Hà Nội, giá đất khung thấp hơn thực tế 5 lần

Hà Nội, giá đất khung thấp hơn thực tế 5 lần

Hoàn Kiếm cao nhất gần 200 triệu

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung mới đây đã ký ban hành quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bảng giá mới này áp dụng từ ngày 1/1/2020 - 31/12/2024.

Theo quy định, giai đoạn từ 2020 - 2024, bảng giá các loại đất của Hà Nội tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014 - 2019, chỉ riêng mức giá đất nông nghiệp được giữ nguyên.

Cụ thể, đối với đất ở tại các quận điều chỉnh tăng bình quân 16% đối với các tuyến đường trục chính 2 chiều; tăng bình quân 12% đối với các tuyến đường 1 chiều; các tuyến đường còn lại bình quân tăng 15%.

Đất thương mại, dịch vụ tại các quận được điều chỉnh bằng 62 - 65% giá đất ở sau khi điều chỉnh. Trong đó, đối với 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng được điều chỉnh bằng 65%, các quận còn lại điều chỉnh bằng 62%.

Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ ở các quận cũng tăng bình quân 16% đối với các tuyến đường trục chính 2 chiều; tăng 12% đối với các tuyến đường 1 chiều; tăng 15% với các tuyến đường còn lại.

Như vậy, lấy ví dụ tại quận Hoàn Kiếm, theo bảng giá đất mới do Hà Nội quy định, giá đất cao nhất là gần 188 triệu đồng/m2; giá đất thấp nhất thuộc quận Hà Đông, hơn 4,5 triệu đồng/m2.

Tăng như không

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường trong vòng 6 tháng đến hết năm 2020 sẽ không có nhiều biến động trên nền tảng khá ảm đạm của năm 2019.

Theo dự đoán của ông Hưng, nguồn cung nhà đất tại Hà Nội sẽ khá ổn định với mức giá chỉ tăng khoảng từ 1 - 2%, với TPHCM giá có thể tăng từ 4 - 5% do nguồn cung dự án mới giảm sút.

Trong khi đó, ý kiến của ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa – cho rằng, trong khoảng từ 6 tháng tới đến hết năm 2020 sẽ là giai đoạn khó khăn của thị trường. Trong đó, những nhà đầu tư vay vốn quá nhiều và tham gia vào nhiều danh mục bất động sản có thể phải ra hàng với mức giá thấp hơn từ 5 - 10% giá vốn để trả nợ.

Trên thực tế, vào cuối năm 2019 tại kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân dưới mức 4%. Nếu so sánh tương quan chỉ số CPI mục tiêu năm 2020 với mức giá nhà đất theo dự báo thì coi như không tăng.

Không ảnh hưởng người dân

Khi quyết định thông qua bảng khung giá đất mới giai đoạn 2020 – 2024, UBND TP Hà Nội cho biết, để tránh tác động lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân, Hà Nội chỉ đề xuất tăng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 lên bình quân 15% thay vì mức 30% như tính toán ban đầu.

Trong tờ trình gửi HĐND, UBND TP Hà Nội cũng thừa nhận giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường cao hơn giá cùng vị trí quy định tại bảng giá đất. Tuy nhiên, không thể tăng bằng với giá thị trường bởi như vậy gây tác động rất lớn tới người dân và doanh nghiệp.

“Bảng giá mới phải từng bước đảm bảo sự cân đối về giá đất, góp phần bình ổn giá nói chung, đồng thời đảm bảo nguyên tắc tiếp cận dần với giá thị trường, cân đối giá giữa các vùng”, tờ trình UBND TP Hà Nội nêu rõ.

Còn theo Cục Thuế TP Hà Nội, việc tăng giá đất 15% trong giai đoạn 5 năm tới làm tăng nguồn thu cho ngân sách khoảng 3.810 tỉ đồng từ các khoản thuế, phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...

Với mức tăng này, sau năm 2022, mỗi hộ dân ở Hà Nội sẽ đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cao hơn hiện tại 45.000 đồng/năm. Tổng số tiền thuế Nhà nước thu thêm tăng khoảng 57 tỉ đồng nhưng không gây ảnh hưởng nhiều tới đời sống của người dân.

Xét trên yếu tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Thọ - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai mới đây trả lời báo chí khẳng định, khung giá đất này không được áp dụng tính tiền bồi thường trong các dự án Nhà nước thu hồi.

Theo ông Thọ, khung giá đất và bảng giá đất do Nhà nước ban hành không ảnh hưởng đến việc xác định giá đất cụ thể nên không gây thất thoát trong tính tiền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất, tính giá trị sử dụng đất trong sắp xếp, xử lý tài sản công.

Ông Thọ khẳng định: “Về nguyên tắc, khung giá đất và bảng giá đất sẽ không ảnh hưởng tới thị trường bất động sản trong thời gian tới. Việc tăng nghĩa vụ tài chính sẽ làm giảm đầu cơ đất đai. Mức tăng 20% áp dụng cho cả chu kỳ 5 năm chứ không chỉ 1 năm nên sẽ tác động không đáng kể tới thị trường”.

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước siết mạnh cho vay bất động sản. Trong đó, đáng chú ý có việc ngân hàng này tăng cường siết mạnh với cho vay bất động sản khi chính thức đưa ra lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn. Cụ thể, từ 1/1/2020 - 30/9/2020 tỷ lệ này là 40%; 1/10/2020 - 30/9/2020 là 37%; 1/10/2021 - 30/9/2022 là 34% và kể từ 1/10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%.
Đặc biệt, bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Điều này khiến thị trường bất động sản đầu năm 2020 được dự đoán là khá ảm đạm và nguồn cung bất động sản nhà ở sẽ giảm, đẩy giá nhà đất thị trường tăng dần theo thời gian.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.