Hà Nội nghiên cứu tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt

GD&TĐ - Hà Nội dự kiến tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên hàng loạt trục giao thông chính để phát triển vận tải khách công cộng...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực hiện các giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020 đạt 20 -25% vừa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội  Nguyễn Đức Chung ký, tới đây, Hà Nội sẽ nghiên cứu và tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số trục chính đủ điều kiện.

Cụ thể, các tuyến sau sẽ có thể có làn ưu tiên cho xe buýt: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) đoạn từ Ngã tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông) dài 5 km; Tuyến đường Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt 4,7 km; Tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự 5,9 km; Tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm 9,6 km...

Cùng với đó, Hà Nội nghiên cứu nhiều giải pháp khác như: thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc; xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030...

TP Hà Nội sẽ rà soát, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các nút, các tuyến phố không cho xe ô tô hoạt động; ưu tiên tổ chức giao thông cho phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn.

Theo kế hoạch này, TP Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức kết nối các tuyến buýt thường với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến buýt nhanh BRT tại điểm đầu, cuối và dọc hành lang đường sắt 2A và BRT; tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà ga, nhà chờ tạo thuận lợi cho hành khách gửi xe cá nhân để chuyển sang phương tiện công cộng...

Về mạng xe buýt, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới tuyến tới các khu vực ngoại thành, các trung tâm phát sinh nhu cầu (đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí…).

Dự kiến số lượng tuyến buýt mở mới đến năm 2020 từ 46-51 tuyến, trong đó năm 2019 mở mới 21 tuyến, năm 2020 mở từ 25-30 tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ