Hà Nội lại lo “khát”

GD&TĐ - Nhu cầu nước sạch của người dân Thủ đô tăng mạnh trong mùa hè nhưng sản lượng nước lại tăng không đáng kể, cộng thêm các sự cố vỡ đường ống cấp nước sông Đà nên nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong hè này là không thể tránh khỏi. 

Hà Nội lại lo “khát”

Vì thế, việc cung cấp nước sạch đô thị được dự đoán là sẽ rất khó khăn.

Hiển hiện nguy cơ thiếu hụt

Hiện nay, việc cung cấp nước sạch trên địa bàn Thủ đô do 4 công ty đảm trách, gồm: Nước sạch Hà Nội, Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco), Nước sạch Hà Đông và Cấp nước Sơn Tây, cung cấp cho 923.000 khách hàng, tương đương 1.080.000 hộ. Theo số liệu thống kê, tổng lượng nước sản xuất, cung cấp của các công ty này đạt trung bình 900.000m3/ngày - đêm; trong đó, nguồn cấp từ các nhà máy nước ngầm do Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Nội quản lý chiếm 2/3 tổng sản lượng.

Theo Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Nội, vào dịp hè có những đợt nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến từ 10 - 15%, do vậy tổng lượng nước thiếu hụt so với nhu cầu từ 40.000 - 60.000 m3/ngày đêm. Tại nhiều quận, một số khu vực dự báo sẽ khó khăn về cung cấp nước sạch trên địa bàn.

Trong khi đó nguồn nước sông Đà cấp cho công ty thường xuyên xảy ra sự cố. Ngoài ra, công tác khoan bổ sung thay thế các giếng suy thoái để duy trì công suất khai thác, bổ sung nguồn nước cũng gặp nhiều khó khăn do quỹ đất thành phố hạn hẹp chưa bố trí được địa điểm khoan thay thế giếng...

Không chỉ thiếu hụt nguồn cung do nhu cầu sử dụng tăng cao, việc tuyến đường ống cấp nước từ Nhà máy Nước Sông Đà cấp về Hà Nội (chiếm khoảng 27% tổng sản lượng nước) vẫn tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra sự cố bất cứ lúc nào, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấp nước cho nhân dân. Đặc biệt khu vực các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai.

Nhiều phương án khắc phục

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, từ tháng 5 - 10/2016, nền nhiệt độ khu vực Hà Nội phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ khoảng 0,5 - 1,0 độ C; nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều và gay gắt, có khả năng kéo dài hơn năm ngoái. Trước thực tế và dự báo như vậy, Sở Xây dựng đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè của người dân.

Bên cạnh việc tập trung cải tạo mạng lưới cấp nước, giảm thất thoát (tỷ lệ đang chiếm tới 21,5%); lắp đặt bổ sung trạm bơm tăng áp; vận hành mạng lưới nước hợp lý; đơn vị này còn yêu cầu các công ty nước sạch thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, sửa chữa khắc phục các sự cố rò rỉ, vỡ ống nhằm cấp nước ổn định trong thời gian sớm nhất.

Theo đại diện của Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Nội, để tăng cường nguồn cấp nước, đơn vị đã cho cải tạo, khoan thay thế các giếng suy thoái của Nhà máy Nước Yên Phụ (dự kiến tăng 7.200m3/ngày - đêm); khoan bổ sung giếng H18 Nhà máy Nước Ngọc Hà (dự kiến tăng 4.320m3/ngày - đêm); khoan thay thế giếng H7 Lương Yên (dự kiến tăng 720m3/ngày - đêm)…

Đặc biệt, dự án Bổ sung công suất nước thô 30.000m3/ngày - đêm cho Nhà máy Nước Bắc Thăng Long bảo đảm công suất thiết kế đạt 50.000m3/ngày sẽ giúp tăng thêm 23.500m3/ngày - đêm.

Ngoài ra, các công ty cấp nước đều cam kết đảm bảo các thiết bị chứa hoặc chuyên chở nước sinh hoạt đều đã được cơ quan chức năng kiểm định, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn. Đặc biệt, Sở Xây dựng Hà Nội còn yêu cầu các đơn vị cấp nước quan tâm đến một số bệnh viện, trường học nằm trong khu vực khó khăn về nước, để có giải pháp cấp nước kịp thời khi xảy ra thiếu nước nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động, vận hành của các cơ sở quan trọng này...

Đồng thời, để ứng trực và nhanh chóng tiếp nhận các sự cố, tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn, các công ty cấp nước cũng bố trí bộ phận tiếp nhận thông tin. Đồng thời, kêu gọi người dân chung tay sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên sử dụng nước cho nhu cầu ăn, uống. Đặc biệt các khu vực khó khăn về nước đã được dự báo trước, người dân cần có kế hoạch tích trữ nước sinh hoạt ngay từ đầu hè.

Hiện Hà Nội đang sử dụng 2 nguồn cung cấp chính là nước ngầm và nước mặt, nhưng cả 2 nguồn này đều đang lâm vào tình trạng bấp bênh, thiếu hụt nghiêm trọng. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, thực trạng này bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính: Nguồn cung chưa đủ đáp ứng nhu cầu; hạ tầng cấp nước cũ kỹ, thường xuyên xảy ra sự cố, đặc biệt là đường ống dẫn nước sông Đà; ý thức sử dụng, tiết kiệm nước sạch của người dân chưa cao, dẫn đến lãng phí, thất thoát nước luôn rất cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ