Hà Nội đề xuất mở thêm 14 làn ưu tiên cho xe buýt

GD&TĐ - Một số chuyên gia giao thông cho rằng, đề xuất thêm 14 làn ưu tiên cho xe buýt của TP Hà Nội là rất tốt. Tuy nhiên, việc triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không có phương án đồng bộ về giao thông...

Làn dành riêng xe BRT được nhiều người nhận định là lãng phí khi lượng khách tham gia còn hạn chế.
Làn dành riêng xe BRT được nhiều người nhận định là lãng phí khi lượng khách tham gia còn hạn chế.

Thêm 14 tuyến buýt ưu tiên

Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội vừa kiến nghị UBND thành phố và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) ưu tiên triển khai 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt. Mục đích nhằm cải thiện điều kiện vận hành, nâng cao năng lực vận chuyển.

Trong số 14 tuyến đường đề xuất ưu tiên triển khai, có 4 tuyến đường trục chính đã được nghiên cứu trong giai đoạn 2019 - 2020. 5 tuyến đường tổ chức làn ưu tiên trong giai đoạn 2021 - 2025 (tổng cộng 22,6km). 5 tuyến đường nghiên cứu tổ chức làn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 (tổng cộng 82,3km).

Cụ thể, 4 tuyến đường trục chính đủ điều kiện đã được nghiên cứu trong giai đoạn 2019 - 2020 gồm: Nguyễn Trãi - Trần Phú, Hà Đông (đoạn từ Ngã tư Sở đến Cầu Trắng dài 5km); tuyến đường Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt (dài 4,7km); đường Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự (dài 5,9km); tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm (dài 9,6km).

Còn 10 tuyến thực hiện theo kế hoạch trong giai đoạn từ năm 2021 - 2030 gồm: Giai đoạn 2021 - 2025 có 5 tuyến đường: Hoàng Quốc Việt; Trần Duy Hưng; Xã Đàn; Võ Chí Công; Võ Văn Kiệt với tổng chiều dài gần 23km.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2026 - 2030 có 5 tuyến đường gồm: Nhổn - Hồ Tùng Mậu; Ngọc Hồi - BX Thường Tín; Trần Duy Hưng - Hòa Lạc; Mỹ Đình - sân bay Nội Bài; Thường Tín - Phú Xuyên dọc theo QL1 cũ. Tổng chiều dài làn ưu tiên cho xe buýt giai đoạn này là hơn 82km.

Lý giải về đề xuất, theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội, việc lưu thông trên làn hỗn hợp, tốc độ của xe buýt thường chỉ đạt khoảng 14 km/h, thấp hơn tốc độ bình quân của xe máy (khoảng 17 km/h). Chính điều này khiến xe buýt khó thu hút được người dân.

Theo ông Thông, giai đoạn từ 2004 - 2013, khi Hà Nội hình thành đoạn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Nguyễn Trãi, tốc độ bình quân của xe buýt đạt đến 23 km/h. Số lượng khách mua vé tháng xe buýt lúc đó chiếm tới 1/6 toàn mạng lưới, góp phần giảm ùn tắc và hạn chế phương tiện cá nhân. Trong khi đó, tuyến buýt BRT 01 (Kim Mã - BX Yên Nghĩa) đang chạy làn đường riêng, dù có nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên lượng khách lại khá tốt.

Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội) nhận định: “Tuyến buýt BRT 01 có tỷ lệ hành khách là người đi làm chiếm tới 60 - 70% (công chức, viên chức khoảng 43%; nhân viên văn phòng khoảng 36%). Trong khi đó, đối với các tuyến buýt thường, nhóm đối tượng là người đi làm chỉ chiếm khoảng 22%, còn lại 78% là học sinh, sinh viên”.

Ông Nguyễn Trọng Thông cho biết, hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ưu tiên xây dựng 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt. Trong đó có 4 tuyến đường được đưa vào kế hoạch nghiên cứu từ năm 2019 - 2020, 10 tuyến đường được đưa vào kế hoạch từ năm 2021 - 2030.

Nếu BRT cũ hiệu quả thì triển khai mới

Trao đổi với Báo GD&TĐ chiều 30/11, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, kiến nghị trên còn có ý kiến phản đối.

“Các ý kiến nêu ra đều có những cơ sở lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu cụ thể hơn. Nếu bố trí tần suất của xe buýt đủ lớn và chất lượng phục vụ tốt, thu hút được nhiều hành khách, giảm phương tiện giao thông cá nhân, tạo sự thông thoáng, an toàn giao thông… thì rất tốt, ông Quyền bày tỏ.

Theo ông Quyền, nếu dành riêng làn đường cho xe buýt mà tần suất không hợp lý thì đó sẽ là sự lãng phí. “Nhiều ý kiến cho là việc dành riêng cho BRT một làn đường mà với tần suất xe chạy như hiện nay là quá lãng phí. Tuy nhiên, đây sẽ là căn cứ thực tiễn để chúng ta khảo sát, phân tích, đánh giá, điều chỉnh, để tổ chức tốt hơn”, ông Quyền nhấn mạnh.

Còn PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội thì nhận định, việc tăng cường phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội là điều cần thiết. Tuy nhiên, triển khai dự án này phải không ảnh hưởng đến loại hình giao thông khác. Các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu kỹ lưỡng tính đồng bộ, khả thi. Đặc biệt là phải rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước khi xe buýt lại không đáp ứng được nhu cầu công cộng.

“Trong thời gian vừa qua, buýt nhanh BRT đã được ưu tiên riêng 1 làn đường. Nhưng nó lại không có hành khách, không đáp ứng được nhu cầu đề ra. Theo tôi xe buýt muốn phát triển được thì cần có sự đồng bộ về hạ tầng. Hiện, BRT đang vận hành không hiệu quả khi đặt trên tuyến đường thường xuyên ùn tắc là Lê Văn Lương - Tố Hữu. Điều này càng khiến giao thông hỗn loạn, ùn tắc hơn…”, PGS.TS An nói.

Theo bà An, khi Nhà nước vẫn đang phải bù lỗ, trợ giá cho xe buýt thì việc kiến nghị triển khai 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt sẽ không hợp lý.

“Không phải cứ ưu tiên xe buýt là phát triển được giao thông công cộng. Việc dành riêng 1 làn cho xe buýt thực tế cho thấy rất lãng phí, gây ảnh hưởng đến giao thông chung của Hà Nội. Cơ quan chức năng cần kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ những chính sách, đề án đã được triển khai như việc trợ giá, cơ sở hạ tầng. Muốn cái tốt thì cần đánh giá cái cũ thật chuẩn. Việc kinh doanh, tham gia giao thông cần có sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh chứ không thể có quá nhiều ưu tiên như vậy…” - bà An nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.