Hà Nội quay mặt vào đâu?

GD&TĐ - Từ khi Ban tổ chức giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 - 2021 công bố đề cử, thì người dân Thủ đô cũng ngóng chờ Hà Nội sẽ quay mặt vào đâu?

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong suốt năm 2021, những thông tin về bản “Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng” luôn nhận sự quan tâm của đông đảo người dân. Đặc biệt, khi nó gắn với câu chuyện đã được bàn tới nhiều lần: Hà Nội quay lưng vào sông, hay quay mặt ra sông?

“Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng” là một trong các đề cử mà Ban tổ chức giải thưởng Bùi Xuân Phái công bố. Xoay quanh đồ án này, không chỉ là câu chuyện đô thị, mà còn hàm chứa yếu tố văn hóa – lịch sử đất Thăng Long xưa.

Trùng hợp là thời điểm đồ án ra đời cũng là tròn 100 năm kể từ khi đê sông Hồng tại Hà Nội được chính quyền Pháp tôn tạo và nâng cao. Tướng Pháp là De Castries từng khen sông Hồng quá đẹp và thắc mắc tại sao Hà Nội lại quay lưng với nó?

Và rồi chính các học giả nghiên cứu Hà Nội, trong quá khứ cũng từng băn khoăn về câu hỏi này. Đến năm 1995, một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đã thất bại với đề xuất biến khu An Dương, Yên Phụ “quay mặt ra sông”.

Thế rồi “Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng” vào tháng 3/2021 hoàn thiện, gắn với đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Đồ án bao phủ 11.000 ha thuộc 55 phường, xã và 13 quận, huyện.

Tinh thần quy hoạch gắn với việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu. Đặc biệt, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Điểm nổi bật là ý tưởng làm sạch môi trường đô thị, dám dành tới 70% diện tích tại khu vực này chỉ để phục vụ cho cây xanh và tạo không gian công cộng - điều rất khác so với một ý tưởng cũng đề xuất ưu tiên phát triển đô thị ngoài đê từ quá khứ.

Một đồ án bao trùm bộ mặt đô thị hiện đại, thế nhưng cũng liên quan đến giá trị văn hóa của Hà Nội nói chung và dải đất kinh kỳ Thăng Long nói riêng. Người xưa có câu: “Nhĩ Hà quanh Bắc sang Đông”, vì quanh co như nhĩ tai nên sông Hồng còn có tên Nhĩ Hà.

Trong tâm thức người Hà Nội, sông Hồng không chỉ là sông mẹ nuôi dưỡng con người. Theo dòng chảy thời gian, sông Hồng đã tạo ra cả không gian văn hóa, bề dày lịch sử, sự phồn thịnh của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.

Sông Hồng chảy qua Hà Nội chỉ rất ngắn so với chiều dài của nó, nhưng cũng để lại nhiều dấu tích đặc trưng của văn hóa ngư nghiệp. Đó là các làng chài, làng nghề, làng cổ cùng những phong tục tập quán. Hơn ngàn năm trước, vua Lý dời đô xây dựng kinh thành Thăng Long cũng sớm nhận thấy địa thế “tựa núi, nhìn sông” để hình thành vùng đất văn hiến.

Khoan nói đến tính khả thi của đồ án, cũng không mơ ước xây dựng một thành phố mộng mơ như sông Thames. Nhưng Hà Nội có quyền làm dày văn hóa bản địa và tôn vinh những di sản vốn đang rơi vào quên lãng bên dòng sông Mẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.