Ghi ở tâm lũ kinh hoàng Trí Nang

GD&TĐ - Trận lũ kinh hoàng đi qua, để lại một cảnh hoang tàn, đổ nát. Nhiều người dân ở bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) vẫn còn bàng hoàng. Bởi lẽ, thiên tai cướp đi người thân, tài sản của họ chỉ trong chốc lát. Những nỗi đau thương luôn hằn rõ trên khuôn mặt của người ở lại.

Nhiều người dân ở xã Trí Nang vẫn còn bàng hoàng sau cơn lũ.
Nhiều người dân ở xã Trí Nang vẫn còn bàng hoàng sau cơn lũ.

Bất lực nhìn vợ, con bị lũ cuốn trôi

Nửa đêm, trời đang mưa như trút nước bỗng từ trên đỉnh núi vọng xuống tiếng ầm ầm, nhiều người trong xóm nghèo ấy chưa ai định thần được điều gì đang xảy ra thì đất, đá cây côi trôi theo dòng nước đổ xuống.

Trong chốc lát, ba ngôi nhà của những người dân nghèo năm cạnh con suối Hin Pun bị dòng lũ cuốn phăng. Dưới chân dãy Hin Pun chỉ còn ngổn ngang đất đá, vài chiếc cột, kèo, quần áo… vẫn còn mắc lại ở vài bụi cây ven đường. Tất cả 7 con người trong ba ngôi nhà ấy đều gặp nạn. Trong đó, 4 người chết và mất tích, 3 người may mắn thoát chết nhưng cũng bị thương nặng.

Những nạn nhân bị thiệt mạng và mất tích trong cơn lũ, được xác định, gồm: Cụ bà Lê Thị Tặm, (85 tuổi), ông Vi Văn Thiên, (50 tuổi) là con trai của cụ Tặm, chị Hà Thị Biển (27 tuổi) là con dâu ông Thiên và bé gái Vi Thị Huyền Trân, (5 tuổi) là con gái của chị Biển. Ngoài ra, có 3 người bị thương, gồm: Chị Hà Thị Thúy (40 tuổi), anh Vi Văn Dũng, (28 tuổi) là chồng chị Biển và bà Lương Thị Hoa, (51 tuổi) là vợ ông Thiên, hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện.

Ngôi nhà của vợ chồng anh Vi Văn Dũng còn sót lại.
 Ngôi nhà của vợ chồng anh Vi Văn Dũng còn sót lại. 

Cố kìm nén nỗi mất mát quá lớn khi cùng một lúc mất đi 4 người thân trong gia đình, bao gồm: bà nội, bố đẻ, vợ và con, anh Vi Văn Dũng (28 tuổi), ở bản Hắc (là con trai nạn Vi Văn Thiên) bàng hoàng, kể:

“Lúc ấy đêm đã khuya lắm rồi. Thấy mưa lớn kéo dài mấy giờ đồng hồ không ngớt, tôi liền lấy đèn pin đi kiểm tra tình hình nhà cửa. Đang ở trên nhà bố mẹ (hai nhà sát nhau-pv) xuống nhà mình thì bỗng nhiên nghe tiếng “ầm, ầm…”. Chưa định hình được tiếng gì, theo phản xạ, tôi đang định chạy về xem vợ, con thế nào thì thấy một khối màu trắng tuôn từ trên núi xuống, nhà cửa bỗng nhiên xiêu vẹo. Tôi chỉ kịp huơ tay và bám vào một gốc cây ngay gần đó. Chỉ trong phút chốc, tất cả mọi thứ đã bị lũ cuốn đi. Cùng lúc đó, tôi nghe tiếng kêu của tôi vợ, con tôi từ trong nhà chạy ra. Chưa kịp hò la vợ, con tìm lối chạy thoát thân thì dòng nước lũ đã cuốn cả hai đi. Giá như vợ, con tôi không chạy ra theo thì có lẽ đang có cơ hội sống xót”.

Ông Hà Văn Đanh (62 tuổi) là bố đẻ chị Hà Thị Thúy – người bị thương trong trận lũ, hiện đang điều trị tại bệnh viện, kể lại: “Tối qua trời mưa như trút nước nên tôi không dám ngủ. Gần nửa đêm, bỗng nghe ầm ầm, ù ù như tiếng máy bay tầm thấp, nên tôi chạy ra ngoài xem có chuyện gì.

Khi tôi cầm đèn pin chạy ra đến đường cái thì không thấy ngôi nhà của con gái mình và hai ngôi nhà của gia đình ông Thiên và cô Miên đâu cả. Tiếng người dân kêu la, gào thét trong tiếng ầm ầm của dòng lũ. Một lúc sau, tôi nghe tiếng con gái kêu cứu ở phía một bụi cây, nên tôi hô hoán mọi người chạy lại cứu con mình. Số con gái tôi đang con may mắn, nêu không nó cũng đã bị lũ cuốn đi rồi”.

Sau lũ, tài sản của người dân bị hư hỏng nặng.
Sau lũ, tài sản của người dân bị hư hỏng nặng. 

Đang cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau trận lũ, bà Hà thị Miên (44 tuổi), ở bản Hắc cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn vì không hiểu vì sao ngôi nhà của mình chỉ sót lại mỗi nền đất. Khi được chúng tôi hỏi thăm, đôi mắt người đàn bà ấy thẫn thờ, đứng chỉ tay về phía ngôi nhà của mình mà mới hôm qua thôi bà đang còn ở. Bà Miên, bảo: “Hôm qua, con gái tôi ốm nên tôi gửi nhà cho bà con hàng xóm để đi thăm nó. Nửa đêm hôm qua, tôi nhận được điện thoại của hàng xóm báo cho biết, ngôi nhà của mình đã bị lũ cuốn. Sáng nay, tôi từ nhà con gái về thì không thấy ngôi nhà của mình đâu cả. Cũng may, hôm qua tôi đi thăm con gái chứ không có lẽ cũng bị lũ cuốn mất rồi”.

Được biết, gia đình bà Miên mới thoát nghèo vài năm nay, chồng mất sớm, con gái đi lấy chồng, một mình bà sống trong căn nhà mà nhờ có Nhà nước hỗ trợ mới xây dựng được. “Cách đây mấy năm, tôi được Nhà nước hỗ trợ cho hơn 23 triệu đồng để dựng căn nhà này. Bây giờ, lũ cuốn hết sạch rồi, một mình tôi không biết phải xoay sở thế nào để sống nữa”- giọng bà Miên nghẹn lại.

Ông Hà Văn Nghiêm - Phó Bí thư Đảng ủy xã Trí Nang, cho biết: “Bản Hắc có 74 hộ với gần 300 nhân khẩu. Xung quanh con suối Hin Pun, có 8 hộ thì đã có 3 hộ bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa và tài sản. Hai người chết tại chỗ đã được gia đình, dòng họ và chính quyền tổ chức mai táng, còn hai mẹ con chị Biển vẫn đang mất tích. Hiên nay, lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm”.

Nỗ lực tìm người bị lũ cuốn trôi

Bà Hà Thị Miên nhặt nạnh những thứ con sót lại sau cơn lũ.
Bà Hà Thị Miên nhặt nạnh những thứ con sót lại sau cơn lũ. 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chánh Văn phòng UBND huyện Lang Chánh, cho biết: Trận lũ kinh hoàng xảy ra nửa đêm qua đã khiến cho địa phương này thiệt hại nặng nề về con người và tài sản. Ngay sau khi cơn lũ đi qua, huyện đã huy động toàn bộ lực lượng của huyện, xã tập trung về bản Hắc để cứu giúp những người bị nạn, tổ chức tìm kiếm hai nạn nhân đang con mất tích. Đây là trận lũ kinh hoàng và gây thiệt hại về người cùng tài sản lớn nhất từ trước đến nay xảy ra ở khu vực bản Hắc của xã Trí Nang.

Cũng theo ông Sơn, ngay trong sáng (20/7), ông Phạm Đăng Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, các cơ quan chức năng cũng đã về hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả trận lũ, đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ những gia đình gặp nạn.

Trước mắt, để giúp những gia đình có người thân bị lũ cuốn trôi, UBND huyện đã hỗ trợ 3 hộ có nhà bị cuốn trôi, mỗi hộ 20 triệu đồng; thăm hỏi động viên gia đình có người bị chết, mất tích 5,4 triệu đồng/người, thăm hỏi người bị thương mỗi người 1 triệu đồng; Hội Chữ thập tỉnh Thanh Hóa cũng hỗ trợ mỗi người chết, mất tích 2,5 triệu đồng, Hội chữ thập đỏ huyện Lang Chánh hỗ trợ mỗi người chết, mất tích 01 triệu đồng, nhà bị cuốn trôi 01 triệu đồng..Tổng kinh phí đã hỗ trợ cho các gia đình gặp nạn là hơn 110 triệu đồng.

“Đến chiều nay (20.7), hàng trăm người vẫn đang tiếp tục tham gia tìm kiếm hai nạn nhân đang còn mất tích trong trận lũ dữ. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng đưa thiết bị, máy móc và con người lên bản Hắc giúp người dân khắc phục hậu quả sau lũ để thông tuyến tỉnh lộ 530 đi xã biên giới Yên Khương”- ông Sơn cho hay.

Gia tài của người dân bị lũ cuốn.
Gia tài của người dân bị lũ cuốn.

Theo báo cáo nhanh của huyện Lang Chánh, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ và hoàn lưu bão số 3, hiện nay nhiều tuyến giao thông trên địa bàn huyện đến trung tâm các xã, thị trấn và các thôn, bản bị chia cắt...

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Lang Chánh đã bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Huyện cũng đã phải di dời 45 hộ dân với 185 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhiều điểm cầu tràn bị xói lở, nước lũ cuốn trôi, gây chia cắt giao thông từ các bản: Xắng, Hằng, Khon, Yên Phong, Yên Lập ở xã biên giới Yên Khương.

Tỉnh lộ 530, 530B cũng bị sạt lở, ách tắc giao thông, hàng trăm ha lúa, ngô, đậu, lạc, rừng keo...bị hư hại. Ước tính thiệt hại ban đầu do mưa, bão gây ra cho huyện Lang Chánh khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ