Xây dựng trường chất lượng cao: cần có quyết tâm sắt đá

GD&TĐ - Sau một thời gian khá dài, một số trường thí điểm theo mô hình chất lượng cao tại Hà Nội vẫn chưa bứt phá, thậm chí muốn kéo dài thí điểm để không bị cắt “bầu sữa” ngân sách.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cách đây 2 năm, trong một hội thảo về xây dựng phát triển trường chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo nhiều trường kêu khó vì thu không đủ chi và khó thu hút học sinh vì mức học phí cao; từ đó đề xuất nhà nước cấp kinh phí chi trả lương cơ bản cho giáo viên… Trước thực tế này, hiệu trưởng một trường đã chuyển đổi thành công sang mô hình chất lượng cao khẳng định: thành công hay không, vai trò của người đứng đầu nhà trường mang tính quyết định.

Không thể thành công nếu hiệu trưởng "không muốn khó vào thân"

NGƯT Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐQT Trường THPT Dân lập M.V.Lômônôxốp – nhận định, việc trở thành trường chất lượng cao là rất khó, cần có quyết tâm sắt đá mới có kết quả.

Theo đó, trước hết phải đạt khi kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông theo Qui định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên của Bộ GD&ĐT với 5 tiêu chuẩn và 27 tiêu chí. Cơ sở giáo dục vừa tự đánh giá vừa được cơ quan quản lý giáo dục đánh giá và ra quyết định công nhận.

Tiếp đến trường phải đạt chuẩn quốc gia, cũng theo các bước tự đánh giá và đánh giá ngoài. Sau nữa là chọn hướng đi để xây dựng điểm nhấn cho riêng nhà trường trên nền các tiêu chí đã đạt…

Nếu tồn tại những trường chưa đạt chuẩn chất lượng cao, NGƯT Nguyễn Phú Cường cho rằng, có thể do quyết tâm của lãnh đạo chưa thực sự làm chuyển biến cơ sở giáo dục của mình, do chưa vượt qua những khó khăn để đạt được tiêu chí trường chất lượng cao, chưa có những điều kiện về kinh phí, diện tích, con người…đáp ứng được tiêu chí trường chất lượng cao!

“Dù loại hình nào, muốn trở thành trường chất lượng cao thì từ cán bộ đến giáo viên phải vượt qua được nỗi vất vả bởi liên tục thanh tra - kiểm tra xem với hàng chục tiêu chí xem đã đạt chưa? Bởi phải vượt qua việc huy động nguồn vốn để đạt chuẩn về cơ sở vật chất…

Cũng còn có những tầm nhìn gần, hoặc thực dụng trước mắt. Chẳng hạn, có trường tư thục chưa đạt chuẩn chất lượng cao nhưng đã được dân tín nhiệm, xếp thứ hạng cao về thi đỗ ĐH, CĐ, mỗi kỳ tuyển sinh gạt ra không hết thì họ có cần gì danh hiệu chất lượng cao theo tiêu chí của Nhà nước nữa, chỉ cần đông học sinh là trường có sức sống rồi?

Cá biệt, một số không đủ điều kiện về diện tích, các phòng bộ môn (không thể mở rộng hơn so với chuẩn) muốn mà chịu! Cá biệt nữa một vài người “không muốn khó vào thân”, không muốn “mua thêm việc”… thì ngại làm trường chất lượng cao là có thực!” – NGƯT Nguyễn Phú Cường cho hay.

Với tư cách là một người hoạt động trong ngành Giáo dục 45 năm, Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie – thừa nhận có không ít khó khăn khi chuyển đổi sang trường chất lượng cao. Rất nhiều vấn đề được đặt ra, như: trường có tự chủ tài chính được không? Nếu thu học phí cao liệu có thu hút được học sinh hay không? Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên có thay đổi không? Chương trình, nội dung như thế nào?...

"Nếu tôi là hiệu trưởng các trường đó, tôi cũng phải phân vân” – thầy Nguyễn Xuân Khang chia sẻ.

Ngày tựu trường Ảnh cao Từ
Ngày tựu trường Ảnh cao Từ


Phải thực tâm vì học sinh

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, đã là trường chất lượng cao thì phải có đủ các điều kiện và nhà nước cần hỗ trợ để các nhà trường có được điều này; sau đó bắt đầu giao quyền tự chủ về tài chính. Khi đã có cơ chế đầy đủ mà trường vẫn không làm được, rõ rang do người hiệu trưởng thiếu năng lực.

“Từ trước đến nay, người đứng đầu nhà trường vẫn có vai trò quyết định. Hiệu trưởng bên cạnh có năng lực, tâm huyết, có ý chí, quyết tâm thì điều quan trọng nữa là có thực lòng vì cái chung, vì học sinh hay không? Nếu người hiệu trưởng không đủ tiêu chuẩn, liệu có thể thay thế người khác bằng cơ chế dân chủ trong nhà trường hay không?” – PGS Trần Xuân Nhĩ đặt câu hỏi.

Góp ý trong xây dựng trường chất lượng cao tại Hà Nội, NGƯT Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh việc mỗi nhà trường cần tự đánh giá xem trường mình có đủ điều kiện để phấn đấu đạt các chuẩn theo qui định hay không? Nếu có thể phải xác định quyết tâm, cùng Hội đồng sư phạm đặt ra lộ trình để từng thời gian hoàn thành các tiêu chí (kế hoạch hoàn thành cơ sở vật chất, nhất là các trang thiết bị và phòng bộ môn: Lý, Công nghệ, Hóa, Sinh, Nhạc, Họa, phòng ngoại ngữ…; kế hoạch để có số giáo viên giỏi theo qui định, không còn học sinh yếu kém theo tiêu chuẩn…);

Sau nữa, thành lập một ban (gồm đủ thành phần) để rà soát các tiêu chí, viết đề án, tìm minh chứng cho các tiêu chí, tự đánh giá, đăng ký để cơ quan quản lý giáo dục tới làm việc, kiểm tra thực hiện đánh giá ngoài. Tùy tường trường cũng phải mất 3-5 năm!

“Trường THCS và THPT Lômônôxốp chắc phải mất chừng 2-3 năm nữa mới có thể đạt chuẩn chất lượng cao! Năm học 2015-2016 toàn thành phố có 2 trường THPT đạt tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục ở cấp độ cao nhất (cấp độ 3) trong đó có trường Lômônôxốp.

Nhưng để đạt được chúng tôi cũng mất 2 năm, trên nền thành tích có sẵn; hồ sơ xếp đầy nửa phòng họp, tất cả các hoạt động của trường đề được phơi bày, các thanh tra của Sở và của Phòng GD&ĐT dự giờ đánh giá; các chuyên viên của Sở đọc và nghiên cứu phần tự đánh giá từng mặt hoạt động, một số BGH trường ngoài được Sở triệu tập tham gia đánh giá thẩm định…

Tuy nhiên, đó là chỉ qua được bước 1, chúng tôi làm tiếp bước 2 là trường đạt chuẩn quốc gia: phải xin nâng tầng mở rộng diện tích sử dụng, mở rộng các phòng thí nghiệm để đủ diện tích qui định, làm phòng học ngoại ngữ đủ chuẩn (mất chừng 4-5 tỉ), khắc phục số học sinh học yếu… Nói chung, có rất nhiều điều cần phải quyết tâm làm” - NGƯT Nguyễn Phú Cường chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ