Hà Nội thiếu không gian nghệ thuật công cộng xứng tầm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Hà Nội dù có khá nhiều không gian công cộng, nhưng không gian nghệ thuật công cộng lại không nhiều.

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn thuyết minh về nội dung trưng bày tại dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn thuyết minh về nội dung trưng bày tại dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.

Trong khi Hà Nội vẫn thiếu các không gian nghệ thuật công cộng có tính thẩm mỹ cao, thì ngay cả những không gian đang có lại phải đối mặt với nguy cơ xuống cấp.

Tọa đàm “Không gian công cộng - Kết nối truyền thống với tinh thần đương đại” vừa diễn ra tại Hà Nội, thu hút đông đảo giới chuyên gia và nghệ sĩ tham gia. Các đề xuất, giải pháp được đưa ra nhằm nâng tầm không gian nghệ thuật công cộng và hiện thực cam kết - khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo.

Nghệ thuật thay đổi bộ mặt đô thị

Theo PGS.TS Phạm Quỳnh Phương (Đại học Quốc gia Hà Nội), không gian công cộng có vai trò đặc biệt quan trọng với đời sống văn hóa. Đặc biệt, với những đô thị ngột ngạt, không gian nghệ thuật công cộng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tinh thần. Vì vậy, cần kiến tạo những không gian này để trở thành những không gian văn hóa xứng tầm.

Người Hà Nội biết đến phố bích họa Phùng Hưng, hay không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân với thông điệp rõ ràng “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Trước khi trở thành những không gian nghệ thuật, những nơi này vô cùng nhếch nhác, là nỗi ám ảnh một thời với người dân Thủ đô.

Đoạn phố Phùng Hưng từng nổi cộm mùi hôi thối, ẩm mốc vì vệ sinh công cộng, ô nhiễm môi trường, hàng quán lấn chiếm vỉa hè... Còn Phúc Tân là khu tập kết rác thải nhiều năm. Thế nhưng, khi mới hình thành thì ngay lập tức phố bích họa Phùng Hưng, hay không gian nghệ thuật Phúc Tân được công chúng hào hứng đón nhận.

Những người dân quanh khu vực hồ hởi, bởi những đoạn đường trước kia phải bịt mũi chạy thật nhanh thì nay được thong thả ngắm nhìn, trở thành nơi giao lưu của tổ dân phố. Được sáng tạo bởi những nghệ sĩ vì tình yêu Hà Nội, nên những không gian giàu tính nghệ thuật này đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, tăng tính thẩm mỹ và giáo dục ý thức bảo vệ cái đẹp.

Hà Nội dù có khá nhiều không gian công cộng, nhưng không gian nghệ thuật công cộng lại không nhiều. Thời kỳ Pháp thuộc, giai đoạn chiến tranh và hòa bình lập lại, đều có những bức phù điêu và tượng đài trong lòng thành phố. Mỗi giai đoạn chuyển mình của Thủ đô, tượng đài, phù điêu được sáng tác với các nội dung phong phú.

Nhiều tượng đài mang tính lịch sử - như tượng đài Lý Thái Tổ trong không gian hướng ra hồ Hoàn Kiếm, trở thành một trong những biểu tượng đẹp của Hà Nội. Tượng đài vua Lê Thái Tổ, Thánh Gióng, vua Quang Trung đều là sự kế thừa của nghệ thuật tượng đài, tạo nên những góc nhìn đa chiều.

Tuy nhiên, với sự mở rộng về diện tích, phát triển của các khu đô thị mới và gia tăng nhanh chóng về dân số, Hà Nội dần trở nên thiếu các không gian nghệ thuật công cộng xứng tầm, phù hợp và làm đẹp môi trường cảnh quan.

Nhiều tác phẩm ở phố bích họa Phùng Hưng biến mất, chỉ còn bảng giới thiệu.

Nhiều tác phẩm ở phố bích họa Phùng Hưng biến mất, chỉ còn bảng giới thiệu.

Cần quy hoạch cụ thể

Theo nhận định của giới nghiên cứu, hiện đang là kỷ nguyên của nghệ thuật công cộng. Nhưng để phát triển đòi hỏi sự kết nối “ba bên”: Chính quyền - nghệ sĩ và người dân. Chính quyền xây dựng cơ chế, quyết định những không gian thích hợp. Nghệ sĩ bảo đảm lựa chọn tác phẩm đẹp, phù hợp không gian và nhu cầu thẩm mỹ. Người dân thưởng thức, có ý thức bảo vệ giữ gìn không gian chung.

Để khắc phục các hạn chế, tại tọa đàm “Không gian công cộng - Kết nối truyền thống với tinh thần đương đại”, giới chuyên gia và nhà quản lý đã chia sẻ nhiều vấn đề tại các không gian công cộng, cũng như cơ hội tạo nên đô thị có tính cộng đồng và sáng tạo từ nghệ thuật công cộng và không gian công cộng.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - giám tuyển hai dự án bích họa Phùng Hưng và dự án nghệ thuật Phúc Tân thẳng thắn rằng, bản thân dự án này không được gọi là nghệ thuật công cộng - mà chỉ là cải tạo cảnh quan. Chính vì vậy, khái niệm về nghệ thuật công cộng hay không gian công cộng chưa chính danh.

Bởi vậy, điều cần lưu ý khi thực hiện dự án nghệ thuật trong không gian công cộng phải mang tính bền vững nếu không tính đến ngắn hạn, nhằm hạn chế thấp nhất sự xuống cấp do thời tiết và con người.

Gần đây, phố bích họa Phùng Hưng bị xuống cấp, thậm chí bị chiếm dụng. Các tác phẩm nghệ thuật, nhiều ô mái vòm chỉ còn trơ lại tường, có những đoạn nhếch nhác, vướng bãi xe, ghế đá chỏng chơ.

Tác phẩm của các nghệ sĩ Lee Seung Hyun, Oh Ye Seul và Choi Lak Won, Triệu Minh Hải... đã biến mất, chỉ còn bảng giới thiệu. Tác phẩm của Trần Hậu Yên Thế và Lê Đăng Ninh bị mất cả một góc lớn. Một số tác phẩm bị du khách thiếu ý thức gạch xóa, xâm hại...

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở không gian nghệ thuật Phúc Tân. Tuy nhiên đó là một lẽ tất yếu, bởi những tác phẩm này không thể đóng khung như trong bảo tàng, mà phải hòa chung với hơi thở của cộng đồng. Điều đó chứng minh dự án nghệ thuật công cộng thường chỉ giữ được nguyên vẹn giá trị trong một thời gian ngắn, đòi hỏi sự đổi mới liên tục.

Ông Emmanuel Cerise - Kiến trúc sư, nhà quy hoạch người Pháp làm việc tại Hà Nội hơn 10 năm, đồng thời là Giám đốc của cơ quan về hỗ trợ hợp tác quốc tế của vùng Paris tại Việt Nam nhận định: Cơ hội cho việc hình thành các không gian nghệ thuật công cộng trong thời gian tới của Hà Nội - khi các ga tàu điện ngầm sẽ được xây dựng và cải tạo các vườn hoa.

Vườn hoa Diên Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng đang được cơ quan này hỗ trợ, tạo ra một không gian sáng tạo, kết nối các yếu tố truyền thống khi cải tạo lại. Ông nhấn mạnh, các không gian công cộng không đơn thuần là nơi phục vụ cộng đồng, tiện nghi đô thị mà mở ra khả năng sáng tạo cho cộng đồng.

Bởi vậy, muốn có các không gian nghệ thuật công cộng xứng tầm, đòi hỏi các cấp chính quyền đô thị Hà Nội cần lồng ghép quy hoạch thiết kế nghệ thuật vào trong các đồ án quy hoạch phân khu và thiết kế đô thị. Đồng thời, xây dựng mạng lưới trung tâm sáng tạo để đầu tư, quản lý, khai thác và vận hành hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.