Các tuyến buýt này sẽ góp phần đáng kể trong việc thu hút khách du lịch nhằm phát triển du lịch Thủ đô với cụm du lịch văn hóa nổi bật khu vực Phía Tây Thành phố với nhiều địa danh tiêu biểu như Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam…
Cụ thể, tuyến buýt số 106 là tuyến buýt tăng cường kết nối mạng khu vực nội đô, sử dụng xe sức chứa nhỏ lên lỏi vào các khu vực dân cư đông đúc, các khu đô thị, bện viên, trường học, vận chuyển gom hành khách ra các trục chính để kết nối đi các hướng trên mạng lưới buýt hiện tại. Điển hình như Khu vực Đường Vĩnh Hưng; Khu đô thị Vinh Hoàng; Khu đô thị Đền Lừ, Hoàng Mai...
Tuyến có tần suất hoạt động 20-30 phút/lượt, thời gian hoạt động từ 5 giờ-21 giờ hàng ngày với giá vé chỉ 7.000 đồng/lượt, phương tiện là 10 xe sức chứa 30 chỗ.
Tuyến buýt số 107 là tuyến kết nối khu vực Trung tâm thành phố từ Kim Mã theo trục Đại lộ Thăng Long hướng qua Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc kết nối điểm cuối tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tuyến 107 có tần suất 15-20 phút/lượt xe, thời gian hoạt động từ 5 giờ-20 giờ 50 phút, giá vé 9.000 đồng/lượt, phương tiện 17 xe sức chứa 60 chỗ.
Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đánh giá việc mở mới thêm 7 tuyến xe buýt trong năm 2016 và 17 tuyến từ đầu năm 2017 đến nay đã góp phần mở rộng vùng phục vụ, đáp ứng đúng mục tiêu, nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt là khu vực các huyện ngoại thành mà các tuyến xe buýt đã đi qua.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị, trong thời gian tới, Tổng Công ty ty Vận tải Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Thành phố giao cũng như kế hoạch và đơn vị đã đặt ra trong việc đầu tư phương tiện và mở các tuyến mới đáp ứng được nhu cầu của đông đảo nhân dân và hành khách đi xe buýt.