Nhiều kết quả nổi bật
Năm học 2022-2023 vừa qua, cấp học THPT đã đạt được nhiều thành tích nổi bật: Xây dựng trường chuẩn quốc gia được thực hiện theo đúng tiến độ, đạt mục tiêu đề ra. Công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho việc thực hiện chương trình GDPT 2018 được quan tâm.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định với vị trí dẫn đầu cả nước về số học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Chất lượng đại trà được duy trì ổn định.
Công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục 2018 tại các nhà trường tiến hành khá bài bản và hiệu quả. Việc tổ chức Hội nghị góp ý xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường tại tất cả các cụm trường tuy vẫn còn có nhiều điều phải rút kinh nghiệm, nhưng rõ ràng là đã tạo được hiệu ứng tích cực.
Việc tổ chức các tiết dạy minh họa và sinh hoạt chuyên môn kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến là một cách làm mới, thể hiện rất rõ trách nhiệm và quyết tâm của từng đồng chí giáo viên, từng tổ nhóm chuyên môn. Chia sẻ, giao lưu học hỏi thông qua một tiết dạy minh họa, hoạt động sinh hoạt chuyên môn không chỉ giới hạn trong phạm vị một đơn vị, một địa bàn mà lan tỏa trên toàn thành phố.
Việc tổ chức thành công hội nghị tìm giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với những trường có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp thấp, tổ chức tốt Chương trình ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 trên truyền hình, việc hình thành rất nhiều lớp học miễn phí, lớp học dành cho những học sinh 12 gặp khó khăn là những minh chứng cho nỗ lực của mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo.
Kế hoạch tổ chức phòng trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” với mục đích vận động toàn ngành tham gia các hoạt động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục.
Tham luận của một số đơn vị, trường học tại hội nghị đã đóng góp thêm một số giải pháp triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Đây cũng là kinh nghiệm để các nhà trường cùng trao đổi, chia sẻ và vận dụng trong triển khai nhiệm vụ năm học mới, trong đó có việc đổi mới dạy học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn; tổ chức hoạt động trải nghiệm và tư vấn tâm lý cho học sinh.
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng chia sẻ về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông như tổ chức ôn tập theo nhóm đối tượng học sinh; thường xuyên kiểm tra mức độ nắm bắt kiến thức của học sinh; tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh để đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh; thường xuyên động viên, khích lệ, có biện pháp hỗ trợ riêng cho từng em.
Để thực hiện thành công kế hoạch năm học 2023-2024 và đảm bảo chất lượng giáo dục, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các đơn vị, nhà trường tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường. Tiếp tục bổ sung kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Đẩy mạnh giáo dục STEM trong Giáo dục phổ thông.
Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội. |
Hướng dẫn học sinh chuyển trường
Một trong những nội dung đáng chú ý tại hội nghị là Sở GD&ĐT Hà Nội đã hướng dẫn tạm thời về công tác chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó có cấp THPT), trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Một trong những yêu cầu quan trọng của Sở GD&ĐT Hà Nội đối với các đơn vị, nhà trường là không lợi dụng việc chuyển trường để làm thay đổi kết quả học tập, rèn luyện của học sinh hoặc buộc học sinh phải chuyển trường.
Việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh phải thực hiện công khai, đúng quy định, bảo đảm đúng chỉ tiêu tuyển sinh được giao. Đối tượng học sinh chuyển trường là những học sinh chuyển nơi cư trú theo cha (hoặc mẹ, hoặc người giám hộ); học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình; học sinh có lý do thực sự chính đáng phải chuyển trường.
Học sinh từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến trường trung học phổ thông công lập của thành phố Hà Nội (bảo đảm đúng chỉ tiêu tuyển sinh được giao) là học sinh đang học tại các tỉnh, thành phố; đồng thời học sinh (hoặc cha, mẹ, người giám hộ) phải có nơi thường trú tại Hà Nội. Các trường hợp khác chỉ được chuyển đến các trường trung học phổ thông công lập tự chủ, tư thục hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Hướng dẫn tạm thời của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nêu rõ, việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 không phụ thuộc vào sách giáo khoa được lựa chọn khác nhau giữa trường nơi chuyển đi và trường nơi chuyển đến.
Học sinh trung học phổ thông học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sau khi đã hoàn thành chương trình, được lên lớp trên thì được chuyển trường; khi chuyển trường nếu có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Căn cứ tình hình thực tế của đơn vị (về chỉ tiêu tuyển sinh được giao, sĩ số, điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông (nếu có), trình độ học sinh….) các đơn vị xây dựng quy trình giải quyết thủ tục chuyển trường, thủ tục xin học lại (nếu có) bảo đảm đúng quy định tại các văn bản hướng dẫn hiện hành và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.
Năm học 2022 - 2023 cấp THPT có 240 trường, 6.543 lớp; 283.159 học sinh; 16.667 giáo viên, 6.167 phòng học tăng 4 trường, 515 lớp, 22.270 học sinh so với năm học trước. TP đã xây mới, thành lập mới 1 trường học công lập THPT, triển khai xây dựng 5 trường học công lập; phê duyệt chủ trương đầu tư 10 trường học công lập và có thêm 4 trường được công nhận chuẩn quốc gia.