Theo kết quả khảo sát của Tramoc, ngoài tuyến BRT, trên toàn trục đường BRT đang hoạt động từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) có tổng cộng 6 tuyến buýt thường. Các tuyến buýt này bao gồm, tuyến số 30, 51, 84, 85, 60A, 60B; căn cứ vào biểu đồ, mỗi ngày tại trục đường trên có 792 lượt xe buýt thường hoạt động. “Phần lớn các tuyến buýt thường chỉ chạy một đoạn, không chạy trùng lịch trình tuyến với BRT. Việc cho buýt thường chạy vào làn đường BRT sẽ làm tốc độ của buýt thường được tăng lên, đồng thời giảm sức ép về lưu lượng phương tiện cho các làn xe hỗn hợp bên cạnh”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Tramoc nêu thuận lợi.
Về phương án thực hiện, ông Hải cho rằng, theo mục tiêu vận hành, BRT sẽ chạy với tần suất 3 đến 5 phút/chuyến, nhưng nay mới chạy ở tần suất 5 đến 10 phút/chuyến. Khoảng thời gian còn trống có thể bố trí buýt thường đi vào là hoàn toàn phù hợp. Với các yếu tố kỹ thuật, như đường BRT chỉ phục vụ cho buýt mở cửa ở bên trái (tiếp cận khách ở dải phân cách giữa đường), cốt nhà chờ thường cao hơn nên xe buýt thường… trong khi buýt thường mở cửa bên phải – tiếp cận khách ở trên vỉa hè? ông Hải cho rằng, trung tâm sẽ lên phương án điều chỉnh lại hợp lý các điểm đỗ của buýt thường để làm sao buýt thường vẫn đón trả khách ở vỉa hè, còn lưu thông chạy trên đường ưu tiên với BRT. Công tác chuẩn bị sẽ được các đơn vị của Sở GTVT thực hiện trong vòng 1, 2 tuần là xong, và nếu được lãnh đạo thành phố chấp thuận thì việc cho buýt thường đi chung đường ưu tiên với buýt BRT có đủ điều kiện thực hiên trong tháng 6.