Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà; dự hội nghị.
Chất lượng giáo dục chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét
Báo cáo kết quả năm học 2022-2023, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết: Năm học 2022-2023, được sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND Thành phố, ngành GD-ĐT Hà Nội đã triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đã đạt được những kết quả toàn diện.
Các đề án, kế hoạch, chương trình công tác được triển khai kịp thời. Công tác chỉ đạo của Sở GD&ĐT đã tập trung lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, bám sát thực tiễn, đề ra các giải pháp cụ thể quyết tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Năm học 2022-2023, Hà Nội có 2.840 trường mầm non, phổ thông, 29 trung tâm GDNN-GDTX và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với 65.190 lớp, 2.194.859 học sinh, 138.904 giáo viên, 67.405 phòng học - tăng 27 trường, 1.539 lớp; 51.272 học sinh so với cùng kỳ năm học trước
Với tinh thần chủ động tích cực, ngành tiếp tục tham mưu với Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố đề xuất các chỉ tiêu về phát triển GD-ĐT. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được đầu tư tốt hơn.
Ngành đã chủ động tham mưu UBND Thành phố để có nhiều giải pháp ổn định công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, phân tuyến hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học.
Mạng lưới trường, lớp được mở rộng. Cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Công tác xây dựng trường chất lượng cao và trường chuẩn quốc gia được quan tâm. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh được chú trọng đẩy mạnh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục.
Dự hội nghị có lãnh đạo Bộ GD&ĐT, UBND Thành phố và đại diện các sở, ban, ngành TP Hà Nội. |
Chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới; nề nếp và kỷ cương được duy trì.
Xã hội hoá giáo dục có nhiều bước chuyển biến, huy động được các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục. Các hoạt động, phong trào thi đua được tổ chức sôi nổi, thiết thực, có ý nghĩa.
Hà Nội tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục mũi nhọn. Học sinh Thủ đô khẳng định vị trí dẫn đầu với 8 học sinh đạt giải quốc tế; 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; đứng đầu Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V; 4/4 dự án thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đều đoạt giải.
Về triển khai Chương trình GDPT 2018, năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên thực hiện giảng dạy chương trình bắt buộc đối với môn Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ ở tiểu học. Điều kiện cơ sở vật chất dạy và học các môn đã cơ bản đảm bảo triển khai Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018.
Công tác chỉ đạo, lựa chọn sách giáo khoa lớp 3 được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Bộ GD&ĐT. 100% giáo viên được tập huấn trước khi đứng lớp. Các cơ sở giáo dục tiểu học đều ưu tiên lựa chọn, phân công giáo viên có trình độ, có kinh nghiệm, trách nhiệm cao dạy lớp 1,2,3.
Năm học đầu tiên tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, các nhà trường tại Hà Nội đã chủ động xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến tới học sinh và cha mẹ học sinh dự kiến các tổ hợp môn học trong phương án tuyển sinh. Công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu.
Sự chuyển biến tích cực của ngành GD-ĐT trong năm học vừa qua diễn ra toàn diện trên các mặt, đều khắp ở các cấp học, các nhà trường, cả ở công lập và ngoài công lập; sự đổi mới, hiệu quả của các đơn vị quản lý giáo dục từ sở cho đến các phòng GD&ĐT và các nhà trường.
Ông Trần Thế Cương cũng nêu rõ một số hạn chế, tồn tại của GD-ĐT Thủ đô. Trong đó có công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành chưa phù hợp dẫn đến mỗi số nơi còn có tình trạng thiếu trường học công lập. Hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS và THPT hiệu quả còn chưa cao. Chất lượng giáo dục và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giữa các quận và các huyện trên địa bàn Thành phố còn khoảng cách.
Công tác tuyển sinh đầu cấp còn nhiều khó khăn, sĩ số học sinh/lớp sau tuyển sinh còn cao hơn nhiều so với quy định tại Điều lệ nhà trường các cấp ở một số địa bàn. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cũng còn những hạn chế.
Quá trình thực hiện công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 năm học 2022 - 2023 cũng gặp một số khó khăn như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa thật đồng bộ; giáo viên ở một số môn mới, môn “tích hợp” và hoạt động giáo dục bắt buộc còn thiếu và cần phải đào tạo, bổi dưỡng…
Năm học 2022-2023, toàn ngành GD-ĐT Hà Nội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Sở GD&ĐT được Cụm thi đua số 7 Thành phố thống nhất đề xuất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố trình Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2022. GD-ĐT Thủ đô được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu Thủ đô năm 2022.
Văn nghệ chào mừng hội nghị do các thầy cô, học sinh ngành GD-ĐT Thủ đô biểu diễn. |
10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới
Ông Trần Thế Cương cho biết, năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT tập trung triển khai một số nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm thực hiện chủ đề năm học 2023-2024 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo". Theo đó, tập trung triển khai 10 nhóm nhiệm vụ quan trọng.
Thứ nhất: Quan tâm đến công tác cán bộ; làm tốt công tác phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; bố trí, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đúng chuyên môn, sở trường; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo để nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu quả công tác tham mưu, giải quyết công việc, công tác dạy và học trong ngành GD-ĐT Hà Nội.
Thứ hai: Triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ lĩnh vực GD-ĐT cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Nghị quyết Đại hội XVII thành phố Hà Nội; chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và các nội dung, nhiệm vụ thực hiện chủ đề công tác năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” của thành phố Hà Nội.
Năm học 2023-2024, toàn Thành phố có 2.874 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội - tăng 34 trường mầm non và phổ thông so với cùng kỳ năm trước. Số lớp là 66.138 lớp - tăng 1.919 lớp so với cùng kỳ năm trước.
Năm học mới, Hà Nội có 2.222.246 học sinh - tăng 68.917 so với cùng kỳ năm trước; có 124.493 giáo viên - tăng 1.525 và 66.110 phòng học - tăng 846 phòng học so với cùng kỳ năm trước.
Thứ ba: Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố về các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực GD-ĐT trên địa bàn Thành phố phù hợp tình hình thực tiễn của xã hội; đặc biệt là về việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ GD-ĐT. Hoàn thành tham mưu UBND Thành phố ban hành quy định quản lý cơ sở giáo dục ĐH trên địa bàn Thành phố; Quyết định thay thế Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND và Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND về tiêu chí trường chất lượng cao.
Thứ tư: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tốt các hoạt động, vấn đề phát sinh trong lĩnh vực GD-ĐT. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại của những năm học trước, đặc biệt trong công tác thi, tuyển sinh đầu năm học; phương án phân luồng học sinh sau THCS, THPT.
Cùng với đó, GD-ĐT Hà Nội tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018, coi đây là cơ hội, là chỗ dựa và là phương thức thay đổi về giáo dục. Hoàn thành biên soạn bộ Tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, 8, 11, 12 và triển khai công tác biên soạn bộ Tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, 9 và 12. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên. Tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Thứ năm: Phối hợp các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 139/KH-UBND, đảm bảo các dự án đầu tư trong lĩnh vực GD-ĐT được thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch, chất lượng và hoàn thành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia năm 2023 (công nhận mới 130 trường chuẩn Quốc gia). Sắp xếp lại hệ thống các trường học; phát triển hệ thống trường chất lượng cao ở địa bàn có điều kiện. Tiếp tục thực hiện công tác đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn Thành phố.
Văn nghệ chào mừng hội nghị do các thầy cô, học sinh ngành GD-ĐT Thủ đô biểu diễn. |
Thứ sáu: Nghiên cứu, đổi mới cơ chế trong quản lý, xây dựng mô hình tự chủ tại một số trường mầm non, phổ thông ở những địa bàn, khu vực có điều kiện; tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thực hiện lộ trình tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Thứ bảy: Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; các giải pháp thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa các quận nội thành và các huyện, trọng tâm thực hiện phong trào: “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025”; “Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo” đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Thứ tám: Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; xây dựng trường học an toàn, thân thiện, trường học hạnh phúc; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng “thế hệ trẻ sáng tạo”; nâng cao thể lực và tầm vóc học sinh Hà Nội…
Thứ chín: Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường; trong công tác giảng dạy và học tập; khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả của trung tâm Điều hành giáo dục thông minh thành phố Hà Nội.
Thứ mười: Mở rộng mối quan hệ giao lưu, hợp tác về GD&ĐT; đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục; tích cực tham gia các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế đối với GDPT (PASEC, PISA...); đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua; chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách, kết quả hoạt động GD-ĐT…