Hà Nội sẽ "siết" việc xử phạt tiền triệu nếu không đeo khẩu trang

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, các đơn vị, địa phương cần nghiêm túc xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, thay vì chỉ tuyên truyền, nhắc nhở.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý kết luận cuộc họp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý kết luận cuộc họp.

Chiều 19/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, vừa qua, thành phố Hà Nội có ca nghi ngờ mắc COVID-19 là một du học sinh từ Nga về, đã được xác định khỏi bệnh từ 2 tháng trước.

“Đây là trường hợp coi như báo động, diễn tập sau thời gian khoảng gần 3 tháng không có ca mắc mới. CDC Hà Nội và Trung tâm y tế quận Đống Đa đã khoanh vùng, chuyển ca nghi ngờ đến Bệnh viện cách ly, điều trị, truy vết ngay các trường hợp tiếp xúc gần”, ông Hạnh nêu.

Theo ông Hạnh, trường hợp này đặt ra vấn đề về việc nhiều cơ sở khám chữa bệnh vẫn chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Nếu gặp ca dương tính mà không khai thác kịp thời lịch sử dịch tễ thì rất nguy hiểm. Riêng ca nghi ngờ dương tính này đã có 59 trường hợp F1, nếu trở thành bệnh nhân thì rất nguy hiểm, nguy cơ cao lây ra cộng đồng.

Theo ông Hạnh, một vấn đề đặt ra, hiện nay, các khách sạn hiện nay đang cách ly hơn 1.500 người. Đây là con số rất lớn, gấp 3 lần ở khu cách ly tập trung. Thời gian vừa qua, nhiều ca nhập cảnh về cũng đã dương tính, vì thế, cần đặc biệt coi trọng công tác cách ly tại khách sạn, tránh lây nhiễm ra cộng đồng. “Việc cách ly tại khách sạn hết sức lo lắng. Các địa phương cần quan tâm. Những nơi làm không đúng quy định phải  xử lý nghiêm”, ông Hạnh nêu.

Trong khi đó, báo cáo của thành phố cũng chỉ rõ, hiện nay, nhiều người dân vẫn không đeo khẩu trang nơi công cộng. “Chúng tôi đi kiểm tra có đếm thử, tính ra khoảng 40% vẫn không đeo khẩu trang nơi công cộng”, ông Hạnh nói.

“Không thể chủ quan và lơ là. Hiện nay thành phố đang yên bình nhưng rất lo lắng. Đột ngột xuất hiện như ca ở bệnh viện GTVT, nếu dương tính thì rất vất vả. Vì vậy lúc nào cũng phải sẵn sàng”, ông Hạnh nói thêm.

Tại cuộc họp, các đoàn kiểm tra của thành phố đã báo cáo về thực tế kiểm tra tại các địa phương. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 cho rằng, tại các chung cư, số lượng người dân ra vào đông, chưa thực hiện tốt việc đeo khẩu trang. “Chúng tôi thấy vẫn chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở. Nếu chỉ nhắc nhở thì khó thực hiện. Vì thế, cần phải xử phạt hành chính. Cần tăng cường kiểm tra, xử phạt để nâng cao trách nhiệm của Ban quản lý”, ông Hiền nêu.

Ông Hiền cũng cho rằng, qua trường hợp ca nghi ngờ dương tính ở bệnh viện GTVT, cần phải thực hiện tốt hơn các quy định phòng chống dịch ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Bài học ca bệnh ở bệnh viện E đã có. Với trường hợp ở bệnh viện GTVT, dù bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19 nhưng bệnh viện vẫn cho về nhà. “Nên siết chặt quản lý ra vào của bệnh nhân. Các trường hợp nghi ngờ cần cho xét nghiệm sớm”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu.

Ông Hiền cũng đề nghị tiếp tục kiểm tra, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép. Với các trường hợp cách ly tập trung xong 2 tuần, cần tiếp tục theo dõi thêm 2 tuần, làm thêm xét nghiệm một lần để yên tâm.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện một số quận, huyện cho biết, đã tiến hành kiểm tra, xử lý việc không đeo khẩu trang tại các chợ, bến xe, siêu thị. Tuy nhiên, chủ yếu là nhắc nhở, chưa xử phạt. Theo đại diện Thị xã Sơn Tây, tại các chợ, chỉ khoảng 25 – 30% người dân đeo khẩu trang, còn lại chưa thực hiện nghiêm túc.

“Chúng tôi cũng lập biên bản, yêu cầu các chợ thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch. Chủ yếu mới nhắc nhở chứ chưa xử phạt được ai”, vị này nói, đồng thời cho rằng, mức phạt 1 – 3 triệu với hành vi không đeo khẩu trang rất khó thực hiện. “Hiện vẫn tuyên truyền, nhắc nhở là chính. Nếu tuần sau vẫn như thế, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý 1 – 2 trường hợp để răn đe, làm gương”, vị này nêu.

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, Sơn Tây có biểu hiện lơ là trong phòng chống dịch khi đại diện lãnh đạo Thị xã không dự họp. Hơn nữa, tỷ lệ không đeo khẩu trang phòng chống dịch còn cao. “Không đeo khẩu trang hơn 70% mà xử phạt 1 – 2 trường hợp thì chưa được. Cần phải kiên quyết xử phạt”, ông Quý yêu cầu.

Đại diện huyện Thanh Oai, quận Đống Đa, Cầu Giấy cũng cho biết, hiện nay, nhiều người dân vẫn còn chủ quan, không đeo khẩu trang phòng, chống dịch. Thấy đoàn kiểm tra đến thì đeo, khi không có ai nhắc nhở thì lại bỏ ra. “Quận Cầu Giấy đã kiểm tra các chợ chính, về cơ bản đều thực hiện, nhưng các chợ tạm thì chưa được tuyệt đối. Tại các công viên, người dân không đeo khẩu trang không được vào. Nhưng khi vào rồi họ lại tháo khẩu trang ra”, đại diện lãnh đạo quận Cầu Giấy báo cáo.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nêu, trường hợp ở bệnh viện GTVT vừa qua rút ra hai bài học. Thứ nhất, thành phố vẫn tích cực, chủ động, các đơn vị vẫn sẵn sàng rà soát, khoanh vùng, dập dịch ngay khi có trường hợp nghi ngờ. Nhưng bài học thứ hai, là việc chủ quan, lơ là của các bệnh viện.

“Theo chỉ đạo của T.Ư và thành phố, khi bệnh nhân có dấu hiệu sốt, có yếu tố dịch tễ thì phải làm xét nghiệm ngay, nhưng ở trường hợp này thì chủ quan. Nếu dương tính thật, 59 trường hợp F1 rất nguy hiểm, có thể bùng phát dịch ra cộng đồng”, ông Quý nêu.

Theo ông Quý, nhiều nơi ở thành phố chưa thực hiện tốt việc đeo khẩu trang do vẫn chỉ nhắc nhở, tuyên truyền. Ông Quý yêu cầu cần xử phạt nghiêm khắc để phòng chống dịch. Cùng với đó, cần kiểm tra quyết liệt các bệnh viện trên địa bàn thành phố để chấn chỉnh công tác phòng chống dịch, vì nếu để lây lan trong bệnh viện ra cộng đồng, mọi thành quả bấy lâu nay hỏng hết. Ông Quý cũng yêu cầu quản lý tốt việc cách ly những người nhập cảnh, đặc biệt tại các khách sạn. Cần có lực lượng chức năng đứng ở các cổng chợ để kiểm soát, xử phạt việc không đeo khẩu trang…

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.