Phương, đứa học trò của tôi, có dáng người nhỏ bé, đen đúa hơn các bạn cùng lớp. Em ít nói, ít cười, đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn.
Em học khá nhưng thường đi học trễ. Các bạn trong lớp đã nhiều lần góp ý bởi việc đi trễ của em làm ảnh hưởng đến điểm số phong trào thi đua của lớp.
Đã nhiều lần vì em mà cả lớp sau giờ học phải ở lại quét sân trường vì đạt thứ hạng thi đua quá thấp. Tôi cũng nhiều lần gặp gỡ, trao đổi và nhắc nhở, em cũng hứa sẽ sửa đổi nhưng tình hình không được khả quan.
Qua tìm hiểu, tôi biết được gia đình em đặc biệt khó khăn. Cha em từ lâu đã bỏ gia đình đi theo người phụ nữ khác.
Mẹ em ở vậy nuôi ba đứa con thơ dại, em là con gái lớn trong nhà. Mẹ em không có nghề nghiệp ổn định.
Hằng đêm khoảng 12g khuya, sau khi các xe rác đã về bãi, hai mẹ con lầm lũi đi thu mua phế liệu từ các xe rác đẩy về nhà phân loại, đem bán lấy tiền sinh sống. Đúng như một câu thơ ai đó đã viết “Rác của người này, máu của người kia!”.
Đó cũng là lý do khiến em không thể thức dậy sớm để đến trường đúng giờ như các bạn. Tôi cảm thấy ngậm ngùi trước hoàn cảnh của Phương.
Tôi nhớ rất rõ tiết chủ nhiệm hôm đó. Theo thông lệ, các tổ trưởng báo cáo thành tích đã đạt được và các lỗi vi phạm của các bạn trong tuần.
Theo báo cáo, Phương đi trễ năm lần trong tuần (hầu như ngày nào cũng đi trễ). Tôi buộc lòng phải la rầy và phạt em theo quy định chung của lớp.
Đột nhiên em đứng bật dậy, nói trước lớp: “Thầy cô chủ nhiệm các năm trước đều thông cảm cho hoàn cảnh của em, đã không hề phạt em. Còn cô lúc nào cũng theo nguyên tắc, cô giải quyết vấn đề không có tình người...”.
Cả lớp im phăng phắc, tôi thật sự bị sốc và vô cùng tức giận. Nhưng tôi chợt nghĩ lúc này cô trò đều rất nóng, nếu có nói thêm sẽ hoàn toàn bất lợi vì không giải quyết được gì.
Tôi nhẹ nhàng bảo em hãy ngồi xuống, rồi tiếp tục giải quyết các việc còn lại trong tiết chủ nhiệm.
Chưa bao giờ lớp tôi trải qua một tiết sinh hoạt chủ nhiệm nặng nề như thế!
Tôi tranh thủ sắp xếp công việc, để lại 15 phút cuối, tôi nói với cả lớp: “Hôm nay có em trong lớp đưa ra một đề tài mới. Do đó cô dành thời gian còn lại để cô trò mình thảo luận về quan điểm tình người’’.
Lớp thảo luận khá sôi nổi, có học sinh đồng ý với cách làm của tôi, cũng có học sinh đề nghị nên thông cảm cho bạn...
Cuối cùng tôi chốt lại: “Dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào, các em vẫn phải thực hiện đúng nội quy của nhà trường. Vì nếu không, nội quy của trường chúng ta sẽ bị phá vỡ.
Nếu Phương còn đi trễ sẽ làm ảnh hưởng đến các bạn khác. Vì sau giờ học một số bạn phải tranh thủ về nhà giúp cha mẹ lo việc mưu sinh, không thể ở lại quét sân trường mãi. Vậy Phương tiếp tục vi phạm thì em có thể hiện tình người với các bạn không?”.
Em im lặng nhưng tôi vẫn nhìn thấy trong mắt em có điều gì đó không phục. Những tuần sau đó thỉnh thoảng em lại đi trễ...
Hơn một tháng sau...
Buổi sáng, khi vào trường tôi nhận được thông báo Phương đã nhập viện mổ ruột thừa.
Tôi nhanh chóng xuống lớp, tranh thủ nói rõ hoàn cảnh khó khăn của em, vận động học sinh quyên góp giúp bạn và bản thân cũng đóng góp một ít.
Sau buổi học, cô trò vội vàng vào viện thăm Phương. Sau khi nghe tôi nói về nhã ý giúp đỡ của các bạn, bất chợt cả Phương và mẹ em đều bật khóc...
Tôi nhìn quanh, các học sinh khác cũng nước mắt rưng rưng. Hơn lúc nào hết, có lẽ giờ đây cả cô trò đều thấm thía hai chữ tình người. Những ngày sau đó, tôi không hề thấy em đi học trễ nữa...
Các bạn thân mến! Là một người làm nghề dạy học, biết bao buồn vui không thể nào nhớ hết!
Nhưng cái cao cả nhất, đẹp đẽ nhất là chúng ta nhận được tình người, vun đắp tình người cho mỗi con người đang chập chững bước vào cuộc sống.
Tôi muốn nói với các bạn một điều là học trò, dù như thế nào đi nữa, với tôi, với những “kỹ sư tâm hồn”, đó là những đứa trẻ rất dễ thương!