Hà Nội giải cứu rác trong nội đô

GD&TĐ - Những ngày qua, hàng chục người dân sinh sống gần khu xử lý rác Nam Sơn (Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn) đã cản trở, không cho xe ô tô chở rác vào khu vực này, khiến rác trong nội thành Hà Nội ùn ứ nghiêm trọng…

Nhiều người dân vẫn đang tập trung chặn xe rác vào Khu xử lý chất thải Nam Sơn (Ảnh: Trần Thanh)
Nhiều người dân vẫn đang tập trung chặn xe rác vào Khu xử lý chất thải Nam Sơn (Ảnh: Trần Thanh)

Khủng hoảng

Sáng 14/1, tại Hội nghị giao ban trực tuyến của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, mặc dù đã bước sang ngày thứ tư nhưng một số người dân hai xã Bắc Sơn, Hồng Kỳ vẫn chặn xe vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Lãnh đạo thành phố, huyện và các đơn vị liên quan đã tổ chức đối thoại với người dân nhiều lần nhưng bãi rác Nam Sơn vẫn bị phong tỏa lối vào.

Nguyên nhân của sự việc trên, theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, “chủ yếu là vướng mắc về giải phóng mặt bằng”. “12 quận của Hà Nội đang gặp khó khăn do tình trạng ùn ứ rác. Chúng ta cầm cự được 3, 4 ngày nữa thôi, sang đến ngày sau sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Dục chia sẻ.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Báo GD&TĐ chiều 14/1, ông Lê Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân không tụ tập, cản trở xe chở rác vào bãi Nam Sơn. “Huyện Sóc Sơn cùng chính quyền địa phương các xã đang tích cực thuyết phục người dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân...”, ông Mạnh chia sẻ.

Rác thải tràn ra đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai)
  • Rác thải tràn ra đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai)

Ông Đỗ Thế Thọ, Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ cho biết, huyện Sóc Sơn đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến tất cả chủ trương, chính sách có liên quan của thành phố cho nhân dân. Huyện đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành lập các tổ công tác, tham mưu cho UBND huyện để giải phóng mặt bằng di chuyển người dân sống trong bán kính 500 m quanh bãi rác.

“Mọi chính sách, chế độ đã được thông báo, các công tác cơ bản đã tiến triển. Tuy nhiên, một số bà con chưa chịu. Đến chiều 14/1, người dân vẫn tụ tập, túc trực gần con đường dẫn vào bãi rác. Khi phát hiện có xe rác tới sẽ có khoảng hơn 20 người kéo ra chặn đường”, ông Thọ thông tin.

Công văn hỏa tốc

Trước đó tối 10/1, hàng chục người dân xã Nam Sơn tập trung ngăn cản xe vào đổ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Người dân cho rằng, chính quyền thành phố và huyện Sóc Sơn đã chậm thực hiện các chính sách với người dân bị ảnh hưởng vì khu xử lý chất thải, trong đó có việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân; vị trí và diện tích dành cho mỗi hộ dân ở khu tái định cư.

Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, có diện tích khoảng 83 ha. Bãi tập kết rác lớn nhất Hà Nội này hoạt động từ năm 1999, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 4.000 tấn rác. 

Tối 13/1, thành phố đã gửi văn bản đến các đơn vị liên quan về việc giải phóng mặt bằng theo chỉ giới quy hoạch bán kính 500 m quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Theo đó, trước ngày 30/3, huyện sẽ khảo sát số lượng, lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dân, đảm bảo tiến độ trong quý II/2019. Huyện Sóc Sơn cũng được yêu cầu chịu trách nhiệm giải thích để dân không cản trở việc vận chuyển rác vào khu xử lý chất thải.

Rác khu vực đầu phố Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân
  • Rác khu vực đầu phố Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân

Công văn của UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ, trước ngày 17/1/2019, UBND TP Hà Nội sẽ lập tổ công tác liên ngành gồm lãnh đạo sở, ngành, đơn vị để phối hợp hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện của UBND huyện Sóc Sơn nhằm đảm bảo đúng tiến độ và đúng quy định của pháp luật.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân có hành động như nói ở trên. Theo người dân địa phương, môi trường sống quanh bãi rác Nam Sơn bị ô nhiễm nặng nề, người dân mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da... Sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước tưới bị ô nhiễm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trách nhiệm của cha mẹ là truyền đạt cho con khái niệm về sự kiên nhẫn. (Ảnh: ITN).

Vì sao bố mẹ nên dạy con tính kiên nhẫn?

GD&TĐ - Ngay cả việc học về tính kiên nhẫn cũng cần một lượng thời gian đáng kể. Bạn cần chuẩn bị sẵn kiến ​​thức cơ bản trước khi dạy con về tính kiên nhẫn.