Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển hệ thống trường chất lượng cao

GD&TĐ - Trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển hệ thống trường chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu người học và xã hội về một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, tiếp cận với chuẩn khu vực và quốc tế. Phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020, thành phố sẽ đầu tư xây dựng thêm được 20 trường công lập chất lượng cao.

Phát triển hệ thống trường chất lượng cao là nhu cầu tất yếu tại một đô thị lớn như Hà Nội
Phát triển hệ thống trường chất lượng cao là nhu cầu tất yếu tại một đô thị lớn như Hà Nội

Hà Nội vẫn đang có cơ chế đầu tư cho các trường chất lượng cao

Trước thông tin các trường chất lượng cao của Hà Nội sẽ bị xóa cơ chế đầu tư, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - khẳng định: Chủ tịch UBND thành phố không xóa cơ chế đầu tư trường chất lượng cao mà đòi hỏi nâng cao hơn tiêu chí trường chất lượng cao để tương xứng với mức đầu tư, tăng cường hơn nữa hội nhập quốc tế trong lĩnh vực GD-ĐT.

Hiện nay, toàn thành phố có 15 trường chất lượng cao (trong đó có 10 trường công lập, 5 trường ngoài công lập). Theo quy định tại Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 06/12/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND về cơ chế tài chính trường chất lượng cao: Cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao (trừ đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên) được Nhà nước cấp kinh phí trong 3 năm (36 tháng) kể từ khi được công nhận theo lộ trình giảm dần:

Năm thứ nhất cấp kinh phí chi thường xuyên theo định mức ngân sách như các cơ sở giáo dục công lập cùng cấp học giảng dạy theo chương trình giáo dục đại trà.

Năm thứ hai, năm thứ ba cấp kinh phí chi tiền lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, phụ cấp ưu đãi nghề và các khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn (theo quy định của pháp luật) theo mức lương cơ sở hiện hành cho số biên chế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Kết thúc 3 năm, các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tự bảo đảm chi thường xuyên.

Trong 10 trường công lập chất lượng cao, hiện nay có Trường THPT Phan Huy Chú là đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; 9 trường công lập còn lại vẫn đang trong giai đoạn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ (theo quy định tại Nghị quyết 14/2016/NQ-HĐND).

Hà Nội luôn mong muốn đầu tư cho thế hệ tương lại
 Hà Nội luôn mong muốn đầu tư cho thế hệ tương lại

Theo quy định tại Nghị quyết 14: “Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu theo tiêu chí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao (trừ đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên) được Ngân sách cấp kinh phí trong 3 năm (36 tháng) kể từ khi được công nhận theo lộ trình giảm dần, kết thúc 3 năm (36 tháng) đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên. Cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao có trách nhiệm quản lý các nguồn kinh phí đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai minh bạch, chịu sự quản lý của Nhà nước, sự giám sát của phụ huynh học sinh và xã hội, đảm bảo tương xứng giữa chất lượng giáo dục với học phí do người học đóng góp và nguồn tài chính được đầu tư, sử dụng”.

“Vì vậy, hiện nay thành phố vẫn đang có cơ chế đầu tư cho các trường chất lượng cao. Các trường chất lượng cao vẫn đang được sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Tôi xin nhắc lại là, thành phố không có chủ trương xóa cơ chế đầu tư trường chất lượng cao” – ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Yếu tố thành công nhất là chất lượng giáo dục

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, yếu tố thành công nhất của mô hình trường chất lượng cao là chất lượng giáo dục. Mô hình chất lượng cao là bước đột phá về chất lượng giáo dục, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Bên cạnh đó, các tiêu chí theo Quyết định 20/2013/QĐ-UBND; Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND cần phải điều chỉnh bổ sung phù hợp với tình hình mới, nhất là trong giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, giai đoạn hội nhập quốc tế. Các trường chất lượng cao phải thực hiện hội nhập sâu rộng với giáo dục khu vực và quốc tế, bằng cấp của trường chất lượng cao tiến tới được các nước khu vực và quốc tế công nhận.

Ông Nguyễn Hữu Độ chia sẻ: Thực hiện Luật Thủ đô, Hà Nội đã phát triển mô hình trường chất lượng cao. Hệ thống các văn bản pháp lý để phát triển mô hình trường chất lượng cao đã được ban hành đầy đủ, tuy nhiên, vẫn sẽ được tiếp tục hoàn thiện, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hiện nay, nhu cầu học tập của học sinh mầm non và phổ thông chất lượng cao ngày càng tăng, người dân mong muốn con em mình được học tập, rèn luyện trong một môi trường giáo dục tiên tiến, hiện đại, được thụ hưởng các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo dục chất lượng cao. Mô hình trường chất lượng cao đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa nguồn lực đầu tư trọng điểm ban đầu của Nhà nước và nguồn xã hội hóa.

“Năm học 2017 - 2018, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở GD&ĐT Hà Nội thí điểm dạy chương trình giáo dục song bằng THPT Việt Nam và A-level của CIE, Anh quốc tại Trường THPT Chu Văn An. Có thể nói, đây là một sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố đến lĩnh vực GD-ĐT, mở ra một hướng đi mới cho giáo dục phổ thông của Thủ đô; định hướng cho việc bổ sung các tiêu chí của trường chất lượng cao”Ông Nguyễn Hữu Độ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.