Vợ chồng tôi đau buồn lắm!
Có mặt tại “vựa rau” xã Tượng Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh), chúng tôi chứng kiến nhiều cánh đồng rau ngập úng trong biển nước. Ông Đinh Dũng (thôn Sâm Lộc, xã Tượng Sơn, Thạch Hà) chia sẻ: “2 luống rau của gia đình mới bắt đầu cho thu hoạch. Vợ chồng tôi chưa kịp hái thì đã bị ngập úng. Dưa chuột chỉ cần ngâm nước 4 tiếng đồng hồ, sau khi nước rút, nắng lên thì cây sẽ chết hết. Vậy là bao nhiêu công sức làm đất, xuống giống đều mất trắng. Ngoài ra, các cây trồng vụ hè thu đang cho thu hoạch nhưng giờ bị ngập úng thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Như cà dừa hiện nay đang kỳ sung sức, có thể cho thu hoạch từ 8 – 9 tháng nhưng nay mới thu hoạch được 4 tháng bị ngập thì gia đình sẽ thất thu lớn”.
Hiện tại, toàn xã Tượng Sơn có gần 20 ha rau các loại trên 3 vùng sản xuất tập trung tại các thôn: Thượng Phú, Sâm Lộc và Bắc Bình. Mưa lũ trong mấy ngày qua đã gây ngập úng toàn bộ diện tích rau tại thôn Sâm Lộc và thôn Thượng Phú.
Tại vựa rau của anh Nguyễn Văn Hợi (ở thôn Thượng Phú, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà), trận mưa lũ vừa qua, toàn bộ diện tích vườn trên 2.000 m2 trồng các loại rau màu đến kỳ thu hoạch bị ngập chìm trong nước.
“Toàn bộ diện tích rau màu đang đến giai đoạn thu hoạch. Bình quân mỗi ngày, thu hoạch từ các loại rau, củ khoảng 300.000 đồng. Đây là nguồn thu nhập chính để nuôi sống 5 thành viên trong gia đình. Mùa vụ năm nay, không may gặp trận lũ lịch sử xem như trắng tay. Vợ chồng tôi đau buồn lắm, nhưng rồi tự động viên, thiên tai thì cả “làng” bị thất bát chứ riêng gì gia đình mình” – anh Hợi tâm sự.
Xã Tượng Sơn có 300 hộ sản xuất rau, mang lại nguồn thu lớn, chiếm khoảng 1/3 tổng thu nhập của xã. Vụ đông 2020, Tượng Sơn đã triển khai sản xuất các loại rau, củ, quả trên tổng diện tích 65 ha. Tuy nhiên, đợt mưa lũ vừa qua, 100% diện tích rau màu của xã Tượng Sơn bị hư hỏng hoàn toàn do bị ngập sâu từ 1m đến 1,5m và ngập trong thời gian 4 - 5 ngày, thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng.
Ông Bùi Đức Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho biết, ngay sau khi nước lũ rút, chính quyền hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, việc khôi phục diện tích rau màu cần phải có thời gian. Đặc biệt là rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành về giống, phân bón…
Cam rụng kín vườn
Đang trong thời kỳ thu hoạch, nhưng mưa lũ đã làm hơn 3.000 tấn cam tại các vùng đặc sản bị thiệt hại nặng. Tại các huyện như: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc… mưa lũ khiến cam sắp thu hoạch bỗng rụng hàng loạt.
Huyện Vũ Quang có diện tích hơn 2.500 ha trồng cam. Đợt mưa lũ vừa qua, địa bàn ước tính có hàng chục tấn cam bị rụng. Tại các vườn cam tỷ lệ rụng 15 - 20% tổng số quả trên cây, thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang, tính đến ngày 25/10, trên địa bàn huyện có hơn 3.000 tấn cam bị rụng, tại các vườn cam tỷ lệ rụng khoảng 15 - 20% tổng số quả trên cây.
Còn tại vựa cam Thượng Lộc (huyện Can Lộc), trong những ngày qua người làm vườn cũng đứng ngồi không yên khi cam rụng hàng loạt dưới các gốc cây. Xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh có hơn 200 ha cam trong đó khoảng 150 ha đã cho thu hoạch, chủ yếu là cam chanh, cam giòn, cam đường… Năng suất cam trung bình đạt 11 - 14 tấn/ha, ước tính mỗi năm cho thu hoạch khoảng 23.000 tấn.
Gia đình chị Phượng có khoảng 350 gốc cam đang đến kỳ thu hoạch. Theo tính toán của chị Phượng, nếu thuận lợi, mùa cam này, cho sản lượng khoảng 10 tấn cam. Thế nhưng thời tiết bất lợi khiến vườn cam nhà chị đã rụng gần 2 tấn có giá trị khoảng 50 triệu đồng.
Trước tình cảnh cam rụng đồng loạt, nhiều hộ trồng cam buộc phải bán tống bán tháo để vớt vát được một phần chi phí. Ngồi hái những trái cam còn sót lại trên cây, chị Võ Thị Loan (thôn Anh Hùn, xã Thượng Lộc) cho hay: “Mùa vụ này gia đình tôi thiệt hại 10 tấn, tính ra mất trắng hơn 250 triệu đồng. Những năm trước, mỗi kg cam được bán với giá 50.000 – 60.000/kg, nhưng hiện nay chúng tôi phải bán vội với giá từ 10.000 – 30.000 đồng/kg. Với giá này thì không đủ tiền vốn chứ đừng nói lời lãi”.
Được biết, toàn huyện Can Lộc có 400 ha trồng cam. Sau đợt mưa lũ kéo dài, hơn 80% diện tích cam của địa phương đều bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 58 ha bị ảnh hưởng nặng, ước tính sản lượng thiệt hại hàng trăm tấn.
Theo đánh giá của ngành chức năng, ngoài nguyên nhân thời tiết, việc cam rụng cũng do người dân không thực hiện kỹ thuật tỉa quả, để số lượng quá lớn trên cây. Mật độ cây trồng quá dày, chưa thực hiện kỹ thuật cắt tỉa, dẫn đến thiếu ánh sáng, tạo độ ẩm cao, thuận lợi cho nguồn nấm gây rụng quả phát triển mạnh.