Hà Nội tăng cường nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia

GD&TĐ - Chiều 29/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức lễ trao bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2022.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trao bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2022 cho các đơn vị.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trao bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2022 cho các đơn vị.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm 2022, chỉ tiêu thành phố giao xây dựng để công nhận mới thêm 95 trường chuẩn quốc gia, trong đó có 31 trường mầm non, 29 trường tiểu học, 28 trường THCS, 7 trường THPT. Các quận, huyện, thị xã đăng ký thực hiện công nhận lại cho 168 trường.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở đã công nhận 142 trường chuẩn quốc gia, trong đó có 66 trường mầm non, 30 trường tiểu học , 42 trường THCS, 4 trường THPT. Đã công nhận lại 130 trường chuẩn quốc gia, trong đó có 51 trường mầm non (1 trường ngoài công lập), 35 trường tiểu học (1 trường ngoài công lập), 42 trường THCS và 2 trường THPT.

Hiện nay, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 58,7%, trong đó khối công lập là 72,3%. Ở cấp mầm non đạt tỉ lệ 50,4% (công lập 71,3%). Ở cấp tiểu học đạt tỉ lệ 64,0% (công lập 67,9%). Ở cấp THCS đạt tỉ lệ 75,2% (công lập 80,0%). Ở cấp THPT đạt tỉ lệ 36,3% (công lập 66,1%).

Các đơn vị làm tốt công tác công nhận trường chuẩn quốc gia vượt chỉ tiêu gồm: Ba Vì 14/7, Bắc Từ Liêm 7/2, Hà Đông 6/4, Mỹ Đức 6/4, Mê Linh 4/2, Phú Xuyên 11/5; Thường Tín 11/2... Các đơn vị làm tốt công tác công nhận lại là: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nhìn nhận một số nguyên nhân, khó khăn vướng mắc: Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp đảm bảo đạt chuẩn của các quận nội thành gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất xây trường mới, thiếu quỹ đất để mở rộng trường đảm bảo diện tích đạt chuẩn.

Việc đầu tư các nguồn lực để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia còn chậm so với kế hoạch. Việc bổ sung, điều chỉnh các dự án xây dựng, cải tạo sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu quy định mới ban hành còn khó khăn. Chương trình GDPT 2018 đang cần nguồn đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, giáo viên... của các quận, huyện, thị xã và thành phố.

Theo kế hoạch, năm 2023, Hà Nội giao chỉ tiêu xây dựng 130 trường chuẩn quốc gia, gồm 46 trường mầm non, 53 trường tiểu học, 28 trường THCS và 3 trường THPT. Theo báo cáo rà soát của các quận, huyện, thị xã đến tháng 2/2023, các đơn vị đăng ký xây dựng tăng 43 trường so với chỉ tiêu, nâng tổng số trường trong kế hoạch xây dựng công nhận mới trong năm 2023 là 173 trường.

Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đối với chất lượng giáo dục của Thủ đô và biểu dương các đơn vị làm tốt nội dung này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy, học đồng bộ, hiện đại.

Đồng thời, các đơn vị cần thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố; đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng các trường đã được phê duyệt và các trường đã được ghi vốn trong kế hoạch.

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia ở mức 80-85%.

Để thực hiện mục tiêu trên, việc xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia được cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, kiên trì triển khai, nhằm đem đến các điều kiện dạy - học đạt chuẩn, tạo ra “sản phẩm” đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ