sử dụng. Các nhà giáo dục không thể cấm tất cả các phần mềm như vậy hay tiêu tốn thời gian ngăn chặn chúng.

Ông Kevin Rose nhận định: “Dễ hiểu tại sao các nhà giáo dục cảm thấy bị đe dọa bởi ChatGPT bởi nó xuất hiện đột ngột, hoạt động khá tốt và phổ biến trong môi trường học thuật. Nhưng thay vì cấm ChatGPT, tôi cho rằng các trường nên coi nó như công cụ hỗ trợ giảng dạy và giúp người học làm quen tốt hơn với trí tuệ nhân tạo khi trưởng thành”.

Thích ứng để cùng phát triển

Giáo viên có thể sử dụng ChatGPT để hỗ trợ giảng dạy.

Giáo viên có thể sử dụng ChatGPT để hỗ trợ giảng dạy.

Thích ứng với siêu trí tuệ nhân tạo là động thái phổ biến hiện nay của ngành giáo dục toàn cầu.

Ở một số trường đại học Mỹ như George Washington, Rutgers, Appalachian..., các giáo sư đang thiết kế bài tập theo hướng mở. Họ không còn giao sinh viên “viết 5 trang về vấn đề...” mà yêu cầu các em đưa câu chuyện cá nhân vào bài viết hoặc dẫn chứng có tính thời sự. Thay vì bài tập về nhà, các trường yêu cầu sinh viên làm bài tập trên lớp, viết tay, làm việc nhóm hoặc phỏng vấn.

Đại học Washington, Đại học Vermont đang sửa đổi chính sách liêm chính học thuật trong việc sử dụng AI và làm rõ định nghĩa đạo văn khi sử dụng ChatGPT.

Sau khi phát hiện sinh viên gian lận, GS Antony Aumann cũng đã thay đổi phương pháp thi viết luận trong lớp học. Ông đưa ra đề bài tại lớp, yêu cầu sinh viên lên dàn ý và nộp lại trước khi hết giờ học mà không được tham khảo thiết bị công nghệ. Nếu dàn ý ban đầu và bài luận có nhiều điểm khác biệt, sinh viên sẽ phải giải thích về lý do và nội dung thay đổi.

Còn tại Australia, Nhóm 8 trường đại học hàng đầu (G8) đã thay đổi cách kiểm tra đánh giá. TS Matthew Brown, Phó Giám đốc điều hành G8, cho biết các trường đang bồi dưỡng nhân viên, thiết kế lại hệ thống đánh giá hay sử dụng công nghệ quét đạo văn... Một trong công cụ quét đạo văn phổ biến là Turnitin.

Ở Singapore, do ChatGPT xuất hiện trong kỳ nghỉ Đông nên các trường học chưa ghi nhận tình trạng gian lận bài tập. Tuy nhiên, các trường đã nhanh chóng khảo sát, đánh giá tình hình và lên phương án “sống chung” với trí tuệ nhân tạo.

Mô tả ChatGPT là “đột phá”, GS Công nghệ và Truyền thông Lim Sun Sun, Đại học Quản lý Singapore (SMU), cho biết trí tuệ nhân tạo không hẳn là một mối đe dọa mà ngược lại, nó có thể nâng cao khả năng học tập của học sinh.

Thay vì nộp những bài tập được AI làm sẵn, sinh viên phải xây dựng kỹ năng đánh giá vấn đề, áp dụng trải nghiệm thực tế và nắm bắt thời sự...

SMU đang phát triển chính sách quản lý việc sử dụng công cụ công nghệ làm bài tập, đưa giáo dục liêm chính trong học tập vào nội dung giảng dạy và sử dụng những biện pháp phát hiện gian lận.

Ở phía ngược lại, giáo viên cũng có thể sử dụng ChatGPT để hỗ trợ giảng dạy. Thầy Jon Gold, giáo viên Lịch sử tại Trường Moses Brown (Mỹ), chia sẻ đã thử nghiệm sử dụng ChatGPT để tạo câu hỏi trên lớp.

Thầy giáo đưa một bài báo về chiến tranh tại Ukraine và yêu cầu hệ thống tạo 10 câu hỏi trắc nghiệm để kiểm tra mức độ hiểu biết của học sinh từ bài báo. Trong 10 câu hỏi, anh có thể sử dụng 6 câu.

“Các công cụ này sẽ giúp việc thảo luận, trao đổi giữa học sinh và giáo viên trở nên phong phú hơn”, thầy Jon Gold bày tỏ.

Tuy nhiên, các nhà giáo dục cảnh báo rằng câu trả lời của ChatGPT có thể không chính xác, thậm chí không có thật. Do đó, người sử dụng cần liên tục kiểm tra độ tin cậy của các thông tin thu thập được.

Đơn cử nhà khoa học dữ liệu người Thuỵ Sĩ, Teresa Kubacka, đã thử hỏi ChatGPT về một hiện tượng vật lý không có thật. Hệ thống đã đưa ra câu trả lời tương đối cụ thể và hợp lý, thậm chí trích dẫn từ nhiều nguồn tài liệu. Tuy nhiên, khi đối chiếu dữ liệu, bà Teresa Kubacka phát hiện các nguồn tài liệu lẫn tên chuyên gia được liệt kê không tồn tại.

Nhưng nhìn chung, sự ra đời của ChatGPT có thể trở thành công nghệ giáo dục thay vì công cụ gian lận. “Công nghệ không phải là vấn đề. Yếu tố cốt lõi là ai sử dụng và sử dụng theo cách nào”, chuyên gia công nghệ Amanda Kirby, Giám đốc điều hành Do-IT Solutions nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ