Hà Tĩnh: Chuyến tàu hồi hương của hơn 800 hành khách đặc biệt

GD&TĐ - Rạng sáng 26/7, chuyến tàu SE14 chở hơn 800 hành khách người Hà Tĩnh đã về đến ga Yên Trung (huyện Đức Thọ) và ga Hương Phố (huyện Hương Khê).

Trên tàu có 814 hành khách là người dân Hà Tĩnh, trong đó có 81 trẻ em.
Trên tàu có 814 hành khách là người dân Hà Tĩnh, trong đó có 81 trẻ em.

Hạnh phúc và xúc động vỡ òa trên khuôn mặt của những hành khách khi tiếng còi tàu vang lên báo hiệu đã về đến quê nhà.

Chuyến hồi hương xúc động

Sau hơn 1 ngày khởi hành từ ga Sài Gòn, tàu SE14 đã về đến Hà Tĩnh. Đây là chuyến tàu đặc biệt đầu tiên được UBND tỉnh Hà Tĩnh thuê đón 814 công dân đang lao động, sinh sống tại TPHCM và phía Nam.

Các công dân được ưu tiên về trong dịp này là những người có bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật; phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ; người cao tuổi; người lao động bị thất nghiệp… tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Trong chuyến tàu này, còn khoảng 80 trẻ em cũng theo bố mẹ trở về.

4 giờ sáng, tàu SE14 đã về đến ga Hương Phố (huyện Hương Khê). Sau khi dừng trả 92 công dân quê ở 2 huyện Hương Khê và Vũ Quang (Hà Tĩnh), tàu SE14 tiếp tục chuyển bánh về ga Yên Trung (huyện Đức Thọ).

Đúng 5 giờ 19 phút, hơn 700 hành khách của 11 huyện, thị còn lại đã có mặt tại ga Yên Trung, kết thúc chuyến hành trình vượt hơn 1.000 km từ ga Sài Gòn về Hà Tĩnh. Dù di chuyển với quãng đường dài, nhưng những hành khách đều phấn chấn và xúc động khi đã về tới quê nhà.

Bế cô con gái nhỏ được gần 2 tuổi trên tay, chị Lê Thị Bảo Hà (SN 1990,  xã Sơn Bằng, H. Hương Sơn) không giấu nổi những giọt nước mắt. Vợ chồng chị Hà đang làm công nhân tại quận Thủ Đức (TPHCM). Đầu năm nay, 2 vợ chồng vừa đưa con nhỏ vào đây để vừa tiện chăm sóc vừa đi làm.

Thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đã 2 tháng nay vợ chồng chị Hà không có việc làm. Kinh tế khốn khó trong khi dịch bệnh bủa vây khiến vợ chồng chị luôn thấp thỏm, lo âu. Sau khi TPHCM áp dụng Chỉ thị 16 thì vợ chồng chị  không thể về quê nữa do tàu xe đã ngừng chạy. Chính vì vậy, lần trở về quê hương này với vợ chồng chị thật đặc biệt.

“Đã nhiều lần về quê nhưng chưa có chuyến hồi hương nào xúc động như vậy. Trong suốt quãng đường đi và về đến quê hương, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để chúng tôi được về nhà an toàn”, chị Hà chia sẻ.

Vừa kéo hành lý, bà Cao Thị Hương (xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn), bày tỏ: “Được lãnh đạo Hà Tĩnh và Hội đồng hương tạo điều kiện để cho về quê tránh dịch lúc này tôi rất mừng. Suốt chặng đường chỉ mong sao về đến quê thật nhanh. Dù về quê không có thu nhập, phải ở cách ly nhưng dù sao chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm hơn vì còn có gia đình bên cạnh”.

Sau khi được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, công dân của 13 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ được hướng dẫn di chuyển đến các điểm phương tiện đã chờ sẵn ở sân ga. Các chuyến xe tuần tự rời bến để đến các điểm cách ly tập trung, những nơi đó cũng đã sẵn sàng đón con em trở về. 

Siết chặt công tác phòng chống dịch ngay từ nhà ga

Tờ mờ sáng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 Hà Tĩnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương đã có mặt tại ga Yên Trung để chỉ đạo công tác đón đoàn.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng phối hợp đồng thuận theo quy trình đón công dân xuống tàu, không để xảy ra tình trạng lộn xộn tại khu vực ga; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ hướng dẫn phòng dịch của ngành Y tế.

Theo đó, mỗi địa phương được bố trí một toa riêng, nhân viên nhà ga sẽ mở cửa lần lượt từng toa tàu. Hành khách trên toa đã xuống hết và bố trí xe đưa đón mới mở lần lượt các toa tiếp theo.

Tại các nhà ga, lực lượng chức năng tiến hành phân luồng, đo thân nhiệt, rà soát danh sách và phun khử khuẩn hành lý cho các hành khách. Hoàn thành xong mọi thủ tục, người dân sẽ ra xe ô tô của địa phương đợi sẵn để đi cách ly tập trung.

“Trên mỗi chuyến xe, chúng tôi sắp xếp chỗ ngồi không quá 50% số ghế quy định. Tất cả công dân được yêu cầu đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trong quá trình về khu cách ly tập trung. Công dân về địa điểm cách ly tập trung phải lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Sau khi hoàn thành cách ly 14 ngày, họ tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú thêm 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm nCoV bốn lần”, ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho biết.

Tại huyện Đức Thọ, có hơn 90 công dân thuộc diện ưu tiên được về trong đợt 1. Trong sáng 26/7, huyện đã bố trí xe đưa đón công dân về cách ly tập trung tại 3 địa điểm ở thị trấn Đức Thọ, xã An Dũng và xã Bùi La Nhân.

“Đến nay, tại các khu cách ly tập trung, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đón bà con trở về. Qua rà soát, huyện Đức Thọ có 600 công dân làm ăn tại TPHCM và các tỉnh phía Nam đăng ký về quê. Chúng tôi cũng đã bố trí, sẵn sàng trưng dụng các trạm y tế, trường học để làm khu cách ly nếu số lượng người về trong những ngày tới lớn”, ông Nghiêm Sỹ Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ thông tin.

Theo thống kê của Sở LĐ,TB&XH, Hà Tĩnh hiện có hơn 191.000 người đang lao động tại các tỉnh, trong đó 70% là lao động tại phía Nam. TPHCM là địa phương có số lao động đông nhất với hơn 29.500 người; Bình Dương khoảng 20.000 người và Đồng Nai hơn 10.000 người.

Hiện, tổ công tác của Hà Tĩnh đang thiết lập chuyến tàu thứ 2 để đưa đón người lao động Hà Tĩnh tại phía Nam về quê trong thời gian sớm nhất.

Ngay sau khi tàu SE14 chở 814 công dân trở về an toàn, tàu tiếp tục đảo ngược đầu máy, chở 31 cán bộ, y bác sĩ tình nguyện Hà Tĩnh tham gia chi viện cho tỉnh Bình Dương chống dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.