Hà Nội, TPHCM phát triển giao thông thông minh: Xu thế tất yếu

GD&TĐ - Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, thị trường giao thông thông minh trên thế giới cực kỳ tiềm năng.

Triều cường dâng cao gây ngập đô thị là vấn đề đau đầu cho các cấp quản lý hiện nay.
Triều cường dâng cao gây ngập đô thị là vấn đề đau đầu cho các cấp quản lý hiện nay.

Phát triển giải pháp công nghệ giao thông thông minh dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… là những vấn đề quan trọng được các chuyên gia góp ý tại Tọa đàm “Xu hướng giao thông thông minh, cách tiếp cận thúc đẩy giao thông bền vững” diễn ra tại TPHCM, ngày 15/5.

Tiềm năng lớn

TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức nhận định, ở nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, hạ tầng giao thông công cộng phát triển không kịp, gây khó khăn về ùn tắc giao thông, tai nạn, ô nhiễm môi trường và an ninh năng lượng. Đồng thời, các hiện tượng biến đổi khí hậu như mưa lớn, triều cường dâng cao gây ngập đô thị càng làm trầm trọng hơn các vấn nạn.

Để giải quyết căn cơ các thách thức, song song với tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện giao thông công cộng, các thành phố đang đứng trước một cơ hội rất lớn trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề hướng tới giao thông bền vững và bảo vệ môi trường.

“Cuộc cách mạng công nghệ trong điện khí hóa phương tiện, tự động hóa điều khiển phương tiện, phương tiện kết nối vạn vật và chia sẻ phương tiện đang làm thay đổi toàn diện và sâu sắc các hoạt động giao thông vận tải trên khắp thế giới và tại Việt Nam – đó là xu hướng Smart Mobility (giao thông thông minh)”, ông Viên nói.

Theo ông Viên, Smart Mobility tập trung vào các giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi năng lượng để thúc đẩy các hệ thống giao thông xanh, bền vững và thông minh.

Điều này đòi hỏi công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, hạ tầng giao thông và các hạ tầng liên quan (như năng lượng và hạ tầng số) cũng phải thay đổi để tạo điều kiện nền tảng phát triển giao thông thông minh.

“Xu hướng này cũng yêu cầu phải đào tạo ra các thế hệ kỹ sư giao thông có kiến thức và kỹ năng đa lĩnh vực công nghệ để làm việc cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các tổ chức có liên quan đến giao thông vận tải, logistics”, ông Viên khẳng định.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (VGTRC) cho hay, thị trường giao thông thông minh trên thế giới cực kỳ tiềm năng. Theo đó, từ 2010 đến nay, trên thế giới đã có khoảng 220 tỷ USD được đầu tư vào 1.100 công ty với 10 nhóm công nghệ.

Riêng đầu tư vào giao thông thông minh đã tăng từ 34 tỷ USD (2019) lên 70 tỷ USD (2027). Đặc biệt, doanh thu thị trường sản phẩm giao thông thông minh dự báo tăng từ 700 tỷ USD (2022) lên 1.388 tỷ USD (2026) (tốc độ tăng trưởng ~19%/năm). Tại Việt Nam, dự báo từ nay đến năm 2030 sẽ có khoảng 30% lượng xe điện được bán ra và tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

“Để giải quyết những thách thức trong sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giao thông công cộng chậm phát triển, các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đứng trước cơ hội rất lớn trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề hướng tới giao thông bền vững và bảo vệ môi trường. Đó là phát triển giao thông thông minh”, ông Tuấn nói.

Các chuyên gia tại buổi Tọa đàm 'Xu hướng giao thông thông minh, cách tiếp cận thúc đẩy giao thông bền vững'.

Các chuyên gia tại buổi Tọa đàm 'Xu hướng giao thông thông minh, cách tiếp cận thúc đẩy giao thông bền vững'.

Còn nhiều băn khoăn

Bên cạnh tiềm năng và cơ hội để phát triển của giao thông thông minh, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (VGTRC) đặt vấn đề: Việc ứng dụng rộng rãi và được xã hội chấp nhận các giải pháp giao thông thông minh không chỉ phụ thuộc vào sự hoàn chỉnh của giải pháp, mà còn phụ thuộc vào sự sẵn sàng của khung pháp lý và quy hoạch đô thị (vùng) có phù hợp và hỗ trợ giải pháp giao thông thông minh hay không.

Ông Võ Quang Huệ, nhà sáng lập và CEO Công ty tư vấn VOCIS, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vingroup phụ trách đề án VinFast và nguyên CEO Công ty Bosch Việt Nam cho hay, vấn đề đầu tiên là pháp luật. Pháp luật phải tạo điều kiện thúc đẩy phát triển giao thông thông minh. Kế đến, các cơ quan công quyền cũng có vai trò quan trọng không kém.

“Nói thật, tôi khá phân vân khi đọc thông tin là đến năm nay TPHCM vẫn đặt xe buýt, nhưng không phải xe buýt điện. Tôi nghĩ chúng ta phải mạnh mẽ, tham gia tích cực để không bỏ lỡ cơ hội phát triển giao thông thông minh”, ông Huệ nói.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng chỉ ra một yếu tố cũng không kém phần quan trọng là ý thức người dân. “Người dân không tự bảo vệ thành phố thì ai sẽ đứng ra bảo vệ? TPHCM và Hà Nội là 2 trong những thành phố bị ô nhiễm nhất thế giới, thế nên hướng đến phát triển giao thông thông minh là rất cấp thiết”, ông Huệ nói thêm.

Ông Richard Liu, Giám đốc Partner Ecosystem Development & MKT cho hay, trong năm 2024 trên thế giới có 10 xu hướng mạng lưới trạm sạc thông minh. Đây cũng là kinh nghiệm để Việt Nam học hỏi và cũng là bước tiến để biến ước mơ công nghệ sạc nhanh trở thành hiện thực ở các đô thị và trên toàn quốc.

Theo ông Richard Liu, hạ tầng trạm sạc phát triển chính là điều kiện nền tảng thúc đẩy sở hữu và sử dụng phương tiện điện hướng tới mục tiêu đến 2040 toàn bộ phương tiện cơ giới ở Việt Nam là phương tiện điện.

“Mạng lưới hạ tầng trạm sạc thông minh cũng là cơ sở nền móng cho phát triển giao thông thông minh, sử dụng năng lượng hiệu quả”, ông Richard Liu khẳng định.

“Người dân không tự bảo vệ thành phố thì ai sẽ đứng ra bảo vệ? TPHCM và Hà Nội là 2 trong những thành phố bị ô nhiễm nhất thế giới, thế nên hướng đến phát triển giao thông thông minh là rất cấp thiết”. Ông Võ Quang Huệ, nhà sáng lập và CEO Công ty tư vấn VOCIS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vinh danh nghệ sĩ tiêu biểu năm 2024

Vinh danh nghệ sĩ tiêu biểu năm 2024

GD&TĐ - Chương trình giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2024 sẽ diễn ra tối 11/1.