Văn bản hỏa tốc khiến GV “sáng mừng chiều lo”
Trong một ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội hai lần ra công văn khiến tất cả các GV tham gia kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục 2019 ngỡ ngàng. Cụ thể, vào sáng 15/11, UBND TP Hà Nội gửi Văn bản hỏa tốc số 5119/UBND-NC chỉ đạo tạm dừng việc thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập.
Tuy nhiên, ngay trong chiều 15/11, UBND Hà Nội tiếp tục ra Văn bản 5130/UBND-NC chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tiếp tục triển khai tổ chức thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã vào ngày 17/11/2019 theo đúng kế hoạch. Sau đó, sẽ thực hiện tuyển dụng đặc cách theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Công văn số 9028 CV/VPTW ngày 11/3/2019 và của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1480/VPCP-TCCV ngày 5/6/2019; của Bộ Nội vụ tại Văn bản số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019.
Thông tin về 2 văn bản hỏa tốc của UBND TP Hà Nội ngày 15/11 đã khiến tất cả các GV hợp đồng đều trong tình trạng “sáng mừng, chiều lo”. Nếu theo tinh thần của văn bản chỉ đạo buổi sáng, những GV hợp đồng lâu năm sẽ yên tâm được xét tuyển. Tuy nhiên trong công văn buổi chiều, họ lại tiếp tục bị “cản bước”.
Nhiều người cho rằng, xét tuyển GV hợp đồng trước khi kỳ thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục mới đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Nội vụ. Cụ thể, trong Văn bản 5378/BNV-CCVC, Bộ Nội vụ yêu cầu sau khi thực hiện tuyển dụng đặc cách, nếu vẫn còn chỉ tiêu biên chế thì các địa phương thực hiện việc tuyển hoặc xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cách làm của TP Hà Nội như hiện nay (thi tuyển, xét tuyển trước rồi mới xét đặc cách GV hợp đồng) là trái với tinh thần chỉ đạo của Bộ Nội vụ. Nhiều GV đánh giá, công văn của Bộ Nội vụ là một bước gỡ rối cho cả thành phố và cả GV hợp đồng. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn lấy đủ lý do để trì hoãn việc thực hiện.
Trước đây, TP thường lấy lý do vướng Nghị định 161/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên theo văn bản mới đây của Bộ Nội vụ các tiêu chuẩn xét đặc cách không còn bị vướng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP nữa. Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã có chỉ đạo xét đặc cách cho GVHĐ. Bởi vậy, chúng tôi mong TP có cơ chế xét đặc cách để giải quyết dứt điểm việc này và bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi như một lời tri ân nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam đang tới gần”.
Cơ hội nào cho giáo viên hợp đồng?
Theo thông tin từ Sở Nội vụ Hà Nội, chỉ tiêu tuyển dụng GV của TP năm 2019 là 11.182 chỉ tiêu, trong đó GV là 10.949 người, nhân viên là 233 người với hình thức thi tuyển và xét tuyển. Tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển là 20.767 người, gần gấp đôi chỉ tiêu biên chế.
Hiện nay, số GV có thời gian hợp đồng lao động liên tục từ 5 năm đến 19 năm tại Hà Nội là 2.730 người. Trong các ngày 20 - 21/10/2019, các GV đã trải qua vòng 1 kỳ thi tuyển viên chức giáo dục TP Hà Nội 2019, trong đó rất nhiều thí sinh là GV hợp đồng đã bỏ thi hoặc không vượt qua được vòng 1. Hầu hết các GV hợp đồng hiện nay đã bị chấm dứt hợp đồng lao động và tham dự kỳ thi tuyển viên chức giáo dục như thí sinh tự do.
Trước đó, liên quan đến việc xét tuyển, thi tuyển viên chức ngành Giáo dục, thành phố vẫn có nhiều lần bất nhất trong các chỉ đạo. Cụ thể, vào ngày 9/7/2019, tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố cho biết sẽ xét tuyển đặc biệt với những GV đủ tiêu chuẩn. Nhưng đến ngày 6/9/2019, UBND TP lại ra thông báo trong số gần 3.000 GVHĐ, không ai đủ điều kiện xét đặc cách theo quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP.
Trong khi đó, Bộ Chính trị có Công văn số 9028 cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với GV có hợp đồng từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực trình độ phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng mà không cần theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP.
Điều mà các GV băn khoăn và đặt ra câu hỏi là sau khi thi tuyển, sẽ còn cơ hội nào cho GVHĐ, khi mà các chỉ tiêu biên chế, các vị trí giảng dạy đã được an bài.
Trước những lo lắng của GVHĐ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giải thích: Văn bản số 5130 được ban hành sau khi ông làm việc với Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ Hà Nội, một số cơ quan liên quan và xét thấy việc tổ chức song song 2 hình thức tuyển sẽ có lợi cho đông đảo GV hơn.
Mặt khác, một số GV hợp đồng lâu năm tuy đủ các điều kiện để xét tuyển, nhưng tại trường có hợp đồng lại không có chỉ tiêu, nên nếu dừng kỳ thi lại thì các GV này cũng sẽ thiệt thòi.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định việc tiếp tục kỳ thi không ảnh hưởng đến quyền lợi của các GV lâu năm thuộc diện được xét tuyển đặc cách. Kể cả với các GV đã thi trượt kỳ thi viên chức nhưng đủ điều kiện thì cũng vẫn sẽ được xét tuyển đặc cách.
Không chỉ vậy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết vẫn sẽ thực hiện lời hứa trước đây là giải quyết dứt điểm tình trạng GVHĐ đã tồn tại từ cách đây 20 năm, bao gồm cả chế độ bảo hiểm. Hà Nội cũng đã có kế hoạch dành ra đủ chỉ tiêu biên chế để xử lý những tồn đọng này.