Trường chất lượng cao:Thách thức đến trước, cơ hội đến sau

GD&TĐ - Dư luận xã hội vẫn còn nhiều băn khoăn về mô hình nhà trường chất lượng cao và cũng chưa nhiều người hiểu về trường công lập tự chủ tài chính. Để hiểu được phần nào về thách thức và cơ hội của loại hình nhà trường này, báo Giáo dục và Thời đại cùng trao đổi với ông Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - trường đầu tiên đạt tiêu chí trường chất lượng cao ở cấp THPT của Hà Nội.

Giờ ngoại khóa của học sinh trường THPT Phan Huy Chú Hà Nội.
Giờ ngoại khóa của học sinh trường THPT Phan Huy Chú Hà Nội.

Không “ứng trước niềm tin”

Chia sẻ của ông về câu chuyện xây dựng mô hình trường chất lượng cao ở Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa?

Năm 1997, Trường THPT bán công Phan Huy Chú được thành lập, mở đầu của mô hình bán công ở Hà Nội. Đến năm 2008, theo Nghị định 43/CP, trường tiếp tục là nhà trường đầu tiên được chuyển sang mô hình công lập tự chủ tài chính toàn phần. Tháng 5/2015, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 2374/QĐ-UBND công nhận trường đạt trường chất lượng cao và là trường đầu tiên đạt tiêu chí trường chất lượng cao ở cấp THPT.

Như vậy, suốt 20 năm qua, Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa luôn là nhà trường được chọn đi đầu thí điểm và cũng có được những dấu ấn thành công nhất định mới luôn được giao nhiệm vụ mới. Từ thí điểm mô hình bán công, thí điểm mô hình công lập tự chủ tài chính toàn phần, đến thí điểm xây dựng mô hình trường chất lượng cao (CLC). Làm sao tự chủ mà không tự ý, linh hoạt mà không sai nguyên tắc chính là thách thức. Trong môi trường nhiều áp lực, cán bộ giáo viên cũng luôn phải nỗ lực và dần “quen và thân” với khó khăn thử thách. Bởi nếu ai không quen, không hợp thì đã tự chọn chuyển sang môi trường khác.

Là một trong những trường đi đầu, chắc chắn cùng với những thuận lợi sẽ có rất nhiều thách thức phải vượt qua?

Chúng tôi xác định rõ, cơ hội luôn đi cùng thách thức, nhưng nhiều khi thách thức đến rất nhiều và thật lâu rồi cơ hội mới tới. Thế nên, bài toán vượt khó và tìm giải pháp là bài toán buộc phải giải. Xây dựng trường công lập tự chủ tài chính chất lượng cao là như vậy. Muốn khẳng định uy tín cần nâng cao chất lượng, nhưng muốn nâng cao chất lượng lại phải có đủ uy tín.

Tôi luôn tâm sự với các đồng nghiệp của mình là: Bất cứ cái gì mới làm cũng khó, cũng có những vướng mắc; nhưng nếu ngại khó, tránh vướng mắc thì không thể tiến hành được việc gì, nói chi đến thành công.

Trước tiên, khó khăn chủ yếu khi xây dựng trường CLC của chúng tôi là trong cơ chế không được cấp ngân sách. Phải tự chủ tài chính toàn phần nhưng vẫn phải tuân thủ toàn phần những quy định của Nhà nước. Nhà trường phải tự lo toàn bộ các khoản chi, từ lương cho đội ngũ, bảo hiểm xã hội của đội ngũ biên chế, sửa chữa, duy trì cơ sở vật chất cho mọi hoạt động trong 12 tháng. Tất cả lấy từ nguồn thu từ học phí của 9 tháng. Việc tự chủ tác động đến tất cả các hoạt động, mọi lĩnh vực, đặc biệt là cơ chế quản lý, điều hành. Chúng tôi phải luôn vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm.

Cũng xin nhấn mạnh là, cho dù tự chủ tài chính nhưng chúng tôi vẫn tuân thủ thực hiện đúng các văn bản pháp lý của Nhà nước. Trong khi đó, các nhiệm vụ giáo dục, ở mô hình CLC, đời sống của giáo viên, nhân viên ở mô hình CLC lại có những yêu cầu cao hơn. Bên cạnh đó, việc thu hút nhân tài, khích lệ người có tài và có tâm đều cần nguồn dư để chi tăng thu nhập, trích quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp...

Đơn cử như muốn có chất lượng tốt phải thu hút thầy giỏi, muốn có thầy giỏi phải trả lương xứng đáng, nhưng muốn có mức lương ấy thì phải có chất lượng tốt đã. Xã hội và phụ huynh không “ứng trước niềm tin” mà người làm thầy muốn sát cánh với mô hình nhà trường cần cống hiến tâm sức và chịu không ít những thiệt thòi. Là trường xây dựng mô hình vì chất lượng 9 năm nay nên thầy cô của chúng tôi đã hiểu rõ điều này.

Những cái khó cần chúng tôi luôn phải kiên tâm. Vì số đông mọi người chưa hiểu về mô hình, tâm lý “bao cấp” ăn sâu, muốn chọn cho con học trường “công lập bình thường” (không tự chủ) cho yên tâm. Có những thời kỳ chất lượng học sinh đầu vào chưa đồng đều… nhưng chúng tôi phải rèn dạy tốt để đầu ra vẫn phải đảm bảo chất lượng. Nhờ vậy mà uy tín đã không ngừng được tăng lên.

Hội chợ sách ở trường THPT Phan Huy Chú
Hội chợ sách ở trường THPT Phan Huy Chú 


3 yếu tố cốt lõi

Ông có thể nêu những giải pháp hiệu quả giúp nhà trường từng bước giải quyết khó khăn, thử thách?

Giải pháp đầu tiên là phải nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn nâng cao chất lượng phải xây dựng chương trình nhà trường phù hợp. Đó chính là thực hiện và phát huy ưu điểm chương trình của Bộ GD&ĐT. Chúng tôi tổ chức phát triển chương trình phù hợp (Theo Hướng dẫn 791 của Bộ GD&ĐT) để rèn dạy học sinh hai buổi/ngày. Hoàn toàn không có dạy thêm, học thêm. Theo đó, thông qua việc học tập trải nghiệm, học sinh tích cực, chủ động tham gia nhiều hoạt động giáo dục sáng tạo nên được phát hiện và phát triển năng lực.

Vì phần nào được chủ động hơn trong lựa chọn đội ngũ giáo viên, nhân viên nên nhà trường có thể xây dựng và hình thành đội ngũ năng động, sáng tạo, tâm huyết với nghề. Cơ chế tự chủ cho phép nhà trường được chủ động hơn trong tổ chức thực hiện các hoạt động đổi mới giáo dục. Nhờ vậy mà học sinh tích cực, tự tin, năng động, thân thiện hơn một số môi trường khác. Chúng tôi còn may mắn được sự quan tâm, đồng lòng của đa số cha mẹ học sinh và được các bác tham gia vào mọi hoạt động giáo dục của nhà trường. Việc kết nối bền chặt mối quan hệ gia đình - nhà trường là một hiện thực rõ nét chứ không chỉ là mong ước.

Học sinh được đánh giá, góp ý và “chấm điểm” thầy cô cũng là một động lực để nâng chất lượng. Chúng tôi rèn cho các trò thực thi dân chủ qua việc tổ chức lấy ý kiến học sinh về mọi hoạt động 2 lần/1 năm. Các thầy, cô giáo được học sinh tin yêu sẽ được tôn vinh trong Lễ hội “Xuân yêu thương” - Lễ hội đặc hữu ở Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa của chúng tôi.

Theo ông, đâu là yếu tố quyết định thành công việc xây dựng trường CLC? Ông có thể nêu một số bài học kinh nghiệm?

Đầu tiên là định hướng mục tiêu, sau đó là hành trình nỗ lực và không ngừng điều chỉnh để đạt kết quả tốt hơn. Xác định rõ trường CLC không phải là đích mà là một hành trình luôn bắt đầu. Trường CLC là không ngừng nâng cao chất lượng. Trong đó cả 3 yếu tố chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất và cơ chế tài chính cùng quyết định. Tất cả cán bộ, giáo viên nhân viên đều làm việc với tinh thần “thử việc”. Mỗi cán bộ giáo viên đều tự lực, tự cường để tự trả lương cho mình. Mức lương được trả theo năng lực và sự đóng góp.

Niềm vui của cô và trò sau giờ học
 Niềm vui của cô và trò sau giờ học


Đề xuất, kiến nghị của ông liên quan đến xây dựng mô hình này?

Tôi xin nêu ra một số mong muốn với Bộ GD&ĐT, đó là mong Bộ xây dựng kế hoạch, lộ trình, thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, tổng kết đánh giá về vấn đề này. Khởi đầu từ các trường ĐH sư phạm cần đào tạo giáo viên đáp ứng được xu thế đổi mới giáo dục. Hằng năm có chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên.

Cần lựa chọn giảng viên giỏi cũng như chuẩn bị chu đáo công tác tổ chức để đạt hiệu quả mong muốn. Cùng với đó, mong có sự rà soát lại quy chế chuyên môn để giáo viên có điều kiện tập trung chuẩn bị cho dạy hay, dạy tốt hơn là lo viết các báo cáo đối phó. Trong đó, đồng bộ giữa xu thế đổi mới giáo dục với hình thức, cách thức kiểm tra đánh giá là việc cần làm ngay.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ