Công nhận trường đạt chuẩn quốc gia không mang tính phân biệt vùng miền

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Lào Cai đề nghị nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ GV trình độ trên chuẩn phù hợp với đặc thù vùng cao trong công nhận trường chuẩn QG.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Với các trường đề nghị kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (theo Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT), quy định trường tiểu học có 40% giáo viên phải đạt trình độ trên chuẩn là cao, rất khó khăn đối với miền núi, vùng cao.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Đối với các trường đề nghị công nhận đạt chuẩn quốc gia, theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, các trường tiểu học được đánh giá và công nhận đạt chuẩn quốc gia theo 4 cấp độ với các tiêu chí cụ thể tương ứng.

Việc công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các trường tiểu học trên cả nước nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện bảo đảm cho nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Do vậy không có sự phân biệt vùng miền và không mang tính thi đua.

Đối với việc điều chỉnh tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn cho phù hợp với đặc thù giáo dục vùng cao, Bộ GD&ĐT cho biết: Mức chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên cấp tiểu học được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 74 của Luật Giáo dục năm là “có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học” - cao hơn so với quy định của Luật Giáo dục trước đó.

Ngày 20/10/2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 29/2021/TT-BGDĐT quy định ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo tại một số Thông tư do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành. Trong đó, tại khoản 6 Điều 1 quy định: “Ngưng hiệu lực quy định đạt chuẩn trình độ đào tạo tại điểm b khoản 2 Điều 8, quy định đạt trên chuẩn trình độ đào tạo tại điểm a khoản 2 Điều 13 và điểm a khoản 2 Điều 18 Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.”

Tiếp thu ý kiến cử tri, trong thời gian tới, khi ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến các đơn vị hữu quan theo hướng phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là phù hợp với đặc thù giáo dục vùng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.