Hà Nội phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trong trường học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Xây dựng văn hóa học đường, trường học an toàn lành mạnh là nội dung quan trọng trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Phong trào lan tỏa và phát triển rộng khắp

Ngày 3/11, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tại thành phố Hà Nội.

Buổi sáng, đoàn đã kiểm tra trực tiếp tại Trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình), làm việc với Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa quận Ba Đình. Chiều cùng ngày, đoàn kiểm tra làm việc với Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thành phố Hà Nội.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo các cấp Đảng, chính quyền, sự chủ động của các ban ngành, đoàn thể và sự đồng thuận cao của nhân dân. Phong trào ngày càng được lan tỏa và phát triển rộng khắp.

Học sinh Trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình) được hướng dẫn kỹ năng thoát nạn khi gặp hỏa hoạn.

Học sinh Trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình) được hướng dẫn kỹ năng thoát nạn khi gặp hỏa hoạn.

Việc tuyên truyền lồng ghép các các nội dung phong trào với các nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn thành phố. Các nền tảng giá trị đạo đức được quan tâm gìn giữ, các quy tắc ứng xử văn hóa được hình thành và đi vào nề nếp.

Các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của Thành phố tiếp tục được lồng ghép vào nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và triển khai thực hiện đến tận cơ sở. Hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp được kiện toàn, củng cố và đẩy mạnh hoạt động.

Công tác xây dựng nếp sống văn minh được củng cố và từng bước hoàn thiện, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; hạn chế những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường; ngăn ngừa các tệ nạn xã hội; bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.

Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư và tổ chức hoạt động có hiệu quả, công tác đầu tư, tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng được chú trọng thực hiện rộng khắp tại các địa phương.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa phát biểu.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa phát biểu.

Vai trò quan trọng của ngành giáo dục

Thống nhất với báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, bà Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết thêm: Thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Sở đã ban hành 7 văn bản liên quan đến việc thực hiện thiết chế văn hóa trong nhà trường.

Trong đó tập trung vào việc xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực học sinh thanh lịch; hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh thân thiện, không có bạo lực học đường. Hiện nay, tất cả nhà trường đều xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa để làm căn cứ thực hiện.

Sở GD&ĐT thường xuyên phối hợp với các cơ quan sở ngành để thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về văn hóa ứng xử như: Phối hợp với Công an thành phố tuyên truyền thực hiện ứng xử văn hóa trên không gian mạng, tuyên truyền kĩ năng phòng cháy chữa cháy; thực hiện luật giao thông đường bộ; tuyên truyền hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam;

Phối hợp với Thành đoàn tuyên truyền các nội dung phòng chống đuối nước, phổ cập bơi. Phối với Sở Văn hóa và thể thao, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tham gia các cuộc thi, các nội dung của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa.

Phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” với mục tiêu lan tỏa văn hóa đến từng địa phương, từng nhà trường.

Phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” với mục tiêu lan tỏa văn hóa đến từng địa phương, từng nhà trường.

Ngoài ra, Sở có một số mô hình nổi bật như: Phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” đang được triển khai tới tất cả các Phòng GD&ĐT các Trường THPT. Phong trào với mục tiêu gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm, rút ngắn khoảng cách, lan tỏa văn hóa đến từng địa phương, từng nhà trường.

Sở đang xây dựng tiêu chí trường học hạnh phúc với tất cả các trường học để triển khai thực hiện. Sở ban hành hướng dẫn chuyển thể các tác phẩm văn học nghệ thuật trong chương trình GDPT 2018 dưới hình thức sân khấu hóa để triển khai biểu diễn tại tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã kí với 6 đơn vị nhằm đưa giáo dục di sản đến tất cả các trường học trên địa bàn thành phố. Phấn đấu đến năm 2025, tất cả các nhà trường tổ chức giáo dục di sản văn hóa tại di tích lịch sử, di sản văn hóa địa phương ít nhất 1 lần trong năm học.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao những kết quả khá nổi bật của Thành phố Hà Nội trong triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Ban chỉ đạo thành phố và Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đã nắm sát chỉ đạo của Trung ương.

Với kết quả đạt được, trong những năm tới, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ tiếp tục cùng thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào, góp phần xây dựng giá trị, hệ giá trị con người Hà Nội. Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban chỉ đạo đề nghị thành phố nghiên cứu cách làm mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả hơn; đồng thời chọn mô hình nổi bật, tiêu biểu để tuyên truyền, góp phần xây dựng môi trường văn hóa thực sự lành mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ