Hà Nội triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới đồng bộ và hiệu quả

GD&TĐ - Năm đầu triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 10, các trường THPT tại Hà Nội đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu để thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Học sinh hào hứng với những giờ học của chương trình GDPT mới.
Học sinh hào hứng với những giờ học của chương trình GDPT mới.

Ưu điểm của chương trình mới

Cô Bùi Thị Thanh Hoa, giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Dù có chút bỡ ngỡ ban đầu, nhưng sau một thời gian, giáo viên và học sinh đều nhận thấy chương trình mới có nhiều ưu điểm. SGK khắc phục được tình trạng quá tải, có cập nhật kiến thức mới, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học, kỹ thuật hiện nay.

Cụ thể, với môn Hóa học, SGK đã tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống, có nhiều câu hỏi kết nối kiến thức với cuộc sống mà SGK cũ không làm được. Hoặc như quy định hệ thống danh pháp ở môn Hóa học đọc bằng tiếng Anh hoàn toàn phù hợp với xu thế thời đại, hòa nhập với quốc tế.

Cô Vũ Ngọc Tình- giáo viên Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa) chia sẻ: Chương trình GDPT mới đã đem đến cho giáo viên cách tiếp cận mới, đáp ứng yêu cầu dạy học theo hướng phát triển năng lực. Đối với học sinh, khi được tham gia các tiết học theo Chương trình GDPT mới, các em rất hào hứng, chủ động, ai cũng mong muốn được phát biểu, phản biện, nói lên quan điểm của mình.

Dạy theo chương trình mới, thầy cô đang thiết kế bài học theo các hoạt động và tổ chức cho học sinh làm việc nhóm. Sau hơn 1 học kỳ giảng dạy, học sinh khối 10 tự tin và chủ động hơn. Cô Hoa cho rằng, sau 3 năm học Chương trình GDPT 2018, HS sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực tốt hơn so với Chương trình GDPT 2006.

Còn thầy Nguyễn Văn Hoàng, giáo viên Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ) nhận định: Chương trình mới có một số điểm tích cực so với chương trình cũ. Trước đây, giáo viên là người truyền thụ kiến thức, chủ yếu theo phương pháp giảng. Còn với chương trình mới, học sinh tự nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức, cùng trao đổi để giải quyết vấn đề, giáo viên là người định hướng, dẫn dắt.

Sách giáo khoa cũng thay đổi tích cực, có nhiều bài tập vận dụng thực tế giúp học sinh phát huy sự tìm tòi, khám phá sâu từng vấn đề. Khi hiểu kiến thức mình học được sử dụng để làm gì, học sinh thấy việc học có ý nghĩa hơn.

Thầy Nguyễn Văn Hoàng cho biết, bước đầu chuyển sang giảng dạy theo phương pháp mới, cả thầy và trò đều bỡ ngỡ, học sinh chưa tiếp cận được ngay. Nhưng sau một thời gian, học sinh đã hiểu hơn và phối hợp tốt hơn với giáo viên trong các giờ học, từ đó việc học đạt hiệu quả cao hơn.

Học sinh được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.

Học sinh được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.

Chia sẻ kinh nghiệm cùng phát triển

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến hết học kỳ I năm học 2022-2023, quy mô giáo dục cấp THPT của thành phố tiếp tục tăng về số lượng trường, lớp và học sinh. Đến nay, toàn Thành phố có 236 trường THPT, trong đó, có 118 trường công lập. Tổng số học sinh cấp THPT của Hà Nội hiện là 262.308 học sinh, tăng 4.802 học sinh so với cùng kỳ năm học trước.

Đáng chú ý, trong học kỳ 1 vừa qua, các nhà trường đều đã được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học bảo đảm đồng bộ, hiện đại và theo các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Toàn thành phố có tổng số 6.847 phòng học, tăng 2.013 phòng học so với cùng kỳ năm học trước.

Trong tổng số phòng học hiện có, có hơn 2.100 phòng học đã được trang bị thiết bị đa phương tiện; hơn 2.300 phòng học được kết nối mạng Internet… Việc tăng nhanh số phòng học với trang thiết bị hiện đại đã giúp các nhà trường bảo đảm sĩ số học sinh/lớp theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng dạy, học.

Thực hiện hướng dẫn của Sở GD&ĐT, các nhà trường đã chủ động xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến tới học sinh và cha mẹ học sinh dự kiến các tổ hợp môn học trong phương án tuyển sinh. Công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc thực hiện chương trình GDPT mới cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Điểm nhấn của ngành GD&ĐT Thủ đô thời gian qua trong tiến trình thực hiện Chương trình GDPT mới, đó là ngành đã triển khai kế hoạch “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025.

Hiện nay đã có 25/96 đơn vị trong danh sách đăng ký đã kết nối cùng xây dựng kế hoạch giao lưu, hỗ trợ; thống nhất nội dung và dự kiến sẽ triển khai thực hiện kế hoạch trong thời gian tới.

Ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định: Nhìn chung, trong học kỳ đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 10, các nhà trường đã khắc phục khó khăn để đáp ứng tốt nhất mục tiêu hướng nghiệp của chương trình mới và nhu cầu học tập của học sinh. Việc tổ chức dạy học về cơ bản đã được các nhà trường thực hiện tốt.

Trong học kỳ 2 năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các nhà trường phát huy, sử dụng hiệu quả các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có. Đồng thời, tiếp tục xác định việc tổ chức học theo chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10 là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của năm học 2022-2023 cấp THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.