Giải cứu hàng nghìn tấn bưởi
Hàng nghìn ha bưởi Phúc Trạch của nông dân huyện Hương Khê mới bắt đầu vào mùa thu hoạch với trữ lượng hàng chục nghìn tấn bị nhấn chìm trong lũ, có nguy cơ bị ngập úng. Cực chẳng đã, các hộ dân phải tiến hành cắt sớm, chất lên thuyền, lên chòi và dùng thuyền bè đưa lên vị trí cao. Trước thiệt hại nặng nề của nông dân trồng bưởi đặc sản, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh… đã kêu gọi và tổ chức hàng trăm điểm bán bưởi để giải cứu nông sản cho người dân Hương Khê.
Không những các tổ chức đoàn thể của tỉnh vào cuộc mà khẩu hiệu “Giải cứu bưởi Phúc Trạch cho nhân dân Hương Khê” được nhà nhà, người người hưởng ứng. Bưởi không những được bán trong tỉnh mà còn chất lên đủ loại phương tiện đến các tỉnh khác, ra Thủ đô Hà Nội để đến các điểm bán thiện nguyện.
“Đặc biệt, để tiêu thụ bưởi bị ngập lụt giúp người dân vùng lũ, ngoài mở gian hàng bán trực tiếp, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh còn kêu gọi khách hàng thu mua qua các kênh trên mạng xã hội và bạn bè. Chúng tôi mong muốn góp được một phần nhỏ bé của mình giúp bà con khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống”, anh Lê Thành Đông, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh nói.
Sau khi có chủ trương, kế hoạch lập tức được triển khai, trong đó Tỉnh đoàn là đơn vị “đầu mối” trực tiếp đến tận những hộ dân trồng bưởi bị ngập lũ thu gom bưởi. Từ đêm 5/9 đến sáng 8/9, đã có trên 10 chuyến xe vận chuyển bưởi đến gian hàng mở tại một trung tâm thương mại ở Hà Tĩnh.
Ngoài gian hàng thanh niên của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Hà Tĩnh cũng mở một quầy bán bưởi Phúc Trạch giúp người dân trước cổng trường. “Mặc dù, quầy hàng mới mở bán bắt đầu từ ngày 6/9 nhưng đến nay đã tiêu thụ giúp người dân Hương Khê được hơn 4.000 quả bưởi. Đoàn trường sẽ tiếp tục bán bưởi giúp đỡ người dân trong khoảng 1 tuần” - anh Biện Văn Quyền, Bí thư Đoàn Trường Đại học Hà Tĩnh thông tin.
Ước tính trong 2 ngày, các lực lượng đã giải cứu được hàng nghìn tấn bưởi Phúc Trạch cho bà con. Theo bà con vùng bưởi, “do vừa bán vừa chạy lũ nên năm nay bưởi Phúc Trạch không được giá. Tuy nhiên, rất may có sự giúp đỡ của đông đảo người dân, các đoàn thể nên tháo gỡ được mùa bưởi tắc nghẽn trong lũ”.
Ngụp lặn gặt lúa mộng
Công an, đoàn viên giúp dân thu hoạch lúa sau lũ |
Tại huyện Can Lộc, lực lượng quân sự, dân quân tự vệ và 3 trường THPT trên địa bàn đã huy động hàng nghìn lượt người để giúp nông dân nhiều xã trong huyện thu hoạch lúa bị ngập. Các địa phương có diện tích lúa bị ngâm lũ nhiều nhất là thị trấn Nghèn, Xuân Lộc, Tiến Lộc, Kim Lộc, Vượng Lộc...
Ông Nguyễn Như Dũng, Bí thư Huyện ủy Can Lộc cho biết: “Do một số địa phương vùng trũng xuống giống muộn nên không thể gặt được trước bão số 4 và áp thấp nhiệt đới nên toàn huyện có gần 500 ha lúa bị thiệt hại nặng. Lúa bị ngâm trong nước gần 5 ngày, khi nước rút, nắng lên, lúa nẩy mầm hàng loạt. Không những thế, lúa được gặt về không thể phơi ủ lại hầu hết cũng nẩy mầm thành mạ. Chúng tôi tập trung mọi lực lượng về giúp nông dân chiến đấu với “giặc mầm” từng giờ từng phút”.
“Nếu không có các em học sinh Trường THPT Đồng Lộc về giúp thì không biết đến lúc nào nông dân 4 thôn Đồng Yên, Mỹ Yên, Bình Yên, Văn Thịnh mới gặt được lúa”, ông Thái Đăng Định, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc chia sẻ.