Quy hoạch sông Hồng thành trục cảnh quan xương sống

GD&TĐ - Theo quy hoạch, sông Hồng sẽ trở thành trục cảnh quan quan trọng nhất của Thủ đô. Theo các chuyên gia, quy hoạch sông Hồng là cần thiết, phù hợp, phải làm.

Phối cảnh sông hồng nhìn từ trên xuống.
Phối cảnh sông hồng nhìn từ trên xuống.

Nhưng cần phải tôn trọng hành lang thoát lũ cũng như hệ thống đê, bãi bồi, dòng chảy…

Sông Hồng phải là trục cảnh quan quan trọng của Thủ đô

PGS.TS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị cho biết, đã có rất nhiều đề xuất quy hoạch sông Hồng. Nhưng các quy hoạch này không thành công chủ yếu do chưa giải được bài toán về hành lang thoát lũ. Bên cạnh đó là chỉnh trị dòng chảy cũng như dự báo về kịch bản về biến đổi khí hậu.

Quy hoạch lần này đưa sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng nhất của Thủ đô. Giải phóng mặt bằng, thực hiện làm 2 tuyến đường mỗi tuyến 6 làn xe dọc hai bờ sông Hồng. Cùng với đó là các hạng mục công viên, cây xanh, khu vui chơi giải trí, phát triển du lịch.

Về vấn đề dòng chảy, tháng 2/2016, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và bảo vệ đê điều của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện quy hoạch lần này. Đặc biệt sẽ không có các công trình nhà cao tầng, mà đây là trục cảnh quan, cây xanh, mặt nước, phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Để thực hiện, cần có cơ chế đặc thù đặc biệt để thực hiện quy hoạch, vì đó là bộ mặt của cả nước. Quy hoạch lần này sẽ kết nối 12 cây cầu từ cầu Mễ Sở đến cầu Hồng Hà, kết nối với các đường vành đai, đường xuyên tâm. Các khu chức năng quan trọng. Tính toán cụ thể từ đê xuống bãi sông sẽ làm gì. Các bãi bồi sẽ làm công trình gì. Công viên cây xanh, vui chơi giải trí, phát triển du lịch thế nào.

Các phương án di dân thế nào để hài hòa lợi ích và tạo diện mạo cảnh quan đẹp. Dọc hai bờ sông sẽ làm đại lộ. Số lượng cư dân phải giải tỏa sẽ rất lớn. Vậy thực hiện các khu tái định cư thế nào. Đây là quy hoạch tạo ra bộ mặt kiến trúc đô thị, cần phải làm bởi đó cũng là đoạn xấu nhất, khó nhất của Hà Nội hiện nay trong quy hoạch phát triển đô thị.

Dự kiến sẽ có hơn 2,3 vạn dân phải chuyển chỗ ở. Hiện tình trạng nhếch nhác, nhà tự phát khiến bộ mặt đô thị Hà Nội nhìn từ sông Hồng trông rất xấu xí. Trong khi đó ở những thành phố có sông chảy qua, bao giờ con sông cũng làm nên điểm nhấn đô thị, thành điểm đến nổi tiếng tên thế giới. Cần một quy hoạch thật tốt để nơi đây thực sự là con sông của đô thị.

Biến bãi bồi thành công trình giải trí là sai lầm

Theo dự thảo đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng vừa được UBND TP trình lên Thường trực Thành ủy, quy hoạch được lập ra thành 5 phân khu R1, R2, R3, R4, R5, trên đoạn sông dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Diện tích bao phủ khoảng 11.000 ha, thuộc địa bàn 13 quận, huyện. Dân số ước tính theo quy hoạch là 280.000 đến 320.000 người. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã giao UBND TP khẩn trương làm việc, xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng để hoàn thiện đồ án, sớm trình lên Ban Thường vụ Thành ủy để phê duyệt trong tháng 6.

Ủng hộ chủ trương quy hoạch sông Hồng, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PT Nông thôn cho rằng đây là việc cần phải làm từ lâu để tạo ra diện mạo đô thị của Hà Nội. Tránh tình trạng nhếch nhác, phát triển tự phát hai bên sông như hiện nay.

Những đồ án quy hoạch sông Hồng trước đây đều gặp vướng mắc lớn nhất khi tính toán các phương án cho hành lang thoát lũ. Do vậy quy hoạch lần này không chỉ bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy hoạch chung mà còn phải đảm bảo về Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai.

Theo quy hoạch sông Hồng, 2 tuyến đường dọc sông Hồng với 6 làn xe chạy sẽ là điểm nhấn, song phải tính toán đến điều kiện an toàn để thoát lũ, tác động đến kết cấu của đê. Các kịch bản mưa lũ thế nào, thủy điện xả nước ra sao, mực nước dâng cao đến đâu, ảnh hưởng đến các hạng mục nào, khắc phục ra sao… cần được làm rõ.

GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, riêng đối với hệ thống đê chống lũ hiện nay, trong quy hoạch phải nêu rõ không được tác động đến đê bằng bất cứ cách nào. Không xây dựng các công trình, kể cả công trình vui chơi giải trí làm ảnh hưởng đến kết cấu của đê.

Các hạng mục khác được xây dựng thế nào thì cốt đê phải cao 13,4 m và lưu lượng thoát lũ tối thiểu đạt 20.000 m3/s đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề cập. Tất cả phải tuân theo quy hoạch phòng chống lũ và bảo vệ đê điều đã được Thủ tướng phê duyệt. Song song với làm đường dọc hai bên sông thì Hà Nội nên kè toàn bộ 2 bên bờ sông để ổn định dòng chảy, giữ hình dáng dòng sông để lũ nào cũng thoát được.

Điều GS Hồng lưu ý là một số ý kiến đề xuất xây dựng các bãi bồi thành những công trình vui chơi, giải trí, nhưng đây là quan điểm sai lầm. Quy hoạch sông Hồng phải chỉ rõ không được xây dựng tại các bãi giữa và trong lòng sông để bảo đảm chỉ giới thoát lũ và khả năng trữ nước lũ.

Cùng với đó, đồ án có chiến lược cụ thể phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn nếu lũ lớn xảy ra. Với việc xây dựng 2 tuyến đường chạy dọc đê thì việc neo đậu của tàu thuyền có bị ảnh hưởng không.

GS Vũ Trọng Hồng cho rằng quy hoạch sông Hồng xây dựng các mô hình toán để tính lượng nước chuyển từ các hồ chứa xuống hạ du. Trong lịch sử đã có những trận lũ suýt tràn qua đê, Hà Nội đã phải đối mặt với tình trạng ngập lụt.

Do vậy để phát triển bền vững cần phải tính được với tần suất 500 năm hoặc 1.000 năm có trận lũ lớn nhất thì mực nước là bao nhiêu, khả năng chống chọi của đê thế nào để xây dựng quy hoạch cho phù hợp.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, đồ án quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng là quy hoạch đa mục tiêu. Các công trình hạ tầng hiện đại đang và sẽ xây dựng thời gian tới góp phần tạo đòn bẩy thay đổi diện mạo đô thị hai bên bờ sông, để kỳ tích sông Hồng sớm thành hiện thực.

Tuy nhiên, việc quy hoạch đồ án hai bên sông Hồng cũng đối diện với không ít thách thức cần phải giải quyết. Trong đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc các khu dân cư hiện có chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Ngoài ra, việc tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt, mực nước cạn kiệt cũng phải được xem xét… Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với Hà Nội là nhanh chóng có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và không bỏ quên nhiệm vụ quy hoạch phân lũ, phòng chống lũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.