Áp lực giao thông trở lại
Thiếu tá Nguyễn Đăng Tiến - Đội phó Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn thông tin, khu vực chốt kiểm soát cả đầu vào và đầu ra nên lượng phương tiện khá đông. Tại chốt khai báo y tế, tổ công tác đã bố trí người dân xếp thành nhiều hàng để không mất thời gian của người dân.
Đặc biệt, với việc nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ được mở lại, nhất là các cửa hàng bán đồ ăn được phục vụ bán mang về, nên nhiều người dân đã ra đường đi chợ, siêu thị mua thực phẩm, nên mật độ giao thông mỗi lúc tăng cao hơn trên các tuyến đường.
Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 5 cho biết thêm, trên địa bàn huyện Gia Lâm và Long Biên các chốt kiểm soát phòng dịch trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Quốc lộ 5, Quốc lộ 1A, 1B và các tuyến đường đê, đường chính giáp Hưng Yên, Bắc Ninh vẫn duy trì trạng thái hoạt động bình thường.
Tại các điểm nút giao thông ngã tư Trâu Quỳ - Quốc lộ 5, đầu cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì… cảnh sát giao thông đã cắm chốt điều tiết giao thông. Bác Lê Thanh Tùng ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết thêm, các chốt trên địa bàn vẫn được đặt tại các đường nhánh, lối tắt từ huyện Văn Giang (Hưng Yên) về 24/24 giờ với mục tiêu bảo vệ những “vùng xanh” an toàn.
Giải thích rõ hơn về tinh thần Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội mới ban hành tối 20/9, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường, Đội CSGT số 8 - Chỉ huy chốt Cầu Giẽ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) giáp vơi tỉnh Hà Nam thông tin, hiện chốt kiểm soát theo quy định, người ra vào thành phố phải có giấy đi đường, giấy tờ tùy thân và giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính.
“Giấy đi đường ở đây được hiểu là giấy xác nhận công việc, lý do để vào/ra khỏi Hà Nội. Như trường hợp ra, vào thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch bệnh, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia thì phải có các loại giấy tờ chứng minh việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó...”, Thiếu tá Cường thông tin.
Tại khu vực nội thành, 12 tổ công tác đặc biệt vẫn hoạt động trên các tuyến phố từ sáng, chuyển trạng thái không kiểm soát Giấy đi đường mà chủ yếu phát hiện, xử lý lỗi vi phạm giao thông qua đó tuyên truyền người dân về chủ trương phòng chống dịch của thành phố.
Đặc biệt, với việc nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ được mở lại, nhất là các cửa hàng bán đồ ăn được phục vụ bán mang về, nên nhiều người dân đã ra đường đi chợ, siêu thị mua thực phẩm, nên mật độ giao thông mỗi lúc tăng cao hơn trên các tuyến đường.
Trên đường Hoàng Cầu (quận Đống Đa) đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), đường Quang Trung (quận Hà Đông)… các tổ công tác đặc biệt vẫn cắm chốt theo đội hình dọc trải dài trên tuyến đường, đồng thời đặt dải phân cách để dễ kiểm soát phương tiện.
Đại uý Nguyễn Quang Khải, Đội CSGT số 3, tổ trưởng tổ công tác Y3/141 cho biết, thành viên của tổ gồm CSGT, CSCĐ, Công an địa bàn và cán bộ UBND phường Ô Chợ Dừa vẫn triển khai đủ đội hình kiểm soát xử lý những vi phạm về giao thông. Qua đó, phát hiện nhiều trường hợp ra đường không rõ lý do để xử lý.
Xét nghiệm PCR và quét mã QR Code
Thông tin với báo chí sáng 21/9, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, thành phố không cấm nhưng người từ các tỉnh về, tuy nhiên cần đáp ứng đủ điều kiện về phòng dịch.
Theo Đại tá Dương, thành phố nới lỏng giãn cách nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ người ra, vào qua 22 chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ nhằm giữ vững, bảo vệ thành quả chống dịch đã đạt được.
“Các chốt sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào thành phố từ các vùng có dịch, các vùng nguy cơ, các vùng nguy cơ cao. Khi ra, vào thành phố, người dân phải đáp ứng các điều kiện theo quy định...”, Đại tá Dương nói.
Đại tá Dương cũng cho biết, với trường hợp là người ngoại tỉnh muốn trở về thành phố, điều kiện đầu tiên là không nằm trong vùng, địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, người ở tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội làm việc, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động, cần có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo mẫu, kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR có giá trị trong vòng 3 ngày. Ngoài ra phải kê khai rõ điểm đến, quét mã QR Code tại các chốt kiểm dịch tại nơi làm việc, mua bán...
Đối với các trường hợp người dân đưa, đón bệnh nhân khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố; lễ tang, đi sân bay Nội Bài để công tác (kể cả người đưa đón) cần chuẩn bị: Căn cước công dân, hộ chiếu, vé máy bay, kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR có giá trị trong vòng 3 ngày. Những trường hợp này vẫn phải chấp hành quy định quét mã QR Code.
Trường hợp người đi khám chữa bệnh thì phải có hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện, lịch trình vào, ra; địa điểm xuất phát, nơi đến để kiểm soát quá trình tham gia lưu thông trên địa bàn thành phố.
Trước thông tin người ngoại tỉnh về Thủ đô Hà Nội có cần phải tiêm vắc-xin Covid-19 hay không, Đại tá Dương cũng cho biết, người dân đã tiêm vắc-xin là điều kiện tốt nhất, giữ an toàn cho bản thân. Tuy nhiên, chưa có quy định bắt buộc phải tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thì mới được vào thành phố Hà Nội.