Là một nhà báo không chuyên giành giải thưởng khá cao – giải B trong giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2019”, cảm xúc của chị hiện giờ như thế nào?
Cảm xúc khi tôi biết tin mình được nhận giải thưởng thật đặt biệt. Bởi vì thực lòng, lúc quyết định gửi bài dự thi, tôi không nghĩ đến việc sẽ được giải thưởng mà chỉ mong những bài viết của mình sẽ được mở rộng kênh truyền thông và đến được với nhiều độc giả hơn nữa. Có lẽ vì thế ngoài niềm vui, giải thưởng này khiến tôi có thêm động lực để tiếp tục viết và thấy mình phải có trách nhiệm hơn với những gì mình đã và sẽ viết.
- Chị chia sẻ vài nhận định cá nhân qua 2 năm theo dõi Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”?
Năm đầu tiên khi Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” bắt đầu triển khai, tôi không quan tâm nhiều lắm vì nghĩ đây cũng là một cuộc thi mang tính phong trào để động viên các nhà báo tham gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Nhưng khi dự tổng kết giải năm đó, tôi thực sự bất ngờ về số lượng, chất lượng bài dự thi và đặc biệt là sức lan tỏa của các tác phẩm dự thi có chất lượng. Điều đó khiến tôi nghĩ nhiều hơn đến vấn đề truyền thông về các hoạt động của ngành trong quá trình công tác. Rồi cứ dần dần từng bước một tôi viết bài, viết các chuyên đề theo mảng công việc tôi đang phụ trách, rồi trở lên say mê với các bài viết từ lúc nào không hay.
Tôi thấy việc tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” là một việc làm hết sức có ý nghĩa, có giá trị quan trọng trong thúc đẩy các hoạt động truyền thông về giáo dục, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang triển khai đổi mới giáo dục hiện nay. Tôi hi vọng rằng Giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục sẽ được duy trì thường niên trong thời gian tới.
TS Nguyễn Hương được trao giải B tại lễ trao giải báo chí "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2019 sáng 16/11. |
- Giáo viên hợp đồng là một vấn đề nóng, nên chắc chắn số lượng bài viết về nó không nhỏ. Nhưng loạt bài của chị được nhìn từ một góc rất riêng, rất đặc biệt - đó là người trực tiếp làm chính sách. Với vai trò là chuyên viên hoạch định chính sách ở Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) có phải là lợi thế để chị khai thác đề tài khó nhưng lại hấp dẫn này?
Tôi may mắn đã có thời gian làm việc ở vị trí chuyên viên hoạch định chính sách cho đến nay đã gần mười năm. Đó là khoảng thời gian đủ dài để tôi có được nền tảng cơ bản về hệ thống chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở Việt Nam, nhất là đối với các cấp học mầm non, phổ thông. Vì thế, cũng có thể nói rằng khi lấn sân sang viết báo, thì viết về chính sách nhà giáo là một thế mạnh của tôi.
Bởi vì, khi tham gia xây dựng, chỉ đạo triển khai cũng như giám sát việc thực hiện chính sách nhà giáo, ngoài hệ thống cơ sở pháp lý, tôi còn có cơ hội tiếp xúc và tích lũy các kinh nghiệm về thực thi chính sách từ thực tiễn của các địa phương, cơ sở giáo dục. Những kinh nghiệm thực tiễn ấy đã giúp tôi hiểu hơn bức tranh thực tế đầy màu sắc của các địa phương và có được sự đồng cảm sâu sắc đối với từng nhóm đối tượng mà chúng tôi quản lý.
Tuy nhiên, cũng phải chia sẻ rất thật là, cũng chính ở vị trí công việc như hiện nay lại là một áp lực đối với tôi khi viết bài. Đó là áp lực luôn luôn phải viết thật chính xác và có thái độ khách quan, công bằng đối với bất cứ nội dung nào.
Do đó, để viết được một bài về chính sách, mặc dù là những mảng công việc đang trực tiếp làm, nhưng tôi thường phải tra cứu rất nhiều tài liệu, kiểm tra dữ liệu rất tỉ mỉ, rồi soát xét từng câu, từng chữ rất cẩn trọng; hoặc có lúc phải gọi điện thoại, gặp gỡ trực tiếp với các cơ sở giáo dục, các anh chị làm chính sách ở địa phương để trao đổi, tham vấn thêm thực tế của vấn đề…
Khi đăng bài rồi lại phải theo dõi, cập nhật các phản hồi từ thầy cô, từ các đơn vị để xem liệu những nội dung mình viết có thực sự hữu ích đối với thực tế công việc của các đơn vị hay không, có cần điều chỉnh, bổ sung gì không…
TS Nguyễn Hương chụp ảnh cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và lãnh đạo báo Giáo dục và Thời đại (trái ảnh) sau lễ trao giải. |
- Điều gì đã thôi thúc chị quyết định lựa chọn một mảng rất khó để viết hay - là mảng chính sách nhà giáo? Và thông qua loạt bài về hợp đồng giáo viên, chị muốn gửi gắm đến độc giả thông điệp gì?
Trong gần mười năm làm chuyên viên hoạch định chính sách ở Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, tôi nhận thấy có một thực trạng là nhiều thầy cô giáo của mình trình độ thì cao nhưng rất ngại tiếp cận với văn bản quy phạm pháp luật.
Cho nên, có khi ngay đến cả những quy định sát sườn liên quan đến quyền lợi của mình, nhiều thầy cô cũng không nắm được hoặc chỉ nắm một cách chung chung theo kiểu thấy người này, người kia bảo thế.
Với cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đặc biệt là những người làm công tác tổ chức cán bộ, tôi thấy nhiều anh chị quá vất vả vì hệ thống văn bản chính sách rất nhiều, lại thay đổi liên tục, nhiều khi họ cập nhật không kịp hoặc cũng không có đủ thời gian, kinh nghiệm để hiểu các văn bản một cách thấu đáo.
Do đó, tôi mong muốn qua những bài viết của mình phần nào giúp cho các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiểu rõ hơn về hệ thống chính sách và làm tốt hơn công việc của mình.
Trong một năm qua, tôi viết khá nhiều và cũng hay chọn cách viết thành chuyên đề theo từng loạt từ 3 đến 5 bài theo từng vấn đề cụ thể. Trong đó, loạt bài về tuyển dụng và hợp đồng giáo viên tôi viết với nhiều cảm xúc nhất.
Qua loạt bài này, có 2 điều tôi mong muốn và gửi gắm. Một là, tôi mong muốn các thầy cô giáo và những người có ý định trở thành thầy cô giáo sẽ tìm hiểu thật kỹ những quy định liên quan đến chính sách của nhà giáo.
Hai là, với độc giả nói chung, tôi mong muốn các độc giả hiểu rõ hơn về chính sách nhà giáo, luôn luôn cần có một cái nhìn thật sòng phẳng, công bằng và khách quan. Vì chính sách, pháp luật vốn dĩ không có cái gọi là đúng - sai; hay - dở, cũng không có cái sự thích làm hay không thích làm, chỉ có quy định và thực hiện, không phù hợp thì điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế để tiếp tục thực hiện.
- Xin cảm ơn chị vì những chia sẻ!